Molnupiravir là một loại thuốc hoạt động bằng cách đưa các đột biến vào mã di truyền của virus SARS-CoV-2, ngăn chặn sự tái tạo của virus, qua đó đạt hiệu quả trong việc điều trị bệnh COVID-19.
Ngày 17/2 vừa qua, Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện đối với 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước, gồm: Thuốc Molnupiravir 200mg của Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar; Molnupiravir 400mg của Công ty TNHH Liên doanh StellaPharm; Molnupiravir 400mg của Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam.
Molnupiravir là loại thuốc kháng virus đường uống đầu tiên được đưa vào hướng dẫn điều trị COVID-19. Vì đây là một loại thuốc mới nên có rất ít dữ liệu về độ an toàn. WHO khuyến nghị giám sát tích cực về tính an toàn của thuốc.
Theo Bộ Y tế, Molnupiravir được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ về các phản ứng có hại của thuốc.
Vậy những ai được dùng kháng virus Molnupiravir?
Theo phác đồ mới nhất của Bộ Y tế, Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành (>18 tuổi) dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2, và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Bệnh nhân mức độ nhẹ là F0 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy… Nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời. Bên cạnh đó, người bệnh tỉnh táo, tự phục vụ được; X-quang phổi bình thường hoặc có nhưng tổn thương ít.
Bệnh nhân mức độ trung bình có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như mức độ nhẹ. Về hô hấp, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu viêm phổi, khó thở, thở nhanh 20-25 lần/phút, phổi có ran nổ và không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, SpO2 94-96% khi thở khí phòng. F0 có thể khó thở khi gắng sức (đi lại trong nhà, lên cầu thang). Mạch của người bệnh có thể nhanh hoặc chậm, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường, ý thức tỉnh táo.
Yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng gồm: tuổi cao, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh mạn tính khác , rối loạn lipid máu, thuốc lá, béo phì, suy giảm miễn dịch (ung thư, HIV,…).
Bình luận