Những vết sẹo mờ dần, nhưng Aca Pavlovic biết phải tìm kiếm ở đâu. Ông đảo quanh cột đèn nơi góc phố Impasse de la Cokerie trước khi xé bỏ tờ quảng cáo để lộ ra dấu vết của sự hủy hoại. Những vết nứt hiện lên khá rõ ràng, chúng cắt sâu vào cây cột thép và tạo thành những lỗ thủng. Một vài chỗ vẫn còn in vệt cháy đen.
Sự đau đớn vẫn còn nguyên trên khuôn mặt Pavlovic khi ông lần những đầu ngón tay theo từng vết tích của thảm họa. Ông chưa bao giờ khóc ở đây, nhưng những ký ức vẫn rõ mồn một. “Nhìn này, hãy nhìn những gì nó làm với cây cột đèn, và tưởng tượng xem nó đã làm gì với chúng tôi”, ông nói, với một giọng thì thầm xen lẫn tiếng ồn từ con đường A86 ngay cạnh.
“Mọi người được di tản khỏi cửa hàng McDonald’s, rất đông. Nhưng hắn đã bám theo chúng tôi. Hắn đã chọn chúng tôi làm nạn nhân, và đây chính là nơi hắn đặt quả bom đó. Ôi không. Tôi không muốn nhìn vào đó một lần nào nữa”.
Mất một lúc để ông lấy lại bình tĩnh và kể lại câu chuyện của mình. Pavlovic là một trong những nạn nhân bị lãng quên trong vụ đánh bom khủng bố ngày 13 tháng 11 năm 2015, sự kiện chết chóc nhất mà nước Pháp từng đón nhận kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Sự chú ý được hướng về nhà hát Bataclan hay những quán café ở trung tâm thủ đô Paris, nơi 129 trong số 130 nạn nhân đã thiệt mạng. Nhưng câu chuyện của Pavlovic thực sự đáng kể, bởi mục tiêu của vụ tấn công là sân vận động Stade de France.
Đó là địa điểm diễn ra 7 trận đấu tại Euro 2016, bao gồm cả trận khai mạc giữa Pháp và Romania. Đó là nơi mà đội hình đa sắc tộc của Aime Jacquet với những Zinedine Zidane, Marcel Desailly, Lilian Thuram và Didier Deschamps lên ngôi vô địch World Cup 1998.
Đó là dấu mốc cho sự đoàn kết của người Pháp, với tinh thần “Black‑Blanc‑Beur” (người da đen, da trắng và A-rập). Và đó cũng là nơi mà Les Bleus, bất chấp những lời buộc tội của Eric Cantona, được kỳ vọng sẽ trở lại đỉnh vinh quang.
Có một người thiệt mạng tại Stade de France, trong khi Pavlovic và 53 người khác bị thương nặng ở thời điểm 3 kẻ đánh bom liều chết thổi tung cả khu vực phía sau những khán đài của sân vận động, nơi mà 2 đội tuyển Pháp và Đức, tổng thống Francois Hollande cùng gần 8 vạn cổ động viên đang có mặt.
Sự kiện này đã đẩy nước Pháp vào hoàn cảnh phải đăng cai kỳ Euro lần thứ 3 trong tình trạng báo động.
Nước chủ nhà sẽ thực hiện một chiến dịch bảo đảm an ninh lớn chưa từng có trong lịch sử các sự kiện thể thao mà họ tổ chức. Các biện pháp càng được tăng cường khi người ta phát hiện ra âm mưu khủng bố nhắm vào Euro 2016 từ việc điều tra kẻ chủ mưu của vụ đánh bom tại Brussels, Bỉ làm 32 người thiệt mạng vào tháng 3.
Những lo ngại về an ninh là điều được quan tâm hàng đầu tại vòng chung kết, nhưng người Pháp vẫn muốn có một giải đấu thành công.
Chính quyền Pháp tự trấn an rằng họ đã tránh được một thảm họa kinh khủng hơn thế tại Stade de France. Một trong ba tên khủng bố đã không thể vào sân vì không có vé, và ý định đột nhập của hắn cũng bị các nhân viên an ninh ngăn chặn. Salim Toorabally, trong ca làm việc đầu tiên của anh, đã cản một người đàn ông ở cổng L khoảng 40 phút trước giờ bóng lăn.
9 giờ 20 phút ở gần cổng D, một phần tử khủng bố không rõ danh tính vứt bỏ chiếc áo khoác của hắn và tự sát, đem theo một nạn nhân là Manuel Colaco Dias. Đó là một tài xế xe bus đã nghỉ hưu, một fan trung thành của Sporting Lisbon đến từ Bồ Đào Nha và được một nhóm CĐV nhờ đưa tới sân vận động.
“Ông ấy thậm chí còn không có ý định tới đó”, con trai của ông, Michael Dias, cho biết. Chính phủ Bồ Đào Nha đã liên hệ với gia đình Manuel để xác nhận cái chết của ông vào buổi sáng hôm sau.
Quả bom thứ hai phát nổ phía ngoài cổng H vào lúc 9 giờ 30 phút. Tổng thống Hollande ngay lập tức được đưa tới địa điểm an toàn cùng với ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và vài vị quan chức cấp dưới.
Người lãnh đạo đứng đầu của nước Pháp sau đó trở về trụ sở Bộ Nội Vụ ở Place Beauvau để xử lý tình hình, trong khi các chính khách còn lại tiếp tục ẩn náu ở sân vận động.
Pavlovic và vợ, Ljiljana, đi về phía cửa hàng McDonald’s để gặp 2 vợ chồng người em họ, dù cả 2 đều có vé xe vào sân. Họ đã tưởng rằng những tiếng nổ là do đốt pháo và chỉ ý thức được tính nghiêm trọng bởi sự xuất hiện đột ngột của cảnh sát trên khắp các con phố.
“Vợ tôi đã đổi ý về việc đến xem trận đấu. Tôi đang cố tìm ai đó ở McDonald’s để bán lại những chiếc vé, vào lúc 2 viên cảnh sát có vũ trang đi qua. Họ muốn bắt ai đó ở trên tầng hai, vì vậy cả tòa nhà được di tản. Khi chúng tôi tới nơi, có 2 cô gái đang tập trung mọi người lại, cả khách hàng lẫn nhân viên nhà hàng, ở góc đường phía đối diện.
Giả thuyết của Pavlovic, điều mà ông không đưa ra khi cung cấp lời khai cho cảnh sát trong cuộc điều tra về vụ tấn công, cho rằng 2 người phụ nữ trẻ tuổi này là tòng phạm của kẻ khủng bố và đang cố làm mọi người tụ tập lại một chỗ. Trong lúc đó, Bilal Hadfi – tên đánh bom – quan sát từ xa. “Hắn ở ngay đó, bên cạnh lối vào đường cao tốc”, Pavlovic chỉ tay về phía sau nhà hàng.
Hắn đã băng qua đường về phía công viên, đứng ngay cạnh tôi và kích nổ.
“Rất nhiều người nhìn thấy hắn ta. Hắn ta như đang quan sát tất cả, chờ mọi thứ đi theo ý đồ để hắn có thể giết nhiều người nhất có thể. Nhưng thay vì đi vào McDonald’s, hắn đối mặt với mọi người ngay trên vỉa hè bởi cảnh sát đã di tản chúng tôi ra đó.”
“Chúng tôi không chắc chắn lắm nên quyết định tách ra khỏi đám đông và đi qua phía bên kia đường. Vợ tôi ngồi lên những chiếc túi, vợ chồng người em họ thì đứng bên cạnh xe ô tô và tôi thì châm lửa hút thuốc. Chúng tôi chỉ ở đó trong khoảnh khắc, nhưng hắn vẫn bám theo.
Tôi chẳng biết tại sao. Nếu hắn ta tự phát nổ ở chỗ đám đông thì có thể đã có nhiều nạn nhân hơn, phá hủy nhiều thứ hơn. Nhưng hắn đã băng qua đường về phía công viên, đứng ngay cạnh tôi và kích nổ. Nếu tôi mà mặt đối mặt với hắn ta thì có lẽ bây giờ đã không còn ở đây rồi.”
9 giờ 53 phút, những mảnh vỡ xuyên thẳng vào phần bên phải cơ thể của Pavlovic, 11 trong số đó cắt vào mặt ông tạo ra những vết rách hở cả hộp sọ, và 14 mảnh găm vào chân. Phần thân trên của ông giống như bị xẻ đôi bằng một vết cắt chạy dài xuống bụng, và ngón trỏ thì đứt lìa.
Ông nhớ tới cảm nhận về làn gió chết chóc thoảng qua hơn là tiếng nổ chát chúa lúc đó – tai phải của ông không bao giờ nghe lại được nữa – và hồi tưởng lại cảnh những mảnh thi thể của tên khủng bố Hadfi văng lên bàn chân bị thương của người em họ. Ông nhận ra người mình ướt đẫm nhưng không rõ tại sao. Viên cảnh sát đỡ ông ngồi xuống vỉa hè và nỗi đau ập đến sau đó. Tất cả những gì ông làm được là gào tên vợ mình trong tuyệt vọng.
Không thể để bọn khủng bố hả hê, nhưng điều đó (vượt qua nỗi đau) thật khó khăn.”
Bà đã không được may mắn như vậy. Một mảnh đạn đã găm vào gáy của bà khiến cho não bị tổn thương. Bà đã đươc đưa tới bệnh viện ở Pitie Salpetriere sau đó và hôn mê 6 tuần.
Gia đình Pavlovic không biết điều đó và với sự giúp đỡ của đại sứ quán Serbia, họ mất 3 ngày tìm kiếm khắp các bệnh viện lẫn nhà xác trước khi báo lại cho Aca sau khi ông hồi phục từ ca phẫu thuật ở bệnh viện Kremlin‑Bicêtre.
Vợ ông, trong tình trạng băng bó kín người sau cuộc phẫu thuật não, được gia đình xác nhận vào ngày thứ Hai nhờ người cô của Pavlovic đã nhận ra tai của cháu dâu mình. Bà bị liệt nửa người, vẫn chưa thể nói chuyện trở lại nhưng đã có thể đi một vài bước bằng nạng.
Ban đầu, bà đã lo sợ rằng sẽ phải dính lấy chiếc xe lăn trong suốt phần đời còn lại. Nhưng kể cả thế thì đó cũng đã là một kết quả tích cực rồi.
Không ai trong 2 vợ chồng Pavlovic được bảo hiểm. Khoản bồi thường 25 ngàn Euro lúc đầu không đủ trang trải lâu dài. Dường như những nạn nhân ở trung tâm Paris mới được để ý nhiều hơn.
Người đàn ông 49 tuổi này, như những người khác bị thương bên ngoài sân Stade de France, không được mời tới lễ tưởng niệm các nạn nhân xấu số ở Les Invalides ngày 27 tháng 11 năm ngoái. Chính phủ, đại diện là Bộ trưởng Kanner, đã nói lời xin lỗi vì điều này.
“Thật không may là người Pháp không biết điều gì đã thực sự xảy ra với chúng tôi”, Pavlovic chia sẻ. “Chúng tôi không được xem như những nạn nhân thực sự của vụ tấn công, nhưng có những người đã mất đi chân tay, chịu tổn thương nặng nề và cuộc sống sẽ chẳng bao giờ trở lại được như trước. Người vợ tội nghiệp của tôi… và đó không chỉ là những nỗi đau về thể chất. Nghiêm trọng hơn thế nhiều.
Cơ thể tôi có thể hồi phục, nhưng tinh thần của tôi vẫn còn đau đớn. Tôi đã trở lại sân vận động 2 lần trước ngày hôm nay, tới trận gặp Nga (hồi tháng 3) và bán những chiếc khăn để gây quỹ ủng hộ cho các nạn nhân khác.
Tôi chưa từng khóc, nhưng cuộc sống của tôi sẽ chẳng bao giờ trở lại bình thường. Những tên khủng bố làm tổn thương cơ thể của chúng tôi, thậm chí còn đánh cả vào niềm hi vọng. Không thể để chúng hả hê, nhưng điều đó (vượt qua nỗi đau) thật khó khăn.”
(còn tiếp)
Bình luận