Với thói quen uống thuốc theo “kê đơn truyền miệng”, theo bạn bè, người thân mách, nhiều F0 thể nhẹ vẫn đang tự ý sử dụng các loại thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh và thuốc kháng viêm. Nhiều người tin rằng, uống thuốc kháng virus sớm sẽ giúp giảm triệu chứng, nhanh “âm tính” hay uống kháng sinh sẽ giúp dứt điểm cơn ho…
Khi số ca F0 tăng vọt trong thời gian qua, với phần lớn trong đó là mắc COVID-19 thể nhẹ, không triệu chứng và điều trị tại nhà, nhiều người đang dần coi đây là “bệnh đặc hữu” và tự ý dùng thuốc kháng sinh khi có triệu chứng ho, đờm… Các bác sĩ cảnh báo, “kháng sinh là con dao hai lưỡi”, nhất là với bệnh nhân COVID-19 việc sử dụng thuốc càng cần cẩn trọng hơn, để tránh nguy cơ bị dị ứng, hay tổn thương men gan, thận…sẽ khiến tình trạng người bệnh nặng hơn nếu mắc hậu COVID.
Theo Ths.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, BV Thanh Nhàn, việc lạm dụng kháng sinh là hoàn toàn không đúng. Tổn thương phổi do COVID-19 là tổn thương xơ phổi và gây kích thích trào ngược, do vậy, việc sử dụng kháng sinh phải đúng căn cứ, có xét nghiệm khẳng định về nhiễm trùng. Bệnh nhân khi ho nhiều hay có bất cứ triệu chứng gì vẫn cần gặp bác sĩ để được tư vấn và kê đơn.
Theo các bác sĩ điều trị COVID-19, qua khai thác lịch sử dịch tễ của người bệnh sau khi nhập viện, có nhiều bệnh nhân là F0 bệnh nền tiểu đường, tăng huyết áp nhưng triệu chứng COVID-19 rất nhẹ nên điều trị ở nhà. Theo đó, người thân đã tự mua thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân dùng.
“Sau khi dùng thuốc đến ngày thứ 3-thứ 4 bệnh nhân biểu hiện nặng, đến bệnh viện khám thì đã ở tình trạng rất nặng và phải nhập viện điều trị. Chúng tôi khuyến cáo người bệnh rằng, đây là thuốc phải có chỉ định mới được sử dụng. Thường thuốc được kê đơn cho bệnh nhân trẻ tuổi, không bệnh lý nền, với chức năng gan thận hoàn toàn bình thường. Những người bệnh có tình trạng suy thận, men gan tăng cao thì không có chỉ định dùng thuốc. Vì vậy việc sử dụng phải có sự giám sát của nhân viên y tế. Bệnh nhân không nên tự mua và sử dụng thuốc”, BS Nguyễn Thu Hường cho biết thêm.
Cũng theo BS Hường, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng thực việc sử dụng thuốc kháng virus từ khi chưa mắc COVID-19 có thể dự phòng hậu COVID-19. Thậm chí, nhiều người sử dụng thuốc bổ để hỗ trợ điều trị tại nhà, nhưng các bác sĩ khẳng định việc sử dụng thuốc với cơ thể cần qua thăm khám và kê đơn.
“Khi khai thác lịch sử dịch tễ người bệnh, chúng tôi còn thấy có người bệnh sử thuốc không theo hệ thống chính thống. Do vậy lời khuyên đầu tiên là phải gặp bác sĩ để chẩn đoán mình mắc bệnh gì hay tổn thương hậu COVID là gì để sử dụng đúng thuốc, tránh tiền mất tật mang và những biến cố từ chính những thuốc bổ mà người bệnh nghĩ là tốt”, BS Hường khuyến cáo.
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho rằng, việc người dân truyền tai nhau mua thuốc điều trị COVID-19 có thể gây nguy hiểm nếu dùng sai thuốc. Theo BS Nguyễn Trung Cấp, thuốc điều trị COVID-19, đặc biệt là thuốc kháng virus đều là những thuốc mới được nghiên cứu. Do đó, các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tiếp. Nếu như không triệu chứng hay triệu chứng vô cùng nhẹ, người bệnh có thể không cần uống thuốc.
Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cảnh báo, việc quảng cáo và rao bán các loại thuốc như: Molnupiravir, Favipiravir và Remdesivir đều là trái phép. Bởi các thuốc này chưa được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành và mới chỉ được đưa vào sử dụng thí điểm có kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng.
"Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định", văn bản của Cục Quản lý Dược nêu rõ.
Thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành.
Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ do các phản ứng có hại của thuốc.
Về chỉ định, Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Các giới hạn sử dụng thuốc:
- Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày.
- Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.
- Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.
Khuyến cáo và thận trọng khi dùng thuốc với phụ nữ có thai và cho con bú, theo đó, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Với, trẻ em và thanh thiếu niên, Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.
Với nam giới, Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Bộ Y tế đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Bình luận