Telegraph cho biết Trung Quốc xác nhận khoảng 500.000 người cao tuổi mất tích mỗi năm. Con số này cảnh báo tình trạng thiếu quan tâm tới người già, trong bối cảnh con cái của họ rời quê hương để lên thành phố kiếm kế sinh nhai.
Theo một cuộc khảo sát của Viện hỗ trợ xã hội Zhongmin và trang Toutiao công bố ngày 9/10, hàng ngày, hơn 1.370 cụ già mất tích với độ tuổi trung bình là 76 tuổi, trong đó nữ giới chiếm 58%.
Cũng theo báo cáo, 80% người cao tuổi mất tích ở thành phố lớn, trong khi đó, con số này ở vùng nông thôn chỉ là 50%. Đa số những người đi lạc đều có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, với 72% bị suy giảm trí nhớ và 25% được chẩn đoán mắc bệnh mất trí nhớ.
Người cao tuổi thường nương tựa vào con cái, nhận sự chăm sóc về cả vật chất lẫn tinh thần. Bên cạnh đó, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được quan niệm là trách nhiệm thiêng liêng nhất của con cháu.
Tuy nhiên, sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế Trung Quốc khiến nhiều người trẻ dành thời gian để tập trung phát triển sự nghiệp, hơn là bên cạnh chăm sóc cha mẹ.
Nhiều trường hợp được cho là hậu quả của nạn đói nghèo và thiếu sự chăm sóc của các thành viên gia đình, khi con cái của họ đổ xô đến các thành phố lớn với mong muốn đổi đời.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, 30% dân số Trung Quốc sẽ trên 60 tuổi. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (20%).
Các nhà nghiên cứu cho rằng chính sách một con hà khắc, được thi hành trong hàng chục năm, đe doạ cấu trúc gia đình và xã hội của Trung Quốc. Lực lượng lao động suy giảm, cơ cấu dân số già đi nhanh chóng.
Năm 2013, Bắc Kinh đã ban hành đạo luật yêu cầu con cái trưởng thành có nghĩa vụ phải đáp ứng các nhu cầu về vật chất và tinh thần cho cha mẹ.
Bình luận