• Zalo

EPR là con đường phát triển bền vững cho doanh nghiệp

Chuyển đổi xanhThứ Hai, 12/12/2022 13:14:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, đồng nghĩa doanh nghiệp thỏa hiệp với con đường phát triển bền vững và thân thiện với môi trường trong tương lai.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) không còn là khái niệm mới mẻ ở Việt Nam. Trên lộ trình hướng tới giảm thiểu rác thải nhựa xả ra môi trường, tiến tới đưa phát thải nhựa ở Việt Nam về 0, các doanh nghiệp cần chung tay thực hiện trách nhiệm với môi trường. 

Việc lượng hóa và quy định chặt chẽ EPR là một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo đó, doanh nghiệp không chỉ có trách nhiệm với sản phẩm được bán trên thị trường, mà còn phải có trách nhiệm thu hồi, xử lý, tái chế theo tỷ lệ nhất định được pháp luật quy định.

Đơn cử, công ty sản xuất nước giải khát đưa ra thị trường 100 lon sản phẩm thì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP, họ phải thu gom để tái chế 22 lon, tương đương 22% theo tỷ lệ tái chế bắt buộc. Còn theo quy cách tái chế bắt buộc, 22 lon đó phải tái chế thu lại tối thiểu 8,8 lon, tương đương 40% tổng số lon mang đi tái chế, tạo ra các phôi nhôm hoặc các sản phẩm khác.

EPR là con đường phát triển bền vững cho doanh nghiệp  - 1

Doanh nghiệp cần tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế xả thải nhựa ra đại dương. 

Tuy nhiên, việc thực hiện EPR đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn, đồng thời thực hiện đồng bộ, chặt chẽ quy trình liên quan đến tái chế để bảo vệ môi trường.

"Để đảm bảo tái chế, xử lý rác thải nhựa nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường, các doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn. Chi phí tái chế cao tạo ra gánh nặng tài chính, khiến việc thúc đẩy mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất với các sản phẩm nhựa gặp nhiều khó khăn. Đầu tư cho tái chế, nhiều khi doanh nghiệp còn lỗ vốn", ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Hiệp hội nhựa Việt Nam nêu vấn đề. 

Theo ông Nguyễn Thi, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ TN-MT, doanh nghiệp không nên nhìn nhận EPR là gánh nặng. Ngược lại, đây là con đường phát triển bền vững, mà doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều cái lợi trong tương lai.

"Thực hiện EPR là doanh nghiệp đã thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Hoạt động này còn đem lại lợi ích cho doanh nghiệp một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải, tạo ra lợi nhuận, nguồn vật liệu ổn định phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình.

Thực hiện EPR không phải yêu cầu doanh nghiệp phải chi tiền, mà đây là nghĩa vụ phải thực hiện theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Đó là cam kết kinh doanh đi liền trách nhiệm bảo vệ môi trường và việc thực hiện trách nhiệm ấy hoàn toàn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Thi cho biết. 

Ông Nguyễn Thi nêu quan điểm, EPR không chỉ có mục tiêu là hình thành nguồn lực để làm sạch môi trường thông qua việc thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ mà EPR còn có mục tiêu cao hơn đó là tác động đến thói quen sản xuất, tiêu dùng, buộc các nhà sản xuất phải thay đổi thiết kế đối với sản phẩm để sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, kéo dài vòng đời sản phẩm, dễ thu gom, dễ tái sử dụng, dễ tái chế… để giảm bớt trách nhiệm EPR.

Do đó, EPR là bắt buộc, nhưng nó thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững: ít sử dụng nguyên liệu tự nhiên, kéo dài vòng đời sử dụng sản phẩm và tái chế những sản phẩm thải bỏ ra môi trường sau khi sử dụng. "Nếu doanh nghiệp đáp ứng EPR, về cơ bản họ sẽ thực hiện được kinh tế tuần hoàn và thu lại lợi ích", ông Nguyễn Thi khẳng định. 

Dù vậy, để thực hiện EPR ở Việt Nam, các doanh nghiệp rất cần hành lang chính sách về EPR nói riêng và kinh tế tuần hoàn nói chung để cụ thể hóa việc thực hiện và tối ưu hóa lợi ích. Chỉ khi nhìn thấy lợi ích bền vững, doanh nghiệp mới có động lực để đầu tư thu gom rác thải nhựa, tạo ra nguồn nguyên liệu tái chế dồi dào.

EPR là con đường phát triển bền vững cho doanh nghiệp  - 2

Ngành công nghiệp tái chế còn non trẻ với nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: EcoEnclose).

Ông Nguyễn Thi khẳng định EPR mới được thực hiện từ tháng 1/2022, khi Nghị định 08/2022/NĐ-CP có hiệu lực. Lộ trình các doanh nghiệp thực hiện tái chế sản phẩm - một trong những cốt lõi của EPR, sớm nhất đến năm 2024 mới bắt đầu. Do chưa áp dụng thực tiễn, nên chưa thể có đánh giá, tổng kết để sửa đổi bổ sung. Với trách nhiệm tái chế của doanh nghiệp, do việc thực hiện chưa đầy đủ nên chưa tổng kết được.

Tuy nhiên, cần có những quy định rõ ràng trong việc thực hiện kiểm tra, xác định doanh nghiệp nào phải thực hiện EPR. Nhà nước cần chính sách để doanh nghiệp tự giác thực hiện. Nếu doanh nghiệp không tự giác, phải có chính sách nhằm rà soát, xác định các doanh nghiệp chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp không tự nguyện đóng tiền, có thể áp dụng cơ chế thuế, qua đó thúc đẩy thực hiện EPR nhanh chóng, thay vì đợi doanh nghiệp tự nguyện dẫn đến hiệu quả thu thấp.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường, đưa ra bao nhiêu thực hiện EPR bấy nhiêu. Một số doanh nghiệp đã có động thái thực hiện thu hồi sản phẩm và xử lý theo quy định, do đó cần quy định để khấu trừ trách nhiệm của họ. 

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn