Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25%. Đây là lần thứ hai trong 3 tháng, trong bối cảnh niềm tin gia tăng mạnh mẽ rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang và sẽ tăng trưởng vững chãi, Fed đã quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 1%.
Ngay sau khi Fed công bố quyết định, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã nâng lãi suất trên thị trường mở thêm 0,2% (từ 2,25% lên 2,45% cho kỳ hạn 7 ngày). PBOC cho hay, quyết định của Fed là một trong những nguyên nhân của việc nâng lãi suất nhằm giữ đồng Nhân dân tệ không bị mất giá.
Tại Việt Nam, mức lãi suất tiền gửi và tiền vay hiện nay được cho là phù hợp để đảm bảo quyền lợi giữa ngân hàng và khách hàng. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), quyết định tăng lãi suất của Fed sẽ ít ảnh hưởng đến lãi suất VND trong thời gian này.
SSI cho rằng, Việt Nam đặc biệt hơn là còn sử dụng cơ chế kiểm soát dòng ngoại tệ nên rủi ro bị rút vốn làm ảnh hưởng đến đồng nội tệ thấp hơn so với các nước châu Á khác. Thị trường ngoại hối kể từ khi Fed nâng lãi suất tháng 12/2016 có chiều hướng ổn định trở lại với tỷ giá tự do giảm 1,9%.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều chỉnh tỷ tham chiếu thêm 0,6%, giảm bớt áp lực tỷ giá khi Fed nâng lãi suất trong tuần này.
“Việc Fed nâng lãi suất sẽ ít ảnh hưởng đến lãi suất VND trong thời điểm này. Lãi suất VND phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố nội tại của Việt Nam mà một yếu tố quan trọng là thanh khoản hệ thống ngân hàng. Tín dụng trong tháng đầu năm đã tăng nhanh hơn huy động, cụ thể tăng trưởng tín dụng tháng 1 là 1,75%, cao nhất 5 năm còn huy động giảm 1,6%, thấp nhất 5 năm", SSI bình luận.
Tuy nhiên, nếu tín dụng và huy động tiếp tục lệch pha kéo dài, hệ quả tất yếu là thanh khoản giảm và lãi suất sẽ tăng. Cùng với đó, các yếu tố khác ảnh hưởng đến lãi suất là lạm phát và nhập siêu cũng đang tăng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 0,69% (cùng kỳ tăng 0,42%), còn nhập siêu của 2 tháng là 800 triệu USD (cùng kỳ xuất siêu 675 triệu USD).
Do đó, SSI kiến nghị chính sách tiền tệ nên tiếp tục giữ theo hướng cân bằng tăng trưởng tín dụng với huy động dựa trên nền tảng cán cân thanh toán tổng thể dương nhằm ổn định lãi suất và tỷ giá.
Vàng, tỷ giá - Biến động bất ngờ
Trở lại với việc Fed tăng lãi suất, phản ứng trên thị trường chứng khoán thế giới sau quyết định trên khá ổn định, cho thấy thị trường gần như đã phản ánh hết kỳ vọng tăng lãi suất của Fed. Cụ thể, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đóng cửa phiên ngày 15/3 lần lượt tăng 0,5% và 0,8%.
Tại thị trường châu Á, phiên ngày 16/3, chỉ số Nikkei của Nhật cũng tăng nhẹ 0,07%; chỉ số CSI 300 của Trung Quốc tăng 0,5%; riêng chỉ số Hang Seng của Hong Kong có mức tăng mạnh nhất (1,8%). Trong khi đó, trên thị trường tiền tệ, bất chấp việc Fed tăng lãi suất, đồng USD lại giảm điểm khá mạnh so với các ngoại tệ mạnh khác như Euro hay JPY khi chỉ số Dollar Index mất 1% giá trị.
"Chúng tôi cho rằng, diễn biến có phần bất thường này chủ yếu do thông điệp về lộ trình tăng lãi suất thêm hai lần nữa của Fed không có gì mới và hoàn toàn trùng khớp với dự báo của nhà đầu tư trước đó nên đã không tạo ra được sự hỗ trợ cho đồng USD, thậm chí gây ra hiện tượng “tin ra là bán” đối với đồng USD", Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định.
Nếu tính cả ngày hôm qua 17/3, giá vàng đã có 3 phiên tăng liên tiếp ngay sau khi Fed kết thúc cuộc họp và công bố quyết định nâng lãi suất. Diễn biến trên trái ngược với dự đoán của nhà đầu tư với phần đông dự đoán Fed tăng lãi suất sẽ khiến giá vàng sụt giảm.
Trên thực tế, động thái tăng lãi suất đã được thị trường dự đoán từ trước và đã phản ánh vào mặt bằng giá của kim loại quý này. Trong khi đó, việc Fed công bố sẽ chỉ có thêm 2 lần nâng lãi suất trong năm nay được giới chuyên gia đánh giá là động thái khá ôn hòa khi trước đó nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có tổng cộng 4 lần nâng lãi suất trong năm 2017, trước diễn biến tích cực của các số liệu kinh tế Mỹ.
Đây là nguyên nhân chính khiến đồng USD giảm trong khi giá vàng tăng sau quyết định của Fed.
Bản tin trái phiếu tuần 6-10/3 thông tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm mới 10.542 tỷ đồng qua kênh OMO trong khi đó lượng vốn đáo hạn trong tuần đạt 10.860 tỷ đồng. Do vậy, 318 tỷ đồng đã được NHNN hút ròng qua kênh này.
Video: Tháng củ mật, ngân hàng và tiệm vàng lo ngay ngáy nạn trộm cắp
Trong khi đó, NHNN không phát hành tín phiếu đối với tất cả các loại kỳ hạn, mặc dù lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 11.100 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đã bơm ròng 11.100 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
Tổng hợp cả hai kênh OMO và tín phiếu, nhà điều hành đã bơm ròng tổng cộng 10.782 tỷ đồng vào thị trường. Diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu eo hẹp hơn so với tuần trước đó. Tuy nhiên công ty này dự báo diễn biến dư thừa thanh khoản hệ thống ngân hàng có thể sẽ quay trở lại trong 2-3 tuần tới.
Ngược lại, lãi suất liên ngân hàng tuần qua có xu hướng tăng khá mạnh với biên độ từ 0,45% - 0,81% đối với tất cả các loại kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,81%, lên mức 4,55%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 0,69%, lên mức 4,57%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,45% đạt mức 4,49%/năm. Việc lãi suất liên ngân hàng đảo chiều tăng mạnh cho thấy trạng thái eo hẹp thanh khoản bắt đầu quay trở lại.
Bình luận