Theo tờ Financial Times, đòn trừng phạt thứ 13 của Liên minh châu Âu (EU) áp lên Nga sẽ bao gồm các lệnh cấm đi lại mới và phong tỏa tài sản nhắm vào các doanh nghiệp và cá nhân Nga bị cáo buộc có liên quan đến hoạt động quân sự của Moskva ở Ukraine.
EU cũng có thể thông qua thỏa thuận bị trì hoãn từ lâu về gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ euro (54,5 tỷ USD) cho Kiev, cùng với khoản hỗ trợ quân sự hàng năm trị giá 5 tỷ euro khác.
Bên cạnh đó, EU cũng sẽ cân nhắc việc sử dụng tài sản đóng băng của Nga.
“Tài chính, vũ khí và các biện pháp trừng phạt đối với Nga diễn ra vào thời điểm EU nhận thấy người Ukraine cần được khuyến khích. Tuy nhiên, những gì EU có thể làm đều có giới hạn”, Financial Times dẫn nguồn quan chức ngoại giao EU cho hay.
Nguồn tin Financial Times nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt mới khó có thể bao gồm lệnh cấm nhập khẩu nhôm của Nga, cũng như không nhắm tới xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, do thiếu sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên về các biện pháp này.
EU đã áp đặt loạt lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công tổng lực vào Ukraine vào tháng 2/2022. Các nhà ngoại giao châu Âu cảnh báo EU sắp hết các mục tiêu trừng phạt đối với Moskva.
Các biện pháp trừng phạt của EU đối với nga nhằm mục đích làm suy yếu nền kinh tế Nga và khiến nước này không thể tài trợ cho hoạt động quân sự của mình. Thế nhưng, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững nhờ những thay đổi chính sách tài khóa kịp thời và sự chuyển hướng phần lớn thương mại của nước này sang châu Á.
Đòn trừng phạt gần nhất của EU nhắm vào Nga diễn ra hồi tháng 12 năm ngoái. Nhóm biện pháp trừng phạt thứ 12 này của EU chủ yếu nhắm đến cấm xuất khẩu kim cương của Nga, cũng như các biện pháp thắt chặt việc thực thi giới hạn giá dầu nhằm hạn chế doanh thu mà điện Kremlin thu được từ việc bán dầu thô cho các nước ngoài EU.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố các đòn trừng phạt "chớp nhoáng" của phương Tây nhằm vào nền kinh tế nước này đã thất bại hoàn toàn. Ông nói bất chấp các lệnh trừng phạt, tăng trưởng nền kinh tế của Nga sẽ hơn 3% trong khi các nền kinh tế khác như Đức sẽ bị suy thoái.
Trước đó, tại Diễn đàn đầu tư Nước Nga vẫy gọi mới đây, Tổng thống Putin cũng từng tuyên bố không ai có thể ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của nước Nga. Lãnh đạo Nga cho rằng các lệnh trừng phạt với quy mô chưa từng có mà phương Tây áp đặt với Nga là "cuộc tấn công dữ dội", nhưng không thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế nước này.
Bình luận