• Zalo

Gặp chàng trai Đắk Lắk quyết tâm chế tạo thiết bị cảnh báo ô nhiễm sau sự cố Formosa

Giáo dụcThứ Tư, 30/08/2017 13:00:00 +07:00Google News

Sau sự cố cá chết hàng loạt khắp các tỉnh miền Trung, Đồng Nai, Hồ Tây,… Xứng luôn đau đáu câu hỏi “tại sao không tạo ra một thiết bị cảnh báo ô nhiễm?” và bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị này.

Ý tưởng thiết thực từ sự cố Formosa

Gặp Bùi Văn Xứng – Chàng trai sinh viên năm 4, khoa Kỹ thuật máy tính (trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP.HCM) sau khi kết thúc một buổi thực hành sáng chế tại trường.

Xứng cười tươi cho hay, trong số những đề tài sáng chếcùng các bạn đã mày mò thực hiện, em tâm đắc nhất thiết bị cảnh báo xả thải.

Video: Thiết bị cảnh báo xả thải dưới góc nhìn hài hước của nam sinh viên Bùi Văn Xứng (NVCC).

Kể về ý tưởng, Xứng nhớ lại, đầu năm 2016, khi còn là sinh viên năm 3, cả nước xôn xao thông tin cá chết hàng loạt vì ô nhiễm môi trường khắp các tỉnh miền trung từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế,…

“Khoảng thời gian này, tất cả các phương tiện truyền thông đều đưa chỉ số “đỏ” báo động về ô nhiễm môi trường do xả thải của những công ty công nghiệp nặng, nổi bật như Formosa. Rồi cá chết tiếp tục xảy ra hàng loạt ở Hồ Tây, Đồng Nai… Em nghĩ nếu tình trạng này cứ kéo dài thì không những môi trường mà sức khỏe và đời sống của con người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Nghĩ là làm, đầu tháng 4/2016, Xứng bắt tay vào thực hiện dự án, công đoạn đầu tiên là lên ý tưởng, tên đề tài sơ khai được hình thành là “Hệ thống cảnh báo xả thải”.

nguoi-mien-trung-do-mat-cho-doi-cau-tra-loi-chinh-thuc-ve-vu-ca-chet-hang-loat-2222 5

 

Cũng trong thời gian này, Xứng hoàn thành hồ sơ gửi đến cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ (viết tắt SISI: Startup – Ideas – Science – Innovation “Khởi nghiệp từ những ý tưởng trên nền tảng khoa học và sáng tạo), và được xét duyệt vào vòng trong.

“Em bắt tay vào thức hiện ý tưởng của mình. Quá trình đó cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi phần cứng và thiết bị khá hiếm trên thị trường, vì thế một số thiết bị phải đặt từ nước ngoài”.

Xứng chia sẻ thêm: "Tìm mua thiết bị đã khó, quá trình lắp ghép, lập trình càng gian nan. Tuy được đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng em cũng phải mất rất nhiều thời gian để mày mò nghiên cứu thêm vì đề tài được ứng dụng nhiều công nghệ mới. Qua nhiều lần thực nghiệm và sửa chữa, thiết bị cơ bản được hoàn thành".

Cảnh báo ô nhiễm nguồn nước kịp thời

Xứng hào hững kể về nguyên lý hoạt động: "Thiết bị của em được thiết kế khá nhỏ gọn, nó sẽ được đặt ở các cống xả thải của các công ty, xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp…

Phần cứng của thiết bị gồm một máy bơm công suất thấp có hệ thống tự động đóng ngắt, đủ để bơm nước lên khỏi mặt nước trong một khoảng thời gian thích hợp. Số nước được bơm lên ngay lập tức được chuyển đến bình chứa nước để đo thông tin và thu thập dữ liệu qua hệ thống cảm biến điện trở để kiểm tra kim loại nặng. Thiết bị được sử dụng công nghệ truyền thông LoRa để truyền dữ liệu thu thập được đến trạm kết nối Internet".

C360_2016-10-08-11-39-51-268 3

 Thiết bị cảnh báo xả thải của Xứng đạt giải nhì Ý tưởng sáng tạo trẻ năm 2016. 

Về nguồn năng lượng, Xứng cho hay, sử dụng pin năng lượng mặt trời để cung cấp nguồn cho động cơ và bộ phận thu thập dữ liệu.

Chàng trai sinh viên công nghệ giải thích: Vì hệ thống được đặt ngay ở cống xả thải của các nhà máy, xí nghiệp sản xuất kim loại nặng, nên khi nguồn nước chứa chất thải độc hại bị vượt quá ngưỡng cho phép thì ngay lập tức hệ thống sẽ gửi dữ liệu đến người quản lí.

“Điểm mạnh của hệ thống là cảnh báo sớm trình trạng nguồn nước tại vị trí đặt thiết bị, giúp ngăn chặn kịp thời cũng như giúp cơ quan chức năng dễ dàng quản lí hoạt động xả thải; góp phần giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn như ô nhiễm nguồn nước gây tác hại đối với con người và môi trường xung quanh”, Xứng chia sẻ.

KHA3 6

 Bùi Văn Xứng cùng các bạn trong cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ. 

Sau 5 vòng của cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ (thời gian kéo dài từ tháng 5/2016 đến tháng 10/2016), thiết bị của Xứng đã xuất sắc lọt vào vòng chung cuộc và đạt giải nhì, đồng thời đạt giải ba cuộc thi Ý tưởng sáng kiến cộng đồng năm 2016.

Vốn quê ở Đắk Lắk, gia đình không phải là “nhà nòi” về công nghệ thông tin nhưng từ nhỏ Xứng đã rất đam mê mày mò công nghệ. Những năm học cấp 3, Xứng được tiếp xúc với máy tính và từ đó đã quyết tâm thi vào trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Xứng kể: “Ở quê em nguồn nước chủ yếu từ sông suối đầu nguồn lại hầu như không có nhà máy công nghiệp nặng nên rất sạch sẽ, sau sự cố cá chết hàng loạt do ô nhiễm xả thải ở các tỉnh miền Trung em nghĩ đã đến lúc cộng đồng cùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường”.

“Em vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thành dự án. Điều em mong muốn là sớm có ngày đưa được thiết bị vào ứng dụng thực tế. Nó cũng sẽ là “cánh tay đắc lực” giúp cơ quan quản lý có thể giám sát những biến động của môi trường tốt hơn, chi phí lại rất rẻ”.

Dương Thương
Bình luận
vtcnews.vn