Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, số ca tử vong do COVID-19 tại TP.HCM xảy ra trong điều kiện chưa bao phủ được vaccine phòng COVID-19; những đối tượng yếu thế chưa được tập trung kiểm soát. Nhưng với diễn biến dịch tại Hà Nội hiện nay, số ca tử vong do COVID-19 sẽ không xảy ra như ở TP.HCM.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cho rằng, số ca tử vong tại Hà Nội rất thấp, nên không thể như TP.HCM.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, trong giai đoạn thích ứng mới, không nên lấy số ca mắc để đánh giá tình hình dịch, mà nên lấy chỉ số về số bệnh nhân nhập viện, tử vong.
Những giải pháp để giảm việc lây lan thời gian qua rất khó khăn do người dân có sự đi lại từ nơi này đến nơi kia. Các dịch vụ đã mở lại, nên việc bảo vệ người dân bây giờ chủ yếu tập trung vào vaccine, sẵn sàng đáp ứng hệ thống y tế và hạn chế số lượng nhập viện, số bệnh nhân tử vong.
Trên những tiêu chí đó, theo Thứ trưởng Sơn, ở Hà Nội, số ca tử vong chưa cao, số lượng người nhập viện so với số ca mắc cũng không phải tỷ lệ cao. Do vậy, Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát.
F0 tăng lên là "khó tránh khỏi”
Theo ông Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi Hà Nội chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, số F0 tăng lên là "khó tránh khỏi”, vì việc nới lỏng đồng nghĩa với việc người dân tiếp xúc, giao lưu nhiều, đi lại lớn… Đặc biệt nhiều F0 không có triệu chứng, họ không biết mình nhiễm bệnh, vẫn đi lại nhiều nơi.
Dù Hà Nội đang kiểm soát tốt, nhưng cần cảnh giác vì dịch bệnh diễn biến rất khó lường. Hiện F0 cộng đồng nhiều, nên người dân phải thực hiện tốt 5K. Ngoài ra, người dân không nên chủ quan cho rằng tiêm vaccine rồi thì buông trôi, thả lỏng vì trên thực tế, tiêm vaccine rồi vẫn có thể nhiễm bệnh và tử vong.
“Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phải kiểm soát có điều kiện vì với số F0 tăng như hiện nay, trong đó rất nhiều ca cộng đồng, nếu không có giải pháp kiểm soát tốt, thì số ca mắc sẽ tiếp tục tăng”, ông Phu nói.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội chia sẻ, số F0 tăng nhanh một phần thể hiện ý thức của người dân còn chủ quan. Do đó, chính quyền các cấp cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
“Có thể người dân còn chủ quan nhưng vai trò trách nhiệm của chính quyền, các chủ đơn vị nếu tăng cường giám sát thì sẽ nâng cao trách nhiệm của người dân”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số F0 tại Hà Nội những ngày vừa qua cao nhất cả nước. Ngày 23/12, Hà Nội ghi nhận 1.765 ca mắc COVID-19, đến ngày 24/12 lên tới 1.824 ca và lập đỉnh mới ngày 25/12 với 1.879 ca. Trong số F0 mới ghi nhận ngày 25/12 có 549 ca cộng đồng, 1.272 ca ở khu cách ly và 58 ca tại khu phong tỏa. Số bệnh nhân mới ghi nhận ở 350 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố ghi nhận 37.557 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 13.539 ca cộng đồng, 24.018 ca là trường hợp đã được cách ly. Giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ ngày 11/10 đến nay, Hà Nội ghi nhận 33.446 ca mắc, gồm 12.007 ca cộng đồng, 17.611 ca tại khu cách ly, 3.828 ca tại khu phong tỏa.
Theo số liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến 17h chiều 25/12, Hà Nội còn 19.730 ca F0 đang theo dõi và điều trị. Trong đó 10.034 ca đang theo dõi, điều trị tại nhà, 4.840 ca đang theo dõi, điều trị tại khu cách ly và 4.845 ca đang điều trị tại 11 bệnh viện.
Trong số F0 đang điều trị tại bệnh viện có 332 ca phải thở oxy, bao gồm 30 ca phải thở máy. So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới tăng 0,16%; số ca khỏi giảm 0,18%; số ca tử vong giảm 0,38%; số ca đang điều trị tăng 0,41%; số ca nặng tăng 0,52%.
Bình luận