"Bóng ma" đó là bệnh nhân Xuân Thương, bị tâm thần phân liệt đã 17 năm, tái phát rất nhiều lần rồi, một năm vào viện đến 3 lần. Lần nào vào viện Xuân Thương cũng trong tình trạng kích động ghê gớm, hát hò rồi chống đối, còn đánh cả bố.
“Sự thật con gái tôi là một thiên tài”
Sau khi video “gặp ma” trong đêm Hà Nội được đăng tải trên mạng xã hội (như đã kể ở bài trước), chúng tôi cùng nhà báo P. – người đã trực tiếp gặp và chụp ảnh quay phim Thương lúc 12 giờ 40 đêm mưa gió đầu hạ vừa rồi, trở lại xã Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội).
Lúc này, Thương đã được người ta đưa đi bệnh viện tâm thần điều trị. Cán bộ y tế sở tại thở dài: “Tội nghiệp, con bé nó đi viện suốt ấy mà. Nhưng cứ dứt bệnh là bố nó lại cho con về, về lại tái phát đi lang thang...”.
Bố Thương, ông Nguyễn Xuân Thạch thì quả quyết: “Đến ngày 25/7/2016 tôi dự tính cho nó (Thương) xuất viện ra về”. Một bệnh nhân mạn tính, biểu hiện điên rồ và nguy hiểm như Thương, mà vừa nhập viện ông bố đã ấn định ngày cho con gái mình về nhà, bất chấp bệnh tình tiến triển ra sao.
Ông bố cũng chẳng nhớ con nằm bệnh viện gì và ở đâu. Chẳng trách cán bộ y tế xã phải thở dài tuyệt vọng. Và cán bộ thôn xóm thì cho biết: Ông Thạch cũng có vấn đề về đầu óc lắm, lúc tỉnh, lúc lại lơ mơ, ông không nhớ gì về cô con gái cũng là lẽ thường.
Quả thật, nhà Thương đã được cán bộ hữu quan ở địa phương xác nhận: không phải một mình Thương là bệnh nhân tâm thần. Anh trai cô cũng bị, bố cô cũng... rất có vấn đề.
Chúng tôi đến thăm, thì ông Thạch đang hì hụi làm thơ. Thơ ông chép khắp nơi, ông làm riêng một căn nhà lụp xụp kỳ quái để ngồi đó tìm thi hứng.
Trong các tập thơ loằng ngoằng mà ông tự ví mình như Nguyễn Du, như thiên tài lỗi lạc, ông còn in cả ảnh con gái Nguyễn Thị Xuân Thương vào và kèm lời chú thích:“Năm 2002, con gái yêu đã giúp bố liên lạc được với hội bút...” của tỉnh Hà Tây cũ. Giấy tự đi kiếm, công nghệ in rẻ bèo, cứ in ở ngoài hiệu ven đường thôi.
Ông Thạch cũng khoe với chúng tôi ông là “vua” và có thể ra lệnh cho mọi người trên thế gian này. Nhà ông có các vị hiển linh tài tình. Vườn ông trồng có cây hình chuột túi bồng con, cây nở búp rồng và hoa như phượng múa.
Bồ Tát thì hiển linh trong tệ xá mắc màn toàn gốc gỗ kỳ quái của ông, “bà” về bằng cách giúp bát hương bốc cháy.
Ông Thạch dành cho con gái Xuân Thương một tình cảm lạ lùng. Năm 24 tuổi, Thương lấy chồng ở xã Vĩnh Q., Thanh Trì, Hà Nội. Vợ chồng Thương có một đứa con năm nay học lớp 4 tên là Nguyễn Mạnh X., nhưng vì vấn đề sức khỏe tâm thần của Thương nên họ đã chia tay.
Đứa con trai bé bỏng ở với bố. Từ bấy, dường như đau buồn quá, bệnh của Thương càng thêm nặng. Nói về cô con gái “rượu” của mình, ông Thạch luôn nhấn đi nhấn lại điệp khúc: “Sự thật con gái tôi là một thiên tài. Tôi dẫn chứng có văn bản kèm theo nhé.
Ngày 1/1/2008 con tôi làm một câu thơ phải nói là xuất chúng ‘Ngũ phúc lâm môn/ Tự càn khôn vận tại’ (?) - và ông giải thích rất kỳ cục cho cái câu rất “hài hước” đó – ‘Nghĩa là 5 cái may, cái tốt đẹp vào trong ngõ nhà tôi hẳn hoi.
Cái này là do trời quyết định. Con tôi là một thiên tài. Hơn thế, một thời gian sau tôi nghĩ ra 1 câu để đáp lại thiên ý của con gái: “Thiên tài tại ốc”, nghĩa là 1.000 cái tài đều do văn học khai cơ mà có được”.
Nhưng ông Thạch vẫn chưa thôi tâm sự: “Thương nó chỉ học đến lớp 9, rồi tôi cho nó đi học bổ túc, vậy mà nói tiếng Anh rất giỏi. Nó có thể xem và nói chuyện với người âm.
Điều đó tôi và nó biết rõ, tôi chứng kiến nhưng kể ra thì không ai tin cả. Nó có đủ tài ca hát, làm thơ, nói ngoại ngữ vèo vèo, con tôi là một nhà triết học. Và tôi thì... cũng thế”.
Chỉ cần một sự quan tâm nhỏ cũng đủ cứu giúp “ma nữ” tội nghiệp
Khi được hỏi tại sao con gái ông lại bị bệnh, ông Thạch trả lời: “Vì tôi là vua tôi bắt làm gì thì nó cũng phải theo, đó là bi kịch. Năm nó học lớp 11 nó đòi lấy chồng nhưng tôi không cho”.
Vợ ông Thạch mất từ lâu, ông chịu cảnh gà trống nuôi con. Một lý do khác, theo ông Thạch xuất phát từ một mâu thuẫn trong gia đình nên con ông vì đau buồn mà bệnh ngày càng nặng.
“Ngày Tết có người mang lễ tới lễ ông bà ông vải, nhưng không cúi đầu chào. Nó trách mọi người, nó nói đúng quá, nhưng mọi người ghét nó, họ bèn cho vào nhà thương điên. Nó cùng quẫn quá mới từ đó hóa điên”, ông nói.
Không biết câu chuyện của ông lão lẩn thẩn này đúng sai đến đâu, nhưng cán bộ địa phương thì cho biết, đây là điều mà ông già Thạch tưởng tượng ra. Nhận định gia đình Thương có vài người cùng mắc bệnh, có một cái gì đó giống như yếu tố “di truyền” có vẻ thuyết phục hơn cả.
Và theo khoa học, thì bi kịch gia đình, cuộc sống làm người bệnh ngày càng mạn tính là đúng. Việc đưa Thương đi chữa trị tạm ổn lại về, về lại không duy trì thuốc và tái phát là dĩ nhiên, đúng như nhận định của cán bộ y tế địa phương.
Chúng tôi được biết Thương bây giờ đang ở trong bệnh viện tâm thần. Thương đang bị bệnh hoành hành, la hét, kích động, chúng tôi cũng không muốn tiết lộ nhiều về hình ảnh thê thảm của cô hiện nay.
Tại một bệnh viện lớn trên địa bàn thủ đô, nơi đã điều trị nhiều lần và hiện đang điều trị cho Thương, một bác sỹ cho biết: “Bệnh nhân (Nguyễn Thị Xuân Thương) bị tâm thần phân liệt đã 17 năm, bị tái phát rất nhiều lần. Sau khi điều trị ở chỗ chúng tôi, 'cắt cơn' thì bệnh nhân sẽ điều trị tại nhà.
Khi điều trị tại nhà, bệnh nhân sẽ uống thuốc của địa phương cấp, nên vẫn dễ tái phát bệnh và nếu bỏ thuốc thì sẽ bị tái phát ngay. Thậm chí bệnh nhân Thương bị tái phát rất nhiều lần rồi. Gần đây nhất, bệnh nhân vào viện từ ngày 25/5/2016 và mới được 7 ngày nên tâm lý vẫn chưa hoàn toàn ổn định.
Ngày đầu nhập viện thì tôi không nhớ, nhưng vào tương đối nhiều lần rồi, một năm vào đến 3 lần. Về nguyên nhân bệnh lý thì hiện tại vẫn chưa nghiên cứu ra lý do. Bệnh nhân này lần nào vào viện cũng trong tình trạng kích động ghê gớm, hát hò rồi chống đối, còn đánh cả bố".
Tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia hàng đầu về bệnh lý tâm thần ở Việt Nam, chúng tôi được biết bệnh của Thương bây giờ chỉ cần sự quan tâm thật sự của gia đình và một bác sỹ giỏi về lĩnh vực này.
Một lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần TƯ hứa sẽ chữa dứt bệnh, giúp Thương trở lại sinh hoạt bình thường, chỉ cần người nhà chịu đưa Thương xuống chữa và hứa là khi dứt bệnh thì về nhà phải đều đặn uống thuốc theo đơn.
Rất đơn giản, nhưng 17 năm qua, Thương rơi vào cảnh hồng nhan bạc phận đau lòng. Không ai cấp thuốc và cho uống thuốc đúng cách, đúng chế độ. Người ta chỉ chữa cho Thương theo... dây chuyền, tức là lên cơn thì nhập viện, nhập viện thì chữa cho dứt, dứt thì cho về, về thì lại ở truồng đi lang thang hoặc khoác áo trắng rên rỉ đi thâu đêm mà “nhát ma” thiên hạ rồi tiếp tục... sớm quay lại viện tâm thần!
Vấn đề là, việc cỏn con kia, bây giờ ai sẽ đứng ra lo, không lẽ nhà báo chúng tôi ở nhà Thương để nhắc em uống thuốc hoặc lên trạm y tế xã lĩnh thuốc hàng tháng cho em? Càng nghĩ cảnh “hồng nhan bạc mệnh” của Thương lại càng buốt lòng.
Bà Trần Thị S., hàng xóm nhà ông Thạch cho biết: “Cả làng đều biết nhà ông Thạch có vấn đề sức khỏe tâm thần, con gái thì điên dại, đi lang thang, trần truồng. Trước khi lấy chồng, Thương nó cũng hâm hâm rồi mà...”.
Còn ông Nguyễn Văn Thịnh, trưởng thôn ở địa phương nơi bố con ông Thạch sinh sống thì xác nhận: Ông Thạch từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và bị nhiễm chất độc da cam, từng là cán bộ huyện nhưng sau đó ông tự nghỉ việc, về nhà làm nông nghiệp.
Vợ ông mới mất cách đây bốn năm vì bệnh ung thư. Ba đứa con đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhưng nặng nhất là cô con gái (Thương). Bản thân ông Thạch cũng hâm hâm, dở dở, ông tự xây nhà để làm thơ, thờ cúng thần thánh.
Nguồn: Trần Quân – Thái Việt (Tuổi Trẻ & Đời Sống)
Bình luận