Ngay khi biết tin Việt Nam rơi vào bảng B với Malaysia, Myanmar và đội nhất vòng loại, bảng nhẹ hơn nhiều so với bảng A gồm đương kim vô địch Thái Lan, chủ nhà Philipines, Singapore và Indonesia, cộng đồng mạng Việt Nam dấy lên một cơn sốt nhẹ.
Tinh thần chung là mừng rỡ, một cái thở phào may mắn vì chắc mẩm chúng ta ít nhất sẽ vào bán kết. Điều đó nói lên thứ tâm lý khá tự ti của người Việt. Thở phào may mắn khi gặp sự thuận lợi là hành động chỉ đến khi ai đó thiếu tự tin năng lực của mình.
Nhìn sang phản ứng một số nước trong khu vực, đặc biệt là các đội bảng A được xem là “Tử thần” ở AFF Suzuki Cup. Straigh Times, tờ nhật báo lớn nhất Singapore đưa tin một cách chừng mực không bình luận. Bangkok Post của Thái Lan tỏ ra thờ ơ và cũng chỉ đưa đúng trách nhiệm.
Phản ứng của mỗi nước trước cùng một sự kiện bốc thăm nói lên nhiều điều. Thứ nhất, cả Thái Lan, Philippines và Singapore đều rất bình thản đón nhận kết quả, chứng tỏ họ rất tự tin và đã chuẩn bị tâm lý kỹ, nên dù điều xấu nhất đã xảy ra, họ vẫn giữ được sự tỉnh táo và đón nhận một cách bình tĩnh.
Người Thái từ lâu không quan tâm đến SEA Games hay AFF Cup nữa. Họ từng cử đội U21 và HLV phó Promwut đá SEA Games, còn đội 1 dưỡng sức tập trung cho vòng loại World Cup.
Singapore chuẩn bị một kế hoạch dài hơi phát triển bóng đá với việc bổ nhiệm cựu giám đốc kỹ thuật Liên đoàn bóng đá Bỉ, từng có kinh nghiệm vực dậy bóng đá nước này sau thất bại tại Euro 2000. Tham vọng và tầm nhìn của người Sing không vừa. Nào phải ngẫu nhiên mà họ - một quốc đảo chẳng bao giờ tự hào tuyên bố “có 90 triệu dân” – bóng đá vẫn phát triển ở một tầm mức chuyên nghiệp hơn hẳn nước ta. Singapore từng nhiều lần vô địch AFF Cup (khi giải còn mang tên Tiger Cup).
Khu vực Đông Nam Á chỉ có 11 quốc gia, quanh đi quẩn lại cứ năm chẵn đá AFF Cup, năm lẻ đá SEA Games, cầu thủ từ các lứa U đá với nhau năm này qua năm khác đến thuộc cả lối đá của nhau. Thế nên từ lâu, những nền bóng đá phát triển ở khu vực như Thái Lan, Singapore không còn coi AFF Cup hay SEA Games là nơi trui rèn năng lực nữa.
Nếu tuyển Việt Nam có thắng họ 1-2 trận cũng chỉ là ăn may, không phản ánh trình độ thực của nền bóng đá mỗi nước.
Các giải vùng trũng trở thành “giải giao hữu có trao cúp” đúng nghĩa, là nơi cọ sát, thử lửa cho những gương mặt trẻ. Nếu chúng ta xem vô địch AFF Cup là chiến công chói lọi thì với người Thái, người Sing cũng... bình thường như cân đường hộp sữa.
Lãnh đạo Liên đoàn bóng đá của họ không cần chức vô địch AFF Cup để khoe thành tích giữ ghế, báo cáo công trạng cho một nhiệm kỳ 5 năm.
Người Thái chẳng giấu giếm tham vọng World Cup. Họ đang đi từng bước để biến giấc mơ ấy thành hiện thực. Không phải không có thất bại. Ban đầu người Thái đặt mục tiêu dự World Cup 2018, nhưng giải đấu đó vẫn quá tầm.
Dù vậy, với những chiến thắng như chẻ tre trước Việt Nam, những trận đấu quả cảm với Syria (đội bóng có nhiều cầu thủ đá tại châu Âu) cho thấy đẳng cấp người Thái đã bỏ cách khá xa phần còn lại Đông Nam Á.
Thế hệ Kiatisuk, Dusit, Tawan chật vật mới thắng được Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Trần Công Minh. Nhưng các đàn em Chanathip, Tristan Do... dễ dàng vùi dập Nguyên Mạnh, Thành Lương, Văn Quyết... bằng thứ bóng đá bật nhả tiki taka kiểu bề trên.
Đó là kết quả của cả một quá trình tích luỹ không chỉ kỹ chiến thuật mà còn tâm lý, thể lực. Bóng đá không phải môn chơi của 11 vận động viên điền kinh, cứ ra sân chạy nhiều chạy khoẻ chạy nhanh là thắng. Đó thực sự là cuộc chơi của 22 cái đầu trên sân và 2 cái đầu trên băng ghế, cũng như rất nhiều cái đầu khác ở thượng tầng hoạch định chiến lược đi lên của nền bóng đá.
Khi chúng ta vẫn chỉ nghĩ đến những AFF Cup hay SEA Games, thậm chí dùng vòng loại World Cup, cúp Châu Á để “thử lửa ngược” cho các giải này, chứng tỏ trạng thái tâm lý của người Việt so với 20 năm trước chả có gì đổi thay. Vẫn mong một tấm huy chương vàng may mắn từ trên trời rơi xuống.
Mỗi năm, người Việt đốt không biết bao nhiêu tiền vào hương khói, hoá vàng để cầu mong thần phật tổ tiên ban phúc. Một người bạn tôi đã nói vui: “Nếu thần phật có quyền năng đem hạnh phúc của người này ban cho người khác, thì cả 90 triệu dân Việt đều đã giàu chứ chả ai nghèo”. Cái nghèo đến từ tư duy lười lao động, suốt ngày cầu may mắn, chỉ muốn hưởng mà không phấn đấu.
Bóng đá phản chiếu xã hội. Xã hội nào thì bóng đá ấy. Thế nên, khi mà người Thái, người Sing đã vượt rất xa chúng ta về tư duy, tầm nhìn, thì nếu ta có thắng họ 1-2 trận cũng chỉ là ăn may, không phản ánh trình độ thực của nền bóng đá mỗi nước.
Một nền bóng đá phát triển sẽ không bao giờ cần ánh hào quang chói lọi của tấm huy chương vàng AFF Cup để che giấu đi nỗi thất vọng về một giải vô địch quốc nội đầy rẫy bạo lực, cách hành sự thô thiển thiếu văn minh, những cuộc đi đêm ngồi xổm trên luật lệ, những án phạt chẳng tuân theo một thứ qui tắc nào.
Thay đổi, trước hết phải đến từ tư duy. Chừng nào những cái đầu của các quan chức VFF chưa thông, lo "đánh nhau" nhiều hơn xây dựng, kiến tạo, chừng đó bóng đá Việt Nam còn tụt hậu dài dài.
Bình luận