• Zalo

Gần 200 cảnh sát vây bắt cát tặc: 'Chúng tôi cũng hết sức khổ tâm'

Pháp luậtThứ Ba, 18/11/2014 08:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chính quyền địa phương đã chính thức lên tiếng sau khi gần 200 cảnh sát thuộc Bộ Công an vây bắt cát tặc trên địa bàn khiến lãnh đạo huyện bất ngờ.

(VTC News) – Chính quyền địa phương đã chính thức lên tiếng sau khi gần 200 cảnh sát thuộc Bộ Công an vây bắt cát tặc trên địa bàn khiến lãnh đạo huyện bất ngờ.

Như VTC News đã thông tin, rạng sáng 8/11, lực lượng thuộc Bộ Công an đã bất ngờ bao vây, triệt phá hoạt động khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Hồng đoạn đi qua huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã thu hồi 16 tàu đang hút cát, trên 20 tàu chở hàng, 1 kiếm và nhiều sổ sách liên quan. Cơ quan công an cũng tạm giữ trên 30 đối tượng, trong đó có 3 đối tượng bảo kê, tổ chức khai thác cát trái phép.

Cuộc vây bắt đã được Bộ Công an hoàn toàn giữ bí mật, ngay cả chính quyền địa phương cũng bất ngờ. Sự việc này đã thu hút sự chú ý rất lớn của người dân trong thời gian qua.

'Chúng tôi hết sức khổ tâm'

Tại phiên họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 18/11, các lãnh đạo huyện Phúc Thọ, trong đó có ông Hoàng Mạnh Phú – Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ và ông Nguyễn Xuân Trường – Trưởng công an huyện Phúc Thọ đã tới trả lời các vấn đề liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn. 

Theo đó, tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn huyện Phúc Thọ giáp danh với huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, có chiều dài 9,7km, chảy qua địa phần 7 xã (Sen Chiểu, Phương Độ, Cẩm Đình, Xuân Phú, Vân Phúc, Vân Nam và Vân Hà).
Cuộc vây bắt cát tặc được Bộ Công an thực hiện bất ngờ, bí mật. (Ảnh: VTV)

Công ty CP Hữu Bích và Công ty TNHH An Viên là doanh nghiệp được cấp phép khai thác dưới lòng sông thuộc địa bàn huyện Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trên sông Hồng qua địa bàn huyện Phúc Thọ có 3 công ty được UBND tỉnh Hà Tây cũ cấp phép khai thác khoáng sản (cát) tại các mỏ cát thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ làm vật liệu san lấp là Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường, Công ty TNHH Thương mại Kim Thành và Công ty CP Hương Phong (không được khai thác cát dưới lòng sông).

Ngoài ra, trên sông Hồng qua địa bàn huyện Phúc Thọ còn có Công ty CP Vân Phúc đang hoạt động. Công ty này đã thay đổi đăng ký kinh doanh 7 lần, lần cuối là do Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội cấp vào tháng 1/2014.

Xuất phát từ thực tế là cát thuộc khu vực dưới lòng sông Hồng địa phận Phúc Thọ là cát đen nhưng cánh gần giống như cát vàng và có giá trị sử dụng cao, thuận lợi trong xây dựng và buôn bán kinh doanh.

 

Việc người dân phản ánh, kiến nghị chúng tôi cũng hết sức khổ tâm. Nhưng để giải quyết triệt để thì cần có cả một quá trình và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng
Ông Nguyễn Xuân Trường
 
Chính vì vậy, một số đối tượng đã lợi dụng danh nghĩa công ty, trà trộn lén lút khai thác cát trái phép vào các ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần vào ban đêm, sáng sớm và dùng nhiều thủ đoạn để trốn tránh lực lượng chức năng kiểm tra.

Các đối tượng này thường lợi dụng việc thanh thải, chỉnh trị luồng chảy để khai thác trái phép, khai thác ở những địa bàn giáp danh với vị trí của các công ty được cấp phép khai thác tỉnh Vĩnh Phúc và lòng sông Hồng thuộc địa phận huyện Phúc Thọ.

Ngoài ra, các công ty được cấp phép khai thác cát cũng có những vi phạm như khai thác không đúng vị trí được cấp phép, lấn sang địa bàn huyện Phúc Thọ… gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bức xúc trong dư luận và quần chúng nhân dân.

Theo ông Hoàng Mạnh Phú, tình trạng cát tặc thực chất đã diễn ra từ lâu nhưng vào tháng 9/2014 vừa qua diễn ra ồ ạt. Khi khai thác, các đối tượng có cả vũ khí sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng Công an huyện Phúc Thọ khẳng định, không có chuyện cơ quan này cùng chính quyền địa phương chống lưng cho cát tặc.

“Việc người dân phản ánh, kiến nghị chúng tôi cũng hết sức khổ tâm. Nhưng để giải quyết triệt để thì cần có cả một quá trình và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng,” ông Trường nói.
 Một số tàu thuyền bị thu giữ tại khu vực bến đò Vân Nam.

Về tình trạng xã hội đen cầm đầu, bảo kê hoạt động khai thác cát trái phép tại địa bàn huyện Phúc Thọ, ông Nguyễn Xuân Trường cho biết, có nắm được thông tin về một đối tượng cầm đầu có tên V.A.T (SN 1973, quê ở Phúc Thọ, hiện trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Đối tượng T. lúc đi lúc về. Công ty do T. lập ra được Sở kế hoạch đầu tư cấp phép kinh doanh khoảng 30 lĩnh vực. Trong đó, công ty của T. chỉ được phép khơi thông dòng chảy nhưng lợi dụng danh nghĩa này, T. đã cho người tiến hành thu tiền của các tàu qua lại trên địa bàn sông thuộc huyện Phúc Thọ.

“Đối tượng này chỉ đạo các đàn em thực hiện các hoạt động khai thác cát trái phép, hoạt động hết sức tinh vi, hiện phía huyện Phúc Thọ đang thu thập chứng cứ, lập chuyên án đấu tranh ổ nhóm tội phạm V.A.T,” ông Trường nói.

Vì sao cát tặc lộng hành?

Theo báo cáo của UBND huyện Phúc Thọ, trong thời gian từ cuối năm 2013 đến nay, huyện này đã tổ chức nhiều cuộc họp, lên nhiều kế hoạch để xử lý tình trạng khai thác trái phép. Kể từ tháng 12/2013 tới nay, các đơn vị chức năng huyện Phúc Thọ đã phát hiện và xử lý 10 trường hợp khai thác cát trái phép và buôn bán cát không có hóa đơn chứng từ.

Tháng 6 vừa qua, Công an huyện Phúc Thọ cũng đã có công văn gửi Công an thành phố, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP Hà Nội đề nghị hỗ trợ kiểm tra, xử lý hút cát trái phép trên lòng sông.
Khúc sông cát tặc lộng hành.

Tới ngày 16/9, UBND huyện Phúc Thọ lại có báo cáo về tình hình khái thác cát trái phép và kiến nghị đề xuất phương hướng giải quyết gửi Giám đốc Công an TP Hà Nội, các phòng chức năng và Huyện ủy, UBND huyện Phúc Thọ.

Về lý do tại sao tình trạng khai thác cát trái phép vẫn xảy ra mà huyện không thể xử lý dứt điểm được, lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ cho biết, hoạt động khai thác trái phép của các đối tượng chủ yếu diễn ra vào ngày nghỉ, ngày lễ, vào ban đêm và sáng sớm trên địa bàn sông nước.

Điều này gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các lực lượng chứng năng còn chưa thống nhất, chưa đồng bộ và kịp thời.

 

Phương tiện của chúng tôi rất ít nên có những khi phát hiện tình trạng khai thác cát trái phép thì không có phương tiện ngăn chặn, có khi xuống đến nơi thì các đối tượng đã chạy mất rồi
Ông Hoàng Mạnh Phú
 
Đáng chú ý, UBND huyện Phúc tho cho biết, đội CSĐT tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường Công an huyện còn hạn chế về quân số. Các thành viên trong đội đều mới ra trường nên chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa được tập huấn, đào tạo chuyên sâu.

Lực lượng Cảnh sát môi trường chưa được trang bị đầy đủ phương tiện tàu, thuyền, cano, xuồng máy… nên khi phát hiện vi phạm không có điều kiện tiếp cận kịp thời để xử lý. Lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện không được cấp trang thiết bị tuần tra kiểm soát trên sông, không có thẩm quyền tuần tra kiểm soát đường thủy. 

“Phương tiện của chúng tôi rất ít nên có những khi phát hiện tình trạng khai thác cát trái phép thì không có phương tiện ngăn chặn, có khi xuống đến nơi thì các đối tượng đã chạy mất rồi,” ông Hoàng Mạnh Phú nói.

Bên cạnh đó, đại diện huyện Phúc Thọ cho biết, sông Hồng chảy qua địa phận giáp danh giữa huyện Phúc Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều đoạn vẫn chưa phân định rõ danh giới. Chính vì vậy, các đối tượng đã lợi dụng việc này để khai thác cát trái phép.

Video: Bộ Công an vây bắt cát tặc côn đồ ở Phúc Thọ
Trong thời gian tới, chính quyền huyện Phúc Thọ đề nghị UBND thành phố Hà Nội phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất mốc giới, địa giới hành chính giữa tỉnh Vĩnh Phúc với TP Hà Nội, giữa huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường với huyện Phúc Thọ.

Huyện Phúc Thọ cũng kiến nghị Công an thành phố Hà Nội và các lực lượng chức năng cùng Công an huyện Phúc Thọ phối hợp cắm chốt trên sông để kịp thời phát hiện và giải quyết triệt để tình hình khai thác cát trái phép trên sông Hồng.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn