Reuters đưa tin, các bộ trưởng năng lượng thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7 - gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italia) ngày 29/4 đã đạt được thỏa thuận về việc đóng cửa toàn bộ nhà máy nhiệt điện than vào năm 2035. Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới chuyển đổi và dừng sử dụng loại nhiên liệu hóa thạch này.
Bộ trưởng năng lượng Italy Gilberto Pichetto Fratin, người chủ trì cuộc họp cấp bộ trưởng G7 ở Turin cho biết: “Các nước G7 đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về việc dừng sử dụng nhà máy nhiệt điện than, chúng tôi sẽ ký thỏa thuận chính thức vào ngày 30/4".
Cũng trong ngày 30/4, G7 cũng sẽ đưa ra tuyên bố chung về những cam kết của nhóm nhằm loại bỏ khí thải CO2 trong nền kinh tế các nước thành viên.
Hội nghị các bộ trưởng G7 tại Turin là phiên họp chính trị lớn đầu tiên kể từ khi nhiều quốc gia thế giới cam kết giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) do UAE tổ chức hồi năm ngoái.
Sự kiện cũng diễn ra trong bối cảnh xuất hiện báo cáo mới của một viện khí hậu toàn cầu cho thấy G7 đang không đạt được mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng Pichetto nói thêm, các bộ trưởng năng lượng G7 cũng đang cân nhắc những hạn chế đối với việc cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga sang châu Âu mà Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ đề xuất trong thời gian tới.
Theo Reuters, Italy năm ngoái đã sản xuất 4,7% tổng lượng điện thông qua một số nhà máy nhiệt điện than. Rome hiện có kế hoạch dừng sử dụng hoàn toàn các nhà máy của mình vào năm 2025, ngoại trừ nhà máy trên đảo Sardinia có thời hạn là năm 2028.
Ở Đức và Nhật Bản, than đá có vai trò lớn hơn, với tỷ trọng điện năng được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch này cao hơn 25% tổng lượng điện trong năm 2023.
Năm ngoái dưới sự chủ trì của Nhật Bản, G7 đã cam kết ưu tiên các bước cụ thể hướng tới việc loại bỏ dần việc sản xuất điện than nhưng chưa đưa ra thời hạn cụ thể.
Năng lượng hạt nhân và nhiên liệu sinh học là hai vấn đề khác được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của G7 tại Turin, cả hai vấn đề này sẽ được đề cập trong thông cáo chung cuối cùng của hội nghị.
Nhóm các nước G7 chiếm khoảng 38% nền kinh tế toàn cầu và chịu trách nhiệm về 21% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2021.
Một báo cáo của Viện chính sách Phân tích khí hậu tuần trước đánh giá rằng không có thành viên nào trong nhóm G7 đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu giảm phát khí thải nhà kính đến năm 2030. Thay vào đó, các quốc gia này nỗ lực cắt giảm nhiều nhất là khoảng một nửa mức cần thiết.
Bình luận