Bất kể Italy chơi như thế nào và ở thời điểm nào, tên gọi Catenaccio vẫn được nhắc đến, kể cả khi lối đá ấy đã thất truyền từ lâu. Italy trong suy nghĩ của nhiều người phải là một đội bóng chơi phòng ngự, nơi những kỹ xảo chơi bóng được tìm thấy ở hàng thủ.
Italy ở EURO 2020 vẫn là đội bóng có hàng thủ bất khả xâm phạm.
Azzuri hạn chế gần như toàn bộ mối đe dọa từ các đối thủ đối với khung thành của Gianluigi Donnarumma. Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ và Xứ Wales chỉ tung ra tổng cộng 12 pha dứt điểm, với mức độ nguy hiểm thể hiện qua chỉ số bàn thua kỳ vọng (xGA) chỉ là 1,4. Trên thực tế, họ giữ sạch lưới cả 3 trận vòng bảng. Đó là những thống kê mà không đội bóng nào khác làm tốt hơn.
Dẫu vậy, cách mà thầy trò HLV Roberto Mancini tiến vào vòng loại trực tiếp của EURO 2020 mang dấu ấn tấn công nhiều hơn. Đội bóng thiên thanh không còn là một cỗ máy thực dụng, nơi tôn vinh nghệ thuật phòng ngự.
Màn trình diễn của đội bóng thiên thanh mang đầy đủ những yếu tố làm mãn nhãn người hâm mộ. Họ kiểm soát trận đấu, tấn công quyến rũ, và quan trọng là giành chiến thắng. Ngay cả những con số khô khan cũng chỉ ra được sức hấp dẫn mà thầy trò HLV Roberto Mancini mang đến cho khán giả, dù họ không cần tới thống kê để thừa nhận Italy chơi hay ra sao.
Italy đứng thứ ba về số cơ hội ngon ăn tạo ra được, không tính phạt đền, ở vòng bảng: 9 lần, chỉ kém Hà Lan (13 lần) và Tây Ban Nha (12 lần).
Chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG), phản ánh chất lượng cơ hội ghi bàn của Lorenzo Insigne và các đồng đội là 6,8 bàn, cũng chỉ đứng sau 2 đội bóng kể trên. Nhưng, cần nhớ rằng Tây Ban Nha và Hà Lan tăng đột biến chỉ số xG ở lượt trận cuối cùng khi đối đầu với những đối thủ chơi tệ, trong khi Italy thong dong đấu với Xứ Wales bằng đội hình dự bị.
Số bàn thắng mà Azzurri ghi được trên thực tế (7 bàn) cũng tương đương với chỉ số xG. Hà Lan là đội duy nhất làm được tốt hơn thế.
Nhưng, không phải đến bây giờ Italy mới trình diễn bộ mặt như vậy. HLV Roberto Mancini đã âm thầm thay đổi những định kiến về một đội tuyển Italy với phong cách phòng ngự kiểu Ý. Cuộc cải tổ của cựu HLV trưởng Inter Milan kể từ khi tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Italy vào năm 2018, sau khi đội bóng từng 4 lần vô địch thế giới không thể giành quyền đến Nga dự World Cup, không đơn thuần là về mặt thành tích.
Mancini khởi đầu với trận thắng nhọc nhằn Ả Rập Xê Út, tiếp nối bằng chuỗi 5 trận liên tiếp chỉ hòa và thua. Tuy nhiên, quãng thời gian sau đó là một chuỗi những nấc thang đi lên của đội tuyển Italy. Chưa cần đến 3 trận thắng như chẻ tre ở vòng bảng, nhà cầm quân 56 tuổi đã là vị HLV có tỉ lệ thắng trận cao nhất trong lịch sử đội bóng này.
Italy phiên bản mới luôn xuất trận với sơ đồ 4-3-3, một hệ thống gắn liền với bóng đá tấn công, kiểm soát. Dưới thời HLV Mancini, ĐT Italy chỉ có 3 trận không ra sân với hệ thống này. So với phiên bản Gian Piero Ventura và Luigi Di Baggio cộng lại, Italy của Mancini là sự cải tiến rõ rệt.
Theo thống kê của The Analyst tính đến tháng 3, tính trung bình mỗi trận, Italy phiên bản mới ghi bàn nhiều hơn (2,3 so với 1,56), dứt điểm nhiều hơn (17,6 so với 15,9), tạo cơ hội rõ rệt hơn (xG 2,34 so với 0,64), kiểm soát bóng nhiều hơn (63% so với 55%), chuyền nhiều hơn (551 so với 467), ít để đối thủ dứt điểm hơn (8,5 so với 9,8) và ít thủng lưới hơn.
Những chiến thắng hoàn hảo trước Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ và Xứ Wales chỉ là sự tiếp nối của chuỗi phong độ xuất sắc suốt 3 năm qua của đoàn quân thiên thanh. Việc trình diễn thứ bóng đá quyến rũ ấy ở một giải đấu lớn như EURO 2020 giống như một lời tuyên bố chính thức về diện mạo mới của đội tuyển Italy.
Dù vô địch hay không, giai đoạn đầu tiên của cuộc cải tổ mà HLV Roberto Mancini thực hiện đến lúc này có thể coi là thành công.
Bình luận