Trên bảng xếp hạng FIFA hiện tại, đội tuyển Afghanistan xếp hạng 156, kém tuyển Việt Nam (hạng 136) 20 bậc. Đội bóng vùng Nam Á còn kém thứ hạng cả những đội tuyển nhỏ bé như Burundi, Hong Kong hay Tahiti.
Thông tin về tuyển Afghanistan cũng rất hiếm gặp trên Internet. Chi tiết đáng chú ý nhất là trong đợt tập trung lần này, huấn luyện viên (HLV) Otto Pfister cho gọi 16 cầu thủ hiện đang chơi bóng tại châu Âu. Đội tuyển Afghanistan chỉ có 7 cầu thủ chơi bóng ở giải quốc nội - nơi có sự tranh tài của vỏn vẹn 8 đội bóng vào khoảng thời gian gần cuối năm.
Vì lí do an ninh, cuộc so tài giữa đội chủ nhà và tuyển Việt Nam phải diễn ra trên sân trung lập (ở Tajikistan), do không sân bóng nào ở Afghanistan đảm bảo được hai yếu tố là chất lượng và an ninh.
Danh sách cầu thủ và ngôi sao nổi bật
16/26 tuyển thủ Afghanistan hiện đang "đánh thuê" cho các đội bóng hạng dưới tại Đức, Hà Lan hay Thụy Điển. Danh tiếng nhất là Milad Salem - tiền vệ sinh năm 1988 đang đầu quân cho FSV Frankfurt (Bundesliga III). Tuy nhiên, tuyển thủ Afghanistan này chưa được ra sân thường xuyên kể từ đầu mùa.
Tuyển Afghanistan có độ tuổi trung bình 25,7, sở hữu nhiều cầu thủ trẻ với thể hình lý tưởng. 5/7 hậu vệ và 3/6 "hỏa lực tấn công" của đội bóng vùng Nam Á có chiều cao trên 1m8.
Cá biệt, Afghanistan sở hữu những "cây sào" cho những tình huống không chiến như Mohammad Sayed Hashemi (1m92), Masih Saighani (1m88) hay Khaibar Amani (1m83).
Đội trưởng Faysal Shayesteh là nhân tố đáng chú ý nhất bên phía Afghanistan với 7 bàn thắng sau 22 trận đấu chính thức cho tuyển quốc gia (theo Transfermark). "Đối tác" ăn ý của Faysal Shayesteh là tiền đạo Khaibar Amani - chân sút đã ghi 5 bàn/ 10 trận.
Như vậy, bộ đôi tấn công của Afghanistan sở hữu tổng cộng 12 bàn thắng và sẽ là mối đe dọa tiềm tàng với hàng thủ của tuyển Việt Nam.
Dẫn dắt Afghanistan là HLV Otto Pfister (79 tuổi), người đã có trên... 56 năm kinh nghiệm huấn luyện và cầm quân ở 24 câu lạc bộ/ đội tuyển khác nhau. Pfister từng dẫn dắt U17 Ghana lên ngôi ở U17 World Cup 1991 và đưa Togo tham dự World Cup 2006.
Lối chơi
Sở hữu dàn cầu thủ với chiều cao lý tưởng, đội tuyển Afghanistan dựa nhiều vào khả năng không chiến với quả tạt từ hai biên và các tình huống cố định.
Dù vậy, tuyển Afghanistan không chọn lối chơi đánh biên thuần túy. Đội bóng vùng Nam Á tấn công tương đối đa dạng dưới sự dẫn dắt của "cáo già" Pfister.
Cả hai bàn thắng trong chiến thắng của Afghanistan tại vòng loại World Cup 2018 (trước Singapore) đều đến từ những pha bóng trên không. Lần gần nhất gặp lại, Afghanistan lại đánh bại Singapore với 1 bàn thắng từ quả tạt bóng và bàn còn lại xuất phát từ tình huống tấn công trung lộ đẹp mắt.
Video: Afghanistan 2-1 Singapore (giao hữu quốc tế)
Hàng thủ Việt Nam sẽ phải dè chừng Shayesteh và Amani. Trong khi Shayesteh là người "chia bài", phân phối bóng ngay sát vòng cấm địa, Amani có nhiệm vụ thu hút hậu vệ đối phương để tuyến hai có cơ hội dứt điểm. Cả hai đều chọn vị trí tương đối tốt và khai thác được khoảng trống sau lưng các trung vệ.
Song song với điểm mạnh là khả năng tấn công tương đối bài bản cùng sức mạnh không chiến với thể hình lý tưởng, tuyển Afghanistan lại có hạn chế ở năng lực tổ chức lối chơi.
Sở hữu nhiều "lính đánh thuê" trải đều ở các đội bóng hạng dưới ở châu Âu nên các cầu thủ Afghanistan không có sự đồng đều về mặt đẳng cấp và có độ chênh nhất định trong lối đá.
Giải vô địch quốc gia Afghanistan với số đội tham dự khiêm tốn (8) không tạo ra môi trường cọ xát thường xuyên cho các cầu thủ, trong khi những cái tên chơi bóng ở những đội bóng lớn hơn lại không có cơ hội ra sân. Do đó, Afghanistan phòng thủ không tốt (thủng lưới 24 bàn/ 8 trận vòng loại World Cup 2018) và không có được sự ổn định, nhất quán trong lối chơi.
Từ khói lửa chiến tranh, HLV Pfister cùng các học trò nỗ lực xây dựng bản sắc cho tuyển Afghanistan, và 6 trận đấu tại vòng loại Asian Cup 2019 là cơ hội để đội bóng này chứng tỏ sức mạnh của mình.
Bình luận