Cảnh báo này được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra trong báo cáo được công bố tuần trước. Theo ông Stefano Scarpetta, Giám đốc phụ trách việc làm và các vấn đề xã hội của OECD, tốc độ này là "giật mình" và đáng xem xét.
Trong báo cáo, OECD cho biết mạng lưới an toàn và hệ thống đào tạo được xây dựng trong nhiều thập kỷ để bảo vệ người lao động đang phải vật lộn để theo kịp những "xu thế lớn" đang thay đổi bản chất của công việc.
Trong khi một số công nhân được hưởng lợi khi công nghệ mở ra thị trường mới và tăng năng suất, nhiều lao động trẻ, tay nghề thấp, làm việc bán thời gian sẽ dễ bị tổn thương.
Theo ông Scarpetta, những thay đổi cấu trúc sâu rộng và nhanh chóng đang diễn, mang tới cho họ những cơ hội mới, nhưng cũng có nhiều người chưa sẵn sàng để thích ứng với các thay đổi đó.
Bản báo cáo mới đây của OECD được xem là lời cảnh báo về rủi ro đối với chính phủ của các nền kinh tế tiên tiến, vốn đang thể hiện sự ủng hộ với các nhà lãnh đạo dân túy. OECD cũng cảnh báo về viễn cảnh tầng lớp trung lưu bị bóp nghẹn, nhân công bị công nghệ thay thế và sự bất mãn lan rộng ở các nước giàu.
"Những thay đổi về việc làm sẽ ảnh hưởng đến công nhân nhiều hơn các lực lượng khác, đặc biệt là những người trẻ tuổi có trình độ học vấn thấp và phụ nữ khó kiếm việc hoặc làm các công việc được trả lương thấp", OECD cho biết.
Tổ chức này đồng thời khuyến nghị các nước thúc đẩy việc đào tạo nhân công, tăng cường quyền lợi và bảo vệ người lao động trong "vùng xám", nơi công việc thường không rõ ràng và việc tuyển dụng lao động thường đi kèm với những thiếu hụt quyền lợi căn bản.
Bình luận