• Zalo

Facebook, Twitter "khuynh đảo" Olympic như thế nào?

Thể thaoThứ Năm, 02/08/2012 04:50:00 +07:00Google News

(VTC News)- Sự phát triển của loại hình truyền thông đặc biệt - truyền thông xã hội - đã thay đổi sâu sắc các cuộc thi tài tại London 2012.

(VTC News)- Sự phát triển của loại hình truyền thông đặc biệt - truyền thông xã hội - đã thay đổi sâu sắc các cuộc thi tài tại London 2012.
Sân chơi của "truyền thông xã hội"
Bắc Kinh 2008, rất ít người có kinh nghiệm với những phím bấm như "tag" ("đính kèm") hay "like" ("yêu thích") trên mạng xã hội Facebook. Tương tự, sự chia sẻ thông tin qua những "tweet" ("câu trạng thái") cũng vô cùng hạn chế.
Đơn giản là bởi thời điểm đó, Twitter chỉ có vỏn vẹn 5 triệu người dùng trong khi đó Facebook cũng rất "khiêm nhường" với 100 triệu tài khoản. Tuy nhiên, Mọi thứ đã thay đổi chóng vánh sau 4 năm...
900 triệu người dùng Facebook bình luận về lễ khai mạc Olympic 2012.

Cuối tuần trước, tính riêng lễ khai mạc Olympic 2012 đã có số lượng tweet nhiều hơn toàn bộ thế vận hội 2008. Theo thống kê từ công ty của tỷ phú trẻ tuổi Mark Zuckerberg, có khoảng 900 triệu tín đồ Facebook chia sẻ thông tin và hình ảnh về sự kiện đặc biệt này.
Còn nhớ, lần gần nhất London đăng cai thế vận hội cách đây 64 năm, trong bối cảnh hậu thế chiến II, thế giới đã gọi Olympic năm đó là "Cuộc chơi của sự khổ hạnh". Còn năm nay, nó đã được thay đổi bằng cụm từ "Cuộc chơi của truyền thông xã hội".
Olympic 2012 đánh dấu một cách thưởng thức hoàn toàn mới từ khán giả. Thay vì những chiếc đài radio cũ kỹ hay màn hình ti vi nhàm chán, mọi người sử dụng máy tính và điện thoại thông minh để cập nhật diễn biến mới nhất từ các đoàn thể thao.
Điển hình như sự kiện VĐV nhảy cầu người Anh, Tom Daley, người về thứ tư ở nội dung nhảy 10m, trở thành mục tiêu tấn công trên mạng Twitter. Sự vụ nhanh chóng lan truyền trên cộng đồng 140 triệu người dùng và kẻ chế giễu người cha đã khuất của Daley đã bị gông cổ vào trại tạm giam.
Kiêm bộn tiền nhờ Facebook
 
Google cũng phải chào thua... Olympic 
Chính sự phổ biến của mạng xã hội đã đưa mọi sự kiện tại Olympic đến gần với mọi người hơn. Hầu hết các VĐV nổi tiếng đều có tài khoản Facebook, Twitter với hàng trăm nghìn fan "theo đuôi".
"Truyền thông xã hội chính là cách nhanh nhất để tranh luận về một sự kiện theo thời gian thực. Đó chính là điều mà người hâm mộ cần có. Mỗi một thông tin từ khán giả lại chứa đựng sự bình luận, góc nhìn khác nhau khiến sự kiện trở nên sinh động lạ thường", Lowell Taub, giám đốc công ty CAA - đơn vị bảo trợ truyền thông cho hàng loại siêu sao như David Beckham hay Dwayne Wade cho biết.
Tầm quan trọng của truyền thông xã hội đối với thể thao sẽ tiếp tục củng cố và gia tăng hơn nữa. Bằng chứng là lượng like, tweet, follower đã được đo đếm bằng USD.
"Các hoạt động trên mạng xã hội có tác động to lớn và khả năng sinh ra lợi nhuận là cực cao. Những người nổi tiếng có thể đánh bóng tên tuổi bản thân, nguời thân thậm chí phát động các cuộc quyên góp từ thiện... Càng nhiều fan, các ngôi sao càng được lợi trên bàn đàm phán với các đối tác tài trợ. Truyền thông xã hội chính là cầu nối, thước đo thương hiệu, giá trị của mỗi ngôi sao", Lowell khẳng định.
Việc lồng quảng cáo vào các lời post, tweet của các ngôi sao cũng được thực hiện rất khéo léo và tự nhiên. Theo thống kê của công ty CAA, 90% người dùng mạng xã hội không nhận ra thông tin thật và thông tin quảng cáo từ các thần tượng của mình.
Mất huy chương vàng vì... nghiện Twitter
Đương nhiên, vật cực tất phản, nếu việc quảng cáo trên mạng xã hội diễn ra quá thường xuyên và lộ liễu, người hâm mộ sẽ phản ứng.
 Emily Seebohn chỉ giành HCB vì bị tung hô quá mức trên Twitter.

Việc trở thành thần tượng trên internet mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng khiến các ngôi sao phải hết sức cẩn trọng trong phát ngôn. VĐV nhảy ba bước người Hy Lạp, Voula Papachristou đã bị tống khỏi đội hình dự London 2012 ngay trước thềm khai mạc chỉ bởi đã lớn tiếng chế nhạo những người châu Phi nhập cư vào châu Âu.
Kình ngư người Úc Emily Seebohn, vốn được coi là ứng cử viên số 1 tại nội dung bơi ngửa 100m nữ Olympic 2012, đã đổ lỗi cho thất bại (chỉ giành HCB) cho Twitter. Cô phàn nàn trên tờ Telegraph: "Tôi thua Missy Franklin chỉ vì không thể vứt bỏ mạng xã hội ra khỏi tâm trí. Những lời tán dương ở vòng thi bán kết đã khiến tôi xao nhãng. Tôi đã nghĩ tới chiến thắng trước khi bắt đầu vòng chung kết".
Trường hợp Seebohn là điển hình cho thứ gọi là "hội chứng ám ảnh truyền thông xã hội". Việc quá say mê mạng xã hội và chìm đắm trong những lời tâng bốc từ fan hâm mộ chỉ làm hại các VĐV.
Không ngoa khi cho rằng, nếu muốn đoạt vinh quang tại London 2012, điều đầu tiên phải làm là... hãy cai Facebook, Twitter trước.


Hoài Thu
Bình luận
vtcnews.vn