Tới năm 2016, việc đấu thầu qua mạng chính thức được triển khai trên phạm vi cả nước. Trong số gần 23.000 gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng trên cả nước tính đến hiện tại, riêng EVN đã có hơn 11.000 gói, chiếm gần 50%.
Thay đổi thói quen và nhận thức trong đấu thầu
Là một trong những doanh nghiệp nhà nước tích cực sử dụng hệ thống nhất, EVN nhận thấy công nghệ thông tin là công cụ vô cùng tiện lợi, hữu ích trong việc tăng tính hiệu quả và minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu.
Đây cũng sẽ là xu thế tất yếu trong tương lại. Từ khi thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng với đại diện là Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) vào năm 2009, đến nay EVN luôn luôn là đơn vị đứng đầu toàn quốc trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng. Quá trình áp dụng đấu thầu qua mạng cũng được tiến hành theo từng bước.
Trong thời gian thí điểm, ngoài đơn vị đại diện là EVNHANOI, EVN yêu cầu các đơn vị khác bắt đầu tham gia bằng việc đăng ký tài khoản trên hệ thống mua sắm công, yêu cầu đăng tải thông tin đấu thầu bằng cách nhập trực tiếp trên mạng thay vì phải gửi bằng giấy về Báo đấu thầu. Việc làm này dần làm thay đổi thói quen đấu thầu truyền thống, sử dụng hồ sơ giấy trước đây và tiến tới thao tác trực tiếp thông qua mạng.
Thông qua bước chuyển tiếp này, nhiều đơn vị (như: Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh…) đã chủ động xin tham gia và thực hiện rất tích cực, đánh dấu sự thay đổi về nhận thức trong đấu thầu, giúp loại bỏ tiêu cực, đồng thời tiết kiệm chi phí.
Những con số biết nói
Nhìn lại quá trình thực hiện 10 năm qua, khi số gói thầu qua mạng của EVN chỉ đạt hơn chục gói (năm 2009), qua từng năm số lượng gói thầu đã tăng theo cấp số nhân. Cụ thể theo số liệu thống kê của EVN, trong giai đoạn 2009 - 2012 thực hiện được gần 300 gói thầu qua mạng, giai đoạn năm 2014 - 2015 thực hiện hơn 500 gói, năm 2016 thực hiện khoảng 1800 gói, năm 2017 thực hiện gần 4000 gói và riêng trong 7 tháng đầu năm 2018 thực hiện hơn 4500 gói (tỷ lệ tiết kiệm khoảng 13%).
Các gói thầu trước đây của EVN chủ yếu ở quy mô nhỏ, nhưng gần đây các gói lớn cũng đã áp dụng đấu thầu qua mạng, trong đó, gói lớn nhất là gần 200 tỷ đồng. Tỷ lệ các gói thầu được các nhà thầu tham gia nhiều nhất trên mạng là các gói thầu thuộc lĩnh vực hàng hóa, do bản chất các gói thầu mua sắm hàng hóa rất phù hợp với hình thức đấu thầu này, dễ dàng xây dựng các web-form cũng như xây dựng các công cụ hỗ trợ quá trình đánh giá thầu.
Để đạt được những kết quả rất khả quan nêu trên, Ban lãnh đạo EVN luôn sát sao, đôn đốc các đơn vị trong ngành, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cho công tác dụng công nghệ thông tin, chỉ đạo các đơn vị tổ chức phổ biến các Thông tư hướng dẫn của Bộ KH&ĐT trong lĩnh vực đấu thầu qua mạng, tập huấn kiến thức để tiến hành sử dụng mạng đấu thầu điện tử trên cả 3 miền, tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm, chia sẻ kinh nghiệm về đấu thầu qua mạng giữa các đơn vị.
Khi đấu thầu qua mạng chính thức được triển khai trên phạm vi cả nước, EVN quy định các đơn vị bắt buộc phải tổ chức đấu thầu qua mạng với một hạn mức tối thiểu cho từng lĩnh vực và thực hiện chấm điểm, quy đổi ra mức tiền lương hàng năm.
Có thể nói, lợi ích của việc đấu thầu qua mạng là rất lớn, đó là tăng tính hiệu quả và minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu, đặc biệt minh bạch về thông tin, nhà thầu dễ dàng mua hồ sơ mời thầu, giảm sự tương tác trong quá trình đấu thầu giữa bên mời thầu và các nhà thầu...
Tuy nhiên, đứng ở góc độ doanh nghiệp sử dụng hệ thống như EVN, việc đấu thầu qua mạng hiện vẫn gặp không ít khó khăn: khó khăn trong sự thay đổi thói quen của các bên mời thầu do đã quá quen với cách thức làm cũ nên ngại thực hiện đấu thầu qua mạng; khó khăn liên quan đến hạ tầng ban đầu của hệ thống còn hạn chế.
Trong thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã cải tiến nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, xây dựng thêm một số tiện ích để tạo thuận lợi cho người dùng. EVN sẽ tiếp tục chia sẻ và tham gia tích cực vào công tác đấu thầu qua mạng, mang lại lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp và xã hội.
Bình luận