Cơn "ác mộng" của facebook có vẻ như chưa chấm dứt. Những lục đục gần đây liên quan tới dàn lãnh đạo của doanh nghiệp công nghệ tỷ USD này tiếp tục làm xấu đi bộ mặt trong mắt các cổ đông, ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu.
Đầu tuần này, trên New York Times đã có một bài phân tích về một cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có mà Facebook phải đối mặt đó là các phát ngôn gây thù hận và các bất đồng trong dàn lãnh đạo của Facebook.
Facebook và bản thân ông chủ Mark Zuckerberg đang phải hứng chịu rất nhiều búa rìu từ dư luận. Các nhà làm luật ở khắp Châu Âu và Mỹ đang điều tra Facebook vì các cáo buộc làm rò rỉ dữ liệu người dùng. Bản thân Mark Zuckerberg liên tục bị cổ đông réo tên, yêu cầu phải từ chức. Mặc dù vậy, Mark luôn đáp trả bằng thái độ khá cứng rắn và quyết tâm không từ chức.
Trên thực tế, trong suốt năm 2018, Facebook phải đối mặt với rất nhiều vụ kiện trong và ngoài nước Mỹ. Một số vụ kiện nổi tiếng và gây chấn động dự luận là việc rò rỉ thông tin người dùng.
Bản thân bên trong Facebook đang chứa đựng một kho báu vô giá, bao gồm: Rất nhiều hình ảnh, video, cùng các tin gửi đi của người dùng. Mặc dù vậy, trước sự tăng trưởng thần tốc của mình, Facebook đã không thể kiểm soát được lượng thông tin lan truyền trên nền tảng ứng dụng.
Điều này đã tạo ra mặt trái của Facebook, khi nó vô tình hoặc trở thành một công cụ cố tình của người dùng khi tung ra các phát ngôn bạo lực, gây thù hận.
Mới đây, Facebook lại vướng thêm scandal bị can thiệp về bảo mật với hàng chục triệu tài khoản có thể đã bị lấy thông tin từ nền tảng Pikinis của công ty Six4Three. Điều đáng nói, nền tảng này đã bị chính Facebook khai tử vào năm 2015, tuy nhiên nhà phát triển Six4Three kiện Facebook vì cho rằng mạng xã hội này ép họ phải đóng ứng dụng. T
rong quá trình kiện tụng, Six4Three vô tình lấy được một bằng chứng quan trọng về việc Facebook làm lộ thông tin người dùng.
“Chúng tôi cho rằng Facebook chính là công ty vi phạm dữ liệu người dùng nhiều nhất trong lịch sử ngành phần mềm”, ông Ted Kramer, chủ sở hữu Six4Three nói trên CNN. Mặc dù chưa được công bố, những tài liệu mà Six4Three lấy được có thể bao gồm bằng chứng cho thấy Facebook đã vi phạm chính sách bảo mật thông tin người dùng như thế nào.
Đây chắc chắn là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho doanh nghiệp tỷ đô này nhanh chóng đưa ra các biện pháp kịp thời, ngăn chặn lây lan những thông tin không sạch.
Trong 6 tháng vừa qua, cổ phiếu Facebook lao dốc chóng mặt. Trong phiên 28/11, giá cổ phiếu Facebook giao dịch phổ biến ở mức 135 USD/cổ phiếu, giảm 84 USD/cổ phiếu, tương đương 38,4% so với mức “đỉnh” 6 tháng thiết lập vào ngày 24/7/2018 (theo giờ Mỹ).
Trong khoảng thời gian này, 25/7 là phiên “lấy đi nhiều nước mắt” nhất của nhà đầu tư khi Facebook giảm sốc, “bốc hơi” tới 20% chỉ sau một ngày. Kết quả là vốn hóa thị trường của ông lớn mạng xã hội hao hụt tới 120 tỷ USD.
Mark Zuckerberg, người sáng lập, CEO của Facebook là người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán của Mark Zuckerberg giảm 16,8 tỷ USD xuống còn chưa đầy 70 tỷ USD.
Điều tồi tệ này xảy ra sau khi Facebook công bố kết quả kinh doanh quý 2/2018 và lượng người dùng truy cập trung bình hàng ngày của Facebook không đạt dự báo của các nhà phân tích.
Trong quý 2 năm nay, doanh thu của Facebook chỉ tăng 42%, lên 13,2 tỷ USD, trong khi dự báo của giới phân tích phố Wall là 13,3 tỷ USD. Lượng người dùng mỗi ngày được kỳ vọng là 1,49 tỷ, thì thực tế Facebook chỉ đạt 1,47 tỷ. Kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu Facebook thường xuyên đi xuống. Hiện tại, cổ phiếu Facebook đang ở vùng “đáy” của 6 tháng gần đây.
Video: Tin nhắn riêng tư của hàng nghìn người đang được rao bán công khai
>>> Đọc thêm: Mark Zuckerberg sẽ không từ chức chủ tịch facebook
Bình luận