Phải có đến hơn 95% người Việt Nam thích bóng đá. Họ hâm mộ những đội bóng nổi tiếng thế giới: Real Madrid, Barcelona, Manchester United hay Liverpool đều có lực lượng CĐV hùng hậu ở đất nước này, với những chiếc áo đấu “nhái” xuất hiện khắp mọi nơi. Người Việt Nam yêu bóng đá, nhưng có vẻ như sự quan tâm dành cho bóng đá trong nước của họ lại ít hơn nhiều so với bóng đá quốc tế.
Có cả tá lý do giải thích cho điều này. Bên cạnh chất lượng thi đấu, một vấn đề khác cũng rất đáng lưu tâm là việc các đội bóng xuất hiện và biến mất trong khoảng thời gian quá nhanh. Giống như những “Messi mới” ở Argentina, không ít CLB bóng đá Việt Nam bị giải thể và chìm vào quên lãng chỉ trong nháy mắt.
Có những đội bóng tồn tại hơn 30 năm rồi tách ra làm hai đội, hoặc đổi tên, hoặc sáp nhập với một đội khác, hoặc chỉ đơn giản là biến mất khỏi bản đồ bóng đá nước nhà. Những cái tên từng một thời là biểu tượng như Thể Công, Công An Hà Nội, Cảng Sài Gòn, Hải Quan… giờ đây không còn xuất hiện ở V.League nữa.
Video: Bóng đá Việt Nam rồi sẽ đi về đâu?
Người Hà Nội có cổ vũ cho CLB Hà Nội không?
Người hâm mộ chọn đội bóng yêu thích như thế nào? Liệu có phải người Hà Nội sẽ cổ vũ cho CLB Hà Nội không? Có thể. Nhưng vấn đề là CLB Hà Nội nào?
CLB Công An Hà Nội được thành lập vào năm 1956 và là tên tuổi lừng lẫy của bóng đá thủ đô cho đến năm 2001, khi chuyển giao cho Hàng Không Việt Nam. Trước đó một năm, một đội bóng danh tiếng khác có đại bản doanh ở Hà Nội là Đường Sắt Việt Nam (Tổng Cục Đường Sắt) cũng trải qua quá trình thay tên đổi họ tương tự và trở thành CLB ACB.
Năm 2002, Hàng Không Việt Nam và ACB hợp nhất với nhau thành một đội bóng mới, được LG tài trợ và lấy tên là LG Hà Nội ACB (từ năm 2006 là Hà Nội ACB, do LG không còn tài trợ). Cùng thời điểm đó, những cầu thủ còn sót lại của hai đội bóng cũ được tập hợp thành một CLB mới có tên Hòa Phát Hà Nội.
Tuy nhiên hai đội bóng này cũng chỉ tồn tại đến năm 2011. Ông bầu của Hà Nội ACB mua lại Hòa Phát Hà Nội và lập ra hai CLB mới: CLB Hà Nội (lấy suất chơi V.League của Hòa Phát Hà Nội) và CLB bóng đá trẻ Hà Nội (chơi ở giải Hạng Nhất theo suất của Hà Nội ACB). Một năm sau, vị chủ tịch nói trên vướng vòng lao lý và cả hai đội đều bị giải thể.
Năm 2006, một CLB mới của bóng đá Hà Nội được thành lập với sự tài trợ của tập đoàn T&T, gọi là Hà Nội T&T (hay T&T Hà Nội) và bắt đầu thi đấu từ giải Hạng Ba.
Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ, đội bóng này thăng liền ba hạng lên V.League và giành ba chức vô địch giải đấu hạng cao nhất của Việt Nam sau đó.
Cuối năm 2010, Hà Nội T&T mua lại đội bóng của Trung tâm bóng đá Viettel và đổi tên thành đội trẻ Hà Nội T&T tham dự giải Hạng Nhất. Năm 2013, đội trẻ Hà Nội T&T tách ra và lấy tên là CLB Hà Nội. Đội bóng này giành quyền thăng hạng, nhưng cái tên CLB Hà Nội lại chỉ tồn tại ở V.League trong vài vòng đấu trước khi biến thành CLB Sài Gòn và chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Video: Sài Gòn FC thắng HAGL tại cúp Quốc gia
Hiệu ứng đội bóng mới 'chết yểu' tại TP.HCM
Đội bóng từng là CLB Hà Nội, đội trẻ Hà Nội T&T, Viettel, Thể Công và giờ đây lại là đại diện của… Thành phố Hồ Chí Minh ở V.League. Đa số thành viên của đội cũng là những cầu thủ quê quán ở miền Bắc.
Mặc dù vậy, trận đấu đầu tiên của CLB Sài Gòn ở sân vận động mới cũng thu hút không ít khán giả: 15 phút trước giờ bóng lăn, ba ngàn cổ động viên đã có mặt trên các khán đài và số lượng tiếp tục tăng lên trong vòng 20 phút tiếp theo. Tổng cộng khoảng tám ngàn khán giả đã đến và tỏ ra thích thú với đội bóng mới.
Nhưng bất cứ ai theo dõi bóng đá Việt Nam đều hiểu rằng việc duy trì sự quan tâm của khán giả là rất khó đối với các CLB.
12 tháng sau chuyến nam tiến, tình hình đã không được tốt như ban đầu với CLB Sài Gòn. Mặc dù có đội ngũ truyền thông với cách làm khá hiện đại và tích cực, đội bóng vẫn gặp khó trong việc thu hút người hâm mộ.
Trận đấu đầu tiên của CLB Sài Gòn ở sân Thống Nhất thu hút tám ngàn khán giả. Lần gần nhất đội bóng này thi đấu trên sân nhà ở vòng 12 V.League, đối thủ vẫn là Quảng Nam, trên khán đài chỉ có 350 người theo dõi. Thậm chí, con số đó vẫn còn hơi phóng đại rồi.
Số lượng khán giả đến sân cổ vũ CLB Sài Gòn giảm dần qua từng trận đấu, đơn giản là vì người hâm mộ đã không còn cảm thấy hứng thú với đội bóng. Hiệu ứng “đội bóng mới” đã hoàn toàn tan biến.
Nhưng dù lượng khán giả có ít ỏi, truyền thông và những diễn đàn trên Facebook về bóng đá Việt Nam vẫn tỏ ra thờ ơ với vấn đề này. Không có câu hỏi nào được đặt ra về khả năng tài chính của đội bóng, hay sự thành công của sự chuyển đổi mà đội bóng đã thực hiện
Có lẽ VFF và VPF nghĩ rằng nếu không ai bàn đến thì tức là không có vấn đề gì cả. Nhưng nếu tình trạng này tiếp diễn, người hâm mộ rất có thể sẽ lại chứng kiến thêm một đội bóng biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam.
Nếu CLB Sài Gòn bị xóa sổ theo cách như vậy, đó có thể là lời cảnh tỉnh cuối cùng dành cho các nhà quản lý, rằng thứ bóng đá thương mại này không phải cách làm hiệu quả. Một CLB bóng đá trước tiên phải là đại diện cho một cộng đồng dân chúng, một vùng quê hay thành thị. Nó không phải là một tổ chức có thể được cầm lên và di chuyển từ nơi này sang nơi khác trên bản đồ.
Đội bóng phải được hình thành từ gốc rễ, với khán giả là những người láng giềng tụ họp với nhau để theo dõi một đội bóng của địa phương mình thi đấu.
Nếu VFF và VPF muốn có thêm đội bóng tham dự các giải đấu, cách tốt nhất là đầu tư vào một đội bóng đã tồn tại và có lực lượng cổ động viên nhất định sẵn sàng ủng hộ đội nhà bất chấp kết quả.
Bình luận