Hôm 26/3, Tập đoàn FLC đã ký biên bản ghi nhớ với Airbus đặt mua 24 máy bay A321Neo phục vụ cho hoạt động trong tương lai của hãng hàng không Bamboo Airways.
Bamboo Airways dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2019 với các máy bay được thuê lại từ bên cho thuê thứ ba trước khi nhận các máy bay theo biên bản ghi nhớ được kí kết với Airbus. Hãng hàng không nội địa này sẽ tập trung kết nối thị trường quốc tế với các điểm du lịch tại Việt Nam, bên cạnh các đường bay chọn lọc trong nước.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC - cho biết trên trang web của tập đoàn sau khi gặp đại diện của Airbus ngày 26/3: “Sau khi xem xét kỹ lưỡng các lựa chọn, Tập đoàn FLC và Bamboo Airways đã quyết định chọn A321NEO để phục vụ hoạt động của hãng hàng không. Dòng máy bay này sẽ cho phép chúng tôi cung cấp các dịch vụ một cách hiệu quả, phù hợp và tiện nghi nhất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam”
Tuy nhiên, với việc đạt được thỏa thuận mua 24 máy bay A321Neo của Airbus trị giá 3 tỷ USD để vận hành hãng hàng không Bamboo Airways, Tập đoàn FLC cho thấy một kế hoạch đầy tham vọng của mình trong việc đầu tư vào ngành công nghiệp hàng không đang phát triển nhanh ở Việt Nam.
“Rất tích cực”
Chia sẻ về điều này, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh - nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương - nói: “Tôi hoan nghênh các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực hàng không dân dụng vì so với thế giới và khu vực tỷ lệ người đi máy bay trên 1.000 dân của Việt Nam còn thấp. Nếu chúng ta có thêm các hãng hàng không, nhất là hàng không giá rẻ thì rất tích cực”.
“Khi có thêm các hãng máy bay mới hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này buộc phải bước vào cuộc chơi cạnh tranh công bằng, lạnh mạnh. Nếu anh không cạnh tranh được, thua lỗ sẽ dẫn tới phá sản. Trong kinh doanh phá sản là bình thường, trong kinh tế thị trường, phá sản là một sự tàn phá sáng tạo. Không nên nhìn nhận bằng con mắt tiêu cực”, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh phân tích.
Thị trường hàng không rõ ràng là còn nhiều tiềm năng. Nhưng doanh nghiệp phải nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng, từ các số liệu cụ thể mới đánh giá được tiềm năng thị trường đó thế nào?
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
“Hành khách sẽ được lợi bởi, môi trường cạnh tranh hơn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá vé...”, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh phân tích thêm.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, đã là kinh doanh thì phải cạnh tranh. Ông Thành nhận định, cục diện ngành hàng không đã có nhiều thay đổi. Bầu trời Việt không còn là cuộc chơi của một cánh bay Vietnam Airlines. Gần đây với sự nổi lên của Vietjet Air, cạnh tranh đã diễn ra rất quyết liệt, trong nhiều phân khúc và đương nhiên, hành khách là người hưởng lợi, ngày càng có nhiều người Việt Nam được “bay”.
Tuy nhiên, ông Thành lưu ý: “Doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường hàng không phải có nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường trong nước, khu vực..., xem dung lượng thế nào, thị phần mong đợi là bao nhiêu. Muốn đạt thị phần mong muốn thì phải làm những việc gì?”.
GS TSKH Nguyễn Đức Cương - Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam (VASA) quan điểm, thị trường hàng không Việt Nam hiện còn nhiều dư địa phát triển, nên việc có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường hàng không là hoàn toàn bình thường.
“Với việc nhiều sân bay mới đang được xây dựng, bên cạnh nâng cấp mở rộng sân bay cũ, trong khi nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân gia tăng, cùng đó là sự tăng trưởng của ngành du lịch… rõ ràng, hàng không Việt Nam những năm tới là một thị trường đầy tiềm năng”, GS Nguyễn Đức Cương nói.
Áp lực hạ tầng
Theo tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cơ sở hạ tầng của ngành hàng không (chủ yếu hai Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài) đang có dấu hiệu quá tải, có thể “nghẽn” ở một vài điểm nhưng cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc các hãng hàng không tham gia thị trường này.
“Hàng không phát triển sẽ tạo áp lực lớn nên hạ tầng, buộc Chính phủ phải vào cuộc đầu tư nâng cấp mở rộng sân bay cũ, xây dựng thêm các sân bay mới. Đồng thời, chính các Cảng hàng không cũng phải tìm cách tăng năng suất, bằng cách cải tiến điều hành quản lý và xây dựng thêm nhà ga hành khách, mở rộng bãi đỗ máy bay, làm thêm đường lăn...”.
“Áp lực chạy đua trên thị trường hàng không thậm chí còn có thể cuốn cả các loại hình vận tải khác đường bộ, đường sắt vào cuộc cạnh tranh giành khách hàng và buộc phải có những thay đổi để tiến lên.
Không thể vì cơ sở hạ tầng khó khăn ở mức độ nào đó mà không tích cực thúc đẩy sự phát triển, hạn chế các doanh nghiệp tham gia vào thị trường hàng không”, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh quan điểm.
Phải tìm lời giải cho bài toán thiếu phi công
Theo GS Nguyễn Đức Cương, để thúc đẩy ngành hàng không trong nước phát triển, phải sớm tìm lời giải cho bài toán thiếu phi công. “Phi công có tay nghề cao ở Việt Nam đang rất thiếu, cần có hình thức đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực chiến lược này”, GS Cương nói.
Theo số liệu năm 2016 của Cục Hàng không Việt Nam, Việt Nam cần thêm 1.320 phi công. Trong dịp trả lời phỏng vấn PV VTC News hồi đầu 2017, ông Lại Xuân Thanh (lúc đó là Cục trưởng Cục Hàng không) cho biết, ngành hàng không Việt Nam hiện đang rất phát triển, đòi hỏi nguồn nhân lực mạnh, nhất là những người có tay nghề vững, kỹ thuật cao. “Tuy nhiên, nhân lực hàng không hiện nay, nhất là người Việt Nam có trình độ cao vẫn rất hạn chế”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng cho biết, nhân sự trong lĩnh vực hàng không tại Việt Nam hiện chủ yếu là người nước ngoài, thậm chí, có hãng hàng không thuê 90% phi công người nước ngoài.
Bình luận