Tập đoàn Evergrande có sự hiện diện rộng trong nền kinh tế Trung Quốc, với sự bao phủ lớn ở lĩnh vực bất động sản bởi Evergrande là nhà phát triển địa ốc lớn thứ nhì của Trung Quốc, xét về doanh số.
Evergrande hiện nắm hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc. Ngoài bất động sản, Evergrande còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác, như: xe điện, dịch vụ y tế, sản phẩm tiêu dùng, chương trình truyền hình, công viên giải trí...
Hiện tại, nhà phát triển bất động sản Evergrande đang gặp khó khăn trong việc chi trả các khoản lãi đến hạn đối với các khoản nợ trị giá hơn 300 tỉ USD.
"Vết sẹo đô thị"
Được định giá 41 tỷ USD vào năm 2020, sự lột xác ngoạn mục của tập đoàn bất động sản Evergrande bộc lộ những sai lầm trong chiến lược tăng trưởng bất động sản của Bắc Kinh. Một video kịch tính được quay ở thành phố Côn Minh hồi tháng 8 cho thấy quy mô bong bóng bất động sản của Trung Quốc. Người xem có thể nghe thấy tiếng la hét kinh hoàng khi khu chung cư 15 tầng bị phá hủy bởi chất nổ kiểm soát trong vòng chưa đầy một phút.
Các tòa nhà còn dang dở của khu phức hợp mang tên Sunshine City II đã bị bỏ trống từ năm 2013 sau khi một chủ đầu tư cạn tiền và một chủ đầu tư khác phát hiện có khiếm khuyết trong quá trình xây dựng. "Vết sẹo đô thị tồn tại gần 10 năm này cuối cùng đã thực hiện một bước quan trọng để phục hồi", tờ Nhật báo Côn Minh cho biết sau khi tòa nhà bị phá dỡ.
Những "vết sẹo đô thị" tương tự như vậy phổ biến ở khắp Trung Quốc, nơi "bom nợ" Evergrande đang phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng thanh khoản, và có thể đây chính là điểm cuối của những "vết sẹo" này.
Lĩnh vực bất động sản rộng lớn của Trung Quốc, đóng góp 29% tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, được xây dựng quá mức, thậm chí đến mức có nguy cơ mất vai trò là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, và thay vào đó, lại trở thành lực cản ngáng đường tăng trưởng.
Logan Wright, Giám đốc công ty tư vấn của Rhodium Group có trụ sở tại Hong Kong, cho biết, ở Trung Quốc, có đủ bất động sản trống để làm nơi ở cho hơn 90 triệu người, tương ứng với số dân của 5 quốc gia G7 là Pháp, Đức, Ý, Anh và Canada.
"Ước tính, lượng nhà ở hiện tại chưa bán được nằm trong khoảng 3 tỷ m2, đủ để chứa 30 triệu gia đình", Logan Wright nêu thực tế, đồng thời cho rằng, tình trạng cung vượt cầu đã tồn tại nhiều năm, nhưng đến năm ngoái, chính quyền Trung Quốc mới có động thái mạnh tay để giải quyết dứt điểm vấn đề này.
"3 lằn ranh đỏ"
Theo các nhà quan sát, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hết kiên nhẫn với sự dư thừa của lĩnh vực bất động sản và Bắc Kinh đã đưa ra "3 lằn ranh đỏ" để giảm mức nợ trong lĩnh vực này. Vụ bê bối nợ nần của Evergrande được cho là minh chứng để thấy rõ "nạn nhân" lớn đầu tiên.
Những "lằn ranh đỏ" này được Trung Quốc đặt ra nhằm mục đích kiểm soát giá nhà, quản lý thị trường đất đai, phân bổ tín dụng hợp lý cho thị trường bất động sản... Giá bất động sản tại Trung Quốc đã tăng trong 20 năm qua, nhiều người không thể mua nhà. Trung Quốc cũng muốn nắn dòng vốn tín dụng vào các ngành kinh tế khác ngoài bất động sản. Chính sách này khiến các công ty phải giảm giá bán bất động sản để thúc đẩy doanh số, tăng vòng quay tài sản, cắt bớt các loại chi phí.
"Ba lằn ranh đỏ" mà chính quyền Trung Quốc vạch ra là: nợ vay/vốn chủ sở hữu của công ty (ngưỡng giới hạn 100%); Tiền/nợ vay ngắn hạn (ngưỡng giới hạn 1); Nợ phải trả/tổng tài sản (ngưỡng giới hạn 70%). Evergrande đã vượt 2 "lằn ranh đỏ", đó là nợ vay/vốn chủ sở hữu và nợ phải trả/tổng tài sản.
Việc Evergrande ngập trong nợ nần đã đặt ra câu hỏi cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới rằng: Liệu mô hình tăng trưởng dựa vào tài sản của Trung Quốc - đầu tàu mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu - còn đường phát triển nữa không?
Leland Miller, Giám đốc điều hành của China Beige Book - công ty tư vấn phân tích nền kinh tế thông qua dữ liệu độc quyền - nêu quan điểm: "Chính quyền Bắc Kinh lo lắng về sự tăng trưởng của Trung Quốc. Công nhận rằng mô hình 'xây dựng, xây dựng, xây dựng' không còn hiệu quả nữa và nó thực sự đang trở nên nguy hiểm. Hiện tại, giới lãnh đạo dường như đang nghĩ rằng không thể đợi lâu hơn để thay đổi mô hình tăng trưởng".
Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Nomura, cho rằng những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng này sang mô hình tăng trưởng khác có thể làm giảm đáng kể mức tăng trưởng hàng năm trong những năm tới.
Bình luận