• Zalo

Ép trẻ ăn khi đang ho: Dễ sặc thức ăn xuống phổi

Sức khỏeThứ Sáu, 20/04/2018 11:27:00 +07:00Google News

Khi trẻ bị ho, ăn uống thường kém hơn so với thông thường, vì sốt ruột lo con không đủ dinh dưỡng, nhiều phụ huynh cố ép con ăn, vô tình điều đó khiến trẻ bị sặc, có khi, nguy hiểm tính mạng, mắc các bệnh mãn tính chỉ vì ăn cố.

Gần đây nhất, cuối tháng 10/2017, Khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, Khoa đã tiến hành cấp cứu một bệnh nhi trong tình trạng suy hô hấp, tiên lượng nặng.

Qua kết quả nội soi phế quản ghi nhận, trong phổi của bệnh nhân chứa rất nhiều dịch lẫn bột thức ăn màu trắng mà bệnh nhân đã hít vào. Sau khi xác định được nguyên nhân suy hô hấp ở trẻ. Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sỹ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi do sặc bột.

Theo chia sẻ, người nhà bệnh nhân cho biết, khi bé ăn bị ho dẫn đến sặc bột. Từ khi bị sặc, bé lập tức ho dữ dội không ngừng, khó thở, có dấu hiệu tím tái.

Hình ảnh nội soi đường thở cho bệnh nhân nhi để lấy dị vật do sặc, hóc

 Hình ảnh nội soi đường thở cho bệnh nhân nhi để lấy dị vật do sặc, hóc

Điều đáng nói, đó không phải trường hợp duy nhất trẻ nhập viện vì sặc bột, cháo. Trên thực tế, nhiều phụ huynh vẫn giữ quan niệm ép con ăn thêm, ăn nữa. Kể cả khi trẻ bị ốm, người mệt mỏi, biếng ăn hơn bình thường, nhiều gia đình vẫn duy trì thói quen nguy hiểm đó.

Chia sẻ với Gia Đình Mới về vấn đề này, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trẻ bị ho thường biếng ăn và sức đề kháng bị suy giảm. Do đó, cần có cách chăm sóc đặc biệt để trẻ bình phục nhanh chóng. Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị ho có rất nhiều và việc điều trị phải bắt nguồn từ nguyên nhân gây bệnh.

Khi trẻ đang ho, khóc cha mẹ ép trẻ ăn, uống, vô tình việc làm này có thể dẫn đến việc trẻ hít vào phế quản thức ăn, nước uống, dẫn đến sặc, hóc dị vật và trẻ có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Đồng quan điểm trên, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Khoa thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhi đến đây với biểu hiện tím tái, khó thở, tiên lượng xấu… phải tiến hành nội soi lấy dị vật vì hóc, sặc đồ ăn. Nếu trẻ không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

“Khi chúng ta cho trẻ ăn, trẻ nghịch ngợm, nói chuyện cười đùa gây ra sặc, dị vật rơi vào đường thở. Đặc biệt, tôi phải nhấn mạnh, nhiều trường hợp con ăn no hoặc không muốn ăn, cha mẹ vẫn cố đút vô cùng nguy hiểm.

Vì khi đó thức ăn còn trong miệng, trẻ chưa nuốt cứ lúng búng trong miệng, cha mẹ ép ăn chỉ cần thở không may cũng có thể bị sặc”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

Video: Đêm trắng của các bác sĩ khoa Cấp cứu và Chống độc

Theo bác sĩ Dũng, để nhận biết trẻ bị hóc, cha mẹ có thể chú ý tới các biểu hiện của con như trẻ đang bình thường tự nhiên ho sặc sụa, tím tái, có trường hợp bị bất tỉnh một cách đột ngột.

“Với những trường hợp đó, sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Cha mẹ cần nắm rõ những thủ thuật để thức ăn bắn ra ngoài. Thông thường, chúng ta nên vỗ mạnh vào lưng trẻ 5 cái để kích thích ho, để hướng đầu trẻ hơi thấp xuống để dị vật có thể bắn ra ngoài.

Đặc biệt lưu ý, nhiều người thường dùng tay móc khi trẻ bị bệnh nhưng móc như thế chỉ làm hại thêm, không móc được mà còn làm dị vật rơi sâu hơn vào đường thở hoặc gây ra những tổn thương cho trẻ. Hoặc chúng ta có phản xạ vuốt xuôi từ ngực xuống, điều đó cũng không hề tốt”, PGS. TS Dũng cho biết thêm.

Cũng theo bác sĩ, ngoài nguy cơ gây ngạt thở ở trẻ, hóc, sặc đồ ăn có thể khiến “dị vật bỏ quên, rơi vào phổi”. Khi gặp trường hợp này, trẻ không nguy hiểm ngay đến tính mạng nhưng nó có thể gây ra những tổn thương, gây khó thở lâu ngày hoặc các bệnh lý khác như viêm phổi.

Các bác sĩ khuyến cáo, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra do trẻ hóc, sặc, người thân không nên ép trẻ ăn, không  trêu đùa trong khi trẻ ăn. Nếu trẻ không chịu ăn như bình thường hoặc ăn ít hơn, cha mẹ có thể cho trẻ ăn thành nhiều bữa.

                                                                                   

(Nguồn: giadinhmoi.vn)
Bình luận
vtcnews.vn