• Zalo

Euro 2012 không cứu nổi Ukraine?

Thể thaoThứ Sáu, 28/02/2014 01:35:00 +07:00Google News

(VTC News) - Người dân Ukraine đáng lẽ ra có thể hưởng lợi từ việc đồng đăng cai Euro 2012 chứ không phải chịu cảnh bất ổn như hiện nay.

Kinh tế Ukraine từng có giai đoạn phát triển rất thịnh vượng từ năm 2000 đến năm 2008, mà đỉnh cao là việc GDP của nước này đạt mức 188 tỷ USD và đứng thứ 45 trên thế giới vào thời điểm năm 2007.
Nhưng rồi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đã gần như đánh gục hoàn toàn những thành tựu trước đó, khi chỉ số GDP giảm 2,1% trong năm 2008 và tiếp theo là giảm 14,8% trong năm 2009. Cũng trong năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 9,4%, và đi kèm với đó là tỷ lệ lạm phát lên tới 26% khiến các nhà đầu tư vội vàng “tháo chạy” khỏi đất nước này.

 Ukraine đã tổ chức kỳ Euro 2012 một cách thành công.

Chính cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng rất nhiều tới công tác chuẩn bị cho Euro 2012, giải đấu mà Ukraine và Ba Lan được UEFA trao quyền đăng cai từ năm 2007, và chỉ đến khi đích thân tổng thống Viktor Yanukovych cam kết sẽ tổ chức giải đấu thành công bằng mọi giá thì mọi chuyện mới bắt đầu được ổn thỏa.
Chính phủ Ukraine đã rót tổng cộng 6,6 tỷ USD cho việc xây dựng khách sạn, nâng cấp đường sá, sân vận động và các công tác tổ chức khác.
Tuy nhiên, phải lưu ý rằng gánh nặng tài chính từ việc xây dựng các sân vận động phục vụ Euro 2012 đã được nhiều nhà tài phiệt trong nước “chia sẻ” với chính phủ Ukraine. Sân Donbass Arena ở Donetsk được xây mới hoàn toàn từ năm 2009 bằng tiền của tỷ phú Rinat Akhmetov, chủ tịch CLB Shakhtar Donetsk và cũng là người giàu nhất Ukraine với tài sản hơn 15 tỷ USD. Ông được cho là đồng minh quan trọng của tổng thống vừa bị phế truất Viktor Yanukovych. Sân Kharkiv cũng được xây dựng lại mới hoàn toàn và 1/3 khoản chi phí được tài trợ bởi tỷ phú Oleksandr Yaroslavsky, một thành viên quan trọng của Đảng các Khu vực cũng của tổng thống Yanukovych.

Sân Dobass Arena được xây dựng hoàn toàn nhờ tiền của tỷ phú Akhmetov.

Các nhà đầu tư tư nhân cũng không bỏ qua cơ hội kiếm tiền, khi chi ra hơn 12 tỷ USD với hy vọng thu về lợi nhuận lớn từ giải vô địch bóng đá châu Âu. Và đúng là đã có lãi lớn thật. Các khách sạn lớn ở Donetsk, Kiev hay Kharkiv, những thành phố tổ chức các trận đấu của Euro 2012, đã tăng giá tới 1000% trong thời gian diễn ra giải đấu nhưng vẫn luôn trong tình trạng “cháy phòng”. Theo thống kê đã có tới hơn 1 triệu du khách nước ngoài đến với Ukraine trong thời gian diễn ra Euro 2012, mang về cho nước này hơn 1,5 tỷ USD. 
Nhưng bức tranh kinh tế của Ukraine đã tiềm ẩn nhiều gam màu ảm đạm ngay kể từ thời điểm đó. Tháng 6/2012, thời điểm diễn ra Euro 2012, cũng là lúc Ukraine phải thanh toán khoản nợ 2 tỷ USD cho phía Nga và 500 triệu USD trái phiếu châu Âu. Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài vào nước này giảm mạnh (từ năm 2005 đến năm 2011 đã giảm gần một nửa) do những lo ngai về bất ổn chính trị của giới đầu tư.

Sau Euro 2012, người dân Ukraine bị lâm vào cuộc khủng hoảng cả về kinh tế và chín trị.

Việc đồng đăng cai Euro 2012 mang lại một cú hích nhẹ cho nền kinh tế nước này, nhưng nó không thể giải quyết triệt để những vấn đề tiêu cực của nền kinh tế.
Tình trạng tham nhũng nặng nề, cùng với cơ cấu kinh tế lạc hậu chỉ tập trung vào những ngành như luyện kim hay khai khoáng đã khiến Ukraine nhanh chóng bị tụt lại so với các nước khác ở châu Âu. So với Ba Lan, nước đồng đăng cai Euro 2012 với Ukraine và có xuất phát điểm gần giống nhau sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, đến nay kinh tế Ukraine đã kém hơn gần 3 lần.
Sau khi Euro 2012 kết thúc, những con đường hiện đại hay những sân bay, sân vận động hoành tráng của Ukraine vẫn còn đó, nhưng chúng không đóng góp được gì cho sự phát triển kinh tế của đất nước này. Hàng loạt khách sạn mới được xây dựng trở nên vắng khách, và đó có thể coi là hình ảnh tiêu biểu cho một đất nước còn nhiều bất ổn nhưng không thể tận dụng thành công cơ hội được đăng cai một sự kiện thể thao lớn như Euro 2012.
Bình luận
vtcnews.vn