Một nghiên cứu mới cho thấy, người lớn ở độ tuổi từ 40-50 mà thường xuyên gặp ác mộng là vấn đề đáng lo ngại thực sự. Những phát hiện mới cho thấy, đó chính là dấu hiệu ban đầu của chứng sa sút trí tuệ.
Một nghiên cứu của Đại học Birmingham cho thấy, ác mộng hoặc những giấc mơ xấu rõ ràng là dấu hiệu cảnh báo của chứng sa sút trí tuệ và có thể đáng báo động trong nhiều năm hoặc thậm chí hàng chục năm trước khi hiện tượng mất trí nhớ xuất hiện.
Nghiên cứu này bao gồm hai phần và kéo dài trong 13 năm. Nghiên cứu được đăng trên eClinicalMedicine.
Phần 1 của nghiên cứu này đã thực hiện trên 605 người không bị mất trí nhớ và ở độ tuổi 35-54 tuổi trong tối đa 13 năm. Những người tham gia nghiên cứu đã hoàn thành các bài kiểm tra trí nhớ từ lúc bắt đầu cho tới lúc kết thúc nghiên cứu cũng như chia sẻ các giấc ngủ của họ và cho biết liệu họ có gặp ác mộng hay không.
Các bài kiểm tra trí nhớ được áp dụng để xem sự suy thoái của não bộ qua thời gian, cũng như các tác động tự nhiên của sự lão hóa làm suy yếu chức năng của não bộ. Sự suy thoái nhận thức nhanh hơn có thể là một tín hiệu của chứng sa sút trí tuệ.
Phần 2 của nghiên cứu không bao gồm các bài kiểm trí trí nhớ. Thay vào đó, 2.600 người trên 80 tuổi không mắc chứng sa sút trí tuệ được theo dõi trong vòng năm năm. Các nhà nghiên cứu đã giám sát xem khi nào và ai phát triển chứng sa sút trí tuệ trong thời gian đó. Nhưng người tham gia vào nghiên cứu này cũng được yêu cầu chia sẻ những cơn ác mộng mà họ trải qua.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người ở độ tuổi trung niên gặp ít nhất hai cơn ác mộng một tuần thì có nguy cơ suy thoái não bộ gấp bốn lần so với những người không gặp ác mộng bao giờ. Những người trên 80 tuổi nếu gặp ác mộng hai lần một tuần thì được chẩn đoán là có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ gấp hai lần người khác.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, những cơn ác mộng có thể là tác dụng phụ của quá trình suy thoái nơ ron thần kinh, quá trình biến mất của các nơ ron thần kinh trong não bộ, ở thùy não phải, nhưng họ không tin rằng, những cơn ác mộng là nguyên nhân của chứng sa sút trí tuệ.
Họ bổ sung thêm rằng, có rất ít các chỉ số nguy cơ để nhận diện chứng sa sút trí tuệ ở lứa tuổi đó. Điều này làm cho những phát hiện này trở nên quan trọng vì nó có thể giúp các bệnh nhân sa sút trí tuệ trong tương lai có thể nhận biết những dấu hiệu cảnh báo sớm và các bác sỹ có thể sẽ sử dụng các chiến lược để làm giảm quá trình phát triển của căn bệnh này.
Từ lâu nay, chúng ta đều biết rằng, ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn có thể giảm được nguy cơ sa sút trí tuệ. Mặc dù vậy, những dấu hiệu cảnh báo sớm này cũng là một điều chúng ta nên lưu tâm và có thể có những liệu pháp phù hợp để ngăn chặn nó.
Bình luận