Thành phần dinh dưỡng của gan lợn
Bài viết của BS Huyền Thu trên Báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, hàm lượng vitamin A, B, D cùng axid folic, nicotilic chất đạm và chất sắt rất lớn. Theo các nhà khoa học thì hàm lượng vitamin A trong gan lợn cao gấp nhiều lần trứng, sữa, thịt, cá.
Do đó, gan lợn có tác dụng làm sáng mắt, phòng chữa mỏi mắt, khô mắt giúp duy trì sự sinh trưởng tốt nhất.
Bên cạnh đó lượng vitamin C và Selen phong phú của gan lợn giúp bạn chống lại sự oxy hoá, bổ sung sắt cho những người bị thiếu máu, suy nhược, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt ăn gan lợn cũng rất tốt.
Những người không nên ăn gan lợn
Bài viết của bác sĩ Thu cũng cho biết, tuy mang lại nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn được gan lợn. Dưới đây là những người được khuyến cáo không nên ăn gan lợn:
Người mắc mỡ máu cao
Hàm lượng protein, chất béo trong gan lợn rất lớn, do đó những người mắc mỡ máu cao nếu ăn gan lợn sẽ làm nồng độ mỡ trong máu cao lên khiến bệnh nặng hơn.
Người mắc bệnh về gan
Tế bào gan không khỏe sẽ cản trở sự chuyển hóa chất độc và thức ăn trong khi gan lợn rất giàu dinh dưỡng, hàm lượng chất béo cao sẽ khiến gan phải vất vả hơn trong việc chuyển hóa chất. Điều hoàn toàn không tốt cho gan chút nào.
Người bị cao huyết áp
Bệnh thường do lượng cholesterol trong máu cao, vì thế chế độ ăn uống sinh hoạt cần phải lành mạnh. Người bệnh cần tránh những thực phẩm chứa nhiều đạm và chất béo.
Người mắc bệnh huyết áp cao thường phải kiêng các món nôi tạng động vật (gan, ruột non,tim, cật,…) và chất béo và đường.
Người bệnh gout
Gout là bệnh của rối loạn chuyển hóa đạm dẫn đến làm tăng acid uric trong máu. Hay còn gọi là bệnh do sự dư thừa đạm gây nên.
Những thực phẩm gốc purin như phủ tạng động vật trong đó có gan lợn (cứ 100g gan lợn cho 300 mg purin), vì thế người mắc bệnh gout không nên ăn gan lợn.
Những điều cần lưu ý khi ăn gan lợn
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết, nhiều người cho rằng ăn gan lợn là nạp thêm chất độc vào cơ thể, vì gan là cơ quan thải độc nên sẽ chứa nhiều chất độc hại. Thực tế, độc tố đi qua gan lợn được chuyển hóa và đào thải ra ngoài qua phân, nước tiểu. Ăn gan lợn có tốt không còn phụ thuộc vào cách lựa chọn, chế biến, số lượng và đối tượng sử dụng. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng gan lợn:
- Chọn mua những lá gan lợn khỏe mạnh, màu tươi sáng, mềm mượt, đàn hồi. Không lựa chọn những lá gan có màu bất thường (tím sẫm, vàng, có đốm trắng, ...), bề mặt có nốt sần, có mùi hôi, nhẽo, chảy nước khi ấn vào.
- Chế biến gan lợn: Nên ngâm gan lợn trong nước muối 10 - 30 phút và rửa sạch kỹ trước khi chế biến. Bóp hết lượng máu đọng trong miếng gan vì chúng có thể chứa độc tố mà gan chưa kịp đào thải. Sau đó, bóc lớp màng trên bề mặt gan lợn. Nấu chín gan lợn để loại bỏ các mầm bệnh có thể có như ký sinh trùng, virus gây bệnh.
Không nên chế biến gan lợn với những loại rau củ giàu vitamin C (rau cần, cải xoăn, giá đỗ...), vì vitamin C không ổn định trong dung dịch trung tính và tính kiềm. Đặc biệt khi có mặt các vi chất như đồng, sắt thì vitamin C càng dễ bị oxy hóa. Vì vậy, khi nấu chung gan lợn và các loại rau củ này sẽ làm mất hết giá trị dinh dưỡng của rau củ.
Gan lợn là thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao, nếu được sử dụng đúng cách, đúng mục đích sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu sử dụng gan lợn sai cách, sai đối tượng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, làm bệnh nặng hơn.
Bình luận