• Zalo

Futsal Iran thành công nhờ bóng đá đường phố

Thể thaoThứ Sáu, 19/02/2016 06:30:00 +07:00Google News

Không cần đến cơ sở vật chất hiện đại hay phải thi đấu trên sân vận động với sức chứa khổng lồ, thành công của đội tuyển futsal Iran đến từ những ngõ ngách

Không cần đến cơ sở vật chất hiện đại hay phải thi đấu trên sân vận động với sức chứa khổng lồ, thành công của đội tuyển futsal Iran đến từ những ngõ ngách trên mọi con phố.
"Ngừng lại". Tiếng hét của một ai đó vang lên giữa đường phố Iran. "Có xe tới, mọi người chú ý," một tiền đạo thốt lên.
Thành công của futsal Iran đến từ bóng đá đường phố
Thành công của futsal Iran đến từ bóng đá đường phố 
Hẳn là chỉ có ở Trung Đông và Nam Mỹ, người ta mới bắt gặp hình ảnh các cầu thủ chơi bóng trên những con phố như vậy. Suốt dịp hè, đường xá ở Iran trở nên nhộn nhịp hẳn. Dưới cái nắng gay gắt, nhiều cầu thủ vẫn chơi bóng hăng say. Từ thành thị đến nông thôn, không khí bóng đá đường tràn ngập mọi nơi.
Trái bóng được sử dụng trên đường phố có kích thước nhỏ hơn so với bóng chuẩn hiện đại. Người Iran gọi đó là "Goal-Koochack", tức theo tiếng Anh có nghĩa "Small-Goals", dùng để chỉ loại bóng nhỏ. Vì có kích thước không quá to, bóng được người Iran chơi trên đường phố có giá không quá cao, theo đó, cấu tạo đơn giản giúp trọng lượng của nó rất nhẹ.
Khởi nguồn cho câu chuyện thần kỳ của futsal Iran bắt nguồn từ đây.
ĐT futsal Iran (phải) nay trưởng thành và mạnh hơn rất nhiều
ĐT futsal Iran (phải) nay trưởng thành và mạnh hơn rất nhiều 
Điểm tựa đất Hong Kong
Năm 1992, trong lần đầu tiên dự giải futsal thế giới ở Hong Kong, đội tuyển Iran tạo ra cơn địa chấn khi giành hạng tư. Thành tích đó nhanh chóng thu hút giới truyền thông quốc tế. Khi giải futsal thế giới tiếp theo diễn ra vào năm 1996 ở Tây Ban Nha, ĐT Iran trở thành một trong những ứng viên cho danh hiệu vô địch.
Từ sau chiến tích bất ngờ trên đất Hong Kong, làn sóng yêu bóng đá của dân Iran máu lửa hơn. Phong trào đá bóng đường phố xuất hiện ngày một nhiều, theo đó, vô tình giúp kỹ thuật các cầu thủ phát triển bởi tiêu chí để thi đấu tốt môn futsal đòi hỏi người chơi phải xử lý bóng tốt, có kỹ thuật cá nhân điêu luyện và tinh thần đồng đội cao.
Dù vậy, ít ai biết futsal Iran suýt bị khai tử. Không có cuộc thi futsal trong nhà nào diễn ra ở quốc gia này trước đó, vì vậy, họ tính rút lui khỏi giải. Chỉ đến phút chót, kế hoạch dự giải futsal thế giới mới được phê duyệt. Lúc này, nhiều cầu thủ có kinh nghiệm thi đấu quốc tế nhưng theo thể thức 11 người được mời gia nhập ĐT futsal vội vã.
Do không có nhiều thời gian chuẩn bị, HLV Mohammed Mayelikohan phải cố gắng nhào nặn đội hình futsal Iran dựa trên các cầu thủ từ những CLB tại quê nhà. ĐT futsal Iran dự giải năm 1992 khi bước vào trận đấu đầu tiên như một kẻ lạc lõng, trong khi những cầu thủ toàn quen thi đấu thể thức ngoài trời theo kiểu 11 người.
Vậy mà câu chuyện cổ tích lại xảy ra với Iran. Họ tạo nên những chiến thắng đầy ấn tượng trước Ba Lan, Bỉ và Tây Ban Nha trước khi kết thúc điều thần kỳ bằng hạng 4.
Nhiều cầu thủ của ĐT futsal Iran có xuất thân từ bóng đá đường phố.
Nhiều cầu thủ của ĐT futsal Iran có xuất thân từ bóng đá đường phố. 
Đi lên từ bóng đá đường phố
Không giống với nhiều cường quốc bóng đá khác, môn futsal ở Iran không có cơ cấu tổ chức xây dựng từ giải trẻ. Nhiều cầu thủ trưởng thành qua việc theo dõi các trận đấu trên truyền hình và cố gắng học theo những thần tượng. Trên các đường phố, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các pha xử lý hệt như các ngôi sao thi đấu trên sân futsal.
Lý giải cho thành công của ĐT futsal Iran vào năm 1992, tất cả bắt nguồn từ sự phát triển của bóng đá đường phố. Những cầu thủ quen với thể thức chơi bóng 11 người đa phần trưởng thành từ bóng đá trên những con đường, vì vậy, khi thay đổi từ thi đấu ngoài trời sang trong nhà, họ không gặp nhiều trở ngại.
Tại Hong Kong, tiền đạo Rajabi Shirazi giành danh hiệu Vua phá lưới (17 bàn thắng), còn thủ quân Mehdi Abtahi đứng thứ hai ở hạng mục Cầu thủ giá trị nhất. Hai người họ đều được vinh danh trong đội hình 5 ngôi sao hay nhất giải. Đáng chú ý, ĐT futsal Iran lúc bấy giờ được tập hợp một cách rất vội vàng.

Lấy sách vở làm khung thành
Kinh tế của Iran không giàu có, điều này khiến cơ sở vật chất trang bị cho bóng đá rất nghèo nàn. Nhưng nghịch cảnh không ngăn họ sản sinh ra những ngôi sao. Trong khi Shirazi là tiền đạo hàng đầu, còn Abtahi sắm vai tiền vệ tài ba. Anh cũng là điển hình cho tấm gương trưởng thành từ bóng đá đường phố.
Vì điều kiện sân bãi khan hiếm, Abtahi ngoài đá bóng trên đường phố còn tận dụng cả sân bóng rổ của trường Alborz ở Tehran để thỏa mãn đam mê. Nghịch cảnh không khiến Abtahi và một lượng đông các cầu thủ khác nản chí. Họ dùng sách vở và chất đống làm khung thành, đồng thời thi đấu mọi lúc, ngay cả khi tranh tài ở cả thể thức 7 người.
Năm 20 tuổi, Abtahi như được trời phú cho đôi chân biết nhảy múa với trái bóng, từ đó, bắt đầu thu hút sự chú ý từ đội bóng địa phương Vahdat, thuộc phía Đông của Tehran. Không giống như các cầu thủ quốc tế khác, trường hợp của Abtahi rất đặc biệt vì phải tới năm 21 tuổi mới có trận chính thức đầu tiên.
Đáng chú ý, anh không qua bất kỳ lò đào tạo trẻ nào. Hành trang Abtahi mang theo là những chuỗi ngày đá bóng trên đường phố, nơi đôi chân thỉnh thoảng rướm máu vì những pha té ngã ập mặt xuống đường.  Nhưng chính chiếc nôi bóng đá đường phố đã chắp cánh cho tiền vệ này bay cao.
Bóng đá futsal Iran nhiều năm liền thống trị châu Á.
Bóng đá futsal Iran nhiều năm liền thống trị châu Á. 
Từ năm 1978, một cuộc cách mạng bóng ở Iran xuất hiện. Các trận đấu thuộc giải đấu chính thức, tính luôn cả futsal, bị tạm hoãn trong suốt tháng chay Ramadhan vì người theo đạo Hồi phải nhịn ăn từ sáng tới tối. Thời gian tháng Ramadhan diễn ra, những ai theo đạo chỉ được uống nước và phong trào đá bóng đường phố đứng trước nguy cơ đi vào hồi kết.
Song, trái bóng vẫn lăn trên các con phố. Có lúc, người ta thấy hàng ngàn người hâm mộ nán lại theo dõi các trận đấu diễn ra lúc giữa khuya và tờ mờ sáng. Theo thời gian, phòng trào đá bóng đường phố ngày càng phát triển. Cộng thêm thành công của Iran ở giải futsal năm 1992, nhiều giải đấu do các cá nhân tự nguyện bắt đầu nở rộ.
Lúc này, những tài năng trưởng thành từ đá bóng đường phố được dịp trổ tài và thi thố tài năng. Theo thời gian, lực lượng cầu thủ futsal ngày càng đông đảo và các giải đấu cũng được tổ chức quy mô hơn. Trái ngọt nhanh đến với ĐT futsal Iran khi liên tục thống trị giải Asian Championship từ năm 1999 và mới ba lần không giành được ngôi vô địch.
Có thể nói, chính điểm tựa từ Hong Kong năm 1992, thời điểm Iran là đội bóng vô danh, thế giới giờ được chứng kiến những chàng trai đẳng cấp thế giới trưởng thành từ phong trào đá bóng đường phố. Ở đó, người Iran gọi họ là những "Futsalers", với niềm hy vọng sẽ mang về cho nước nhà danh hiệu vô địch thế giới một ngày không xa.

Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn