Một lần nằm điều trị tại Bệnh viện Việt – Xô, nhạc sĩ Trần Hoàn được ông Vũ Kỳ (nguyên Thư ký của Hồ Chủ tịch) kể cho nghe chuyện về một cô y tá hát cho Bác Hồ nghe trong những ngày cuối Bác nằm trên giường bệnh. Câu chuyện đó bất ngờ trở thành cảm hứng cho người nhạc sĩ, để ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” với âm hưởng diết da, xúc động, ra đời.
Không chỉ nhiều người mà chính nhạc sĩ Trần Hoàn, lúc sinh thời cũng rất muốn gặp để biết “em gái nhỏ” là nguồn cảm hứng để ông sáng tác ca khúc để đời đó là ai. Tác giả “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” từng có lần tìm đến tận nhà nhân vật “nguyên mẫu” của ông, là nữ y tá Ngô Thị Oanh, nhưng không may chị lại đi vắng. Cho đến khi về miền cực lạc, nhạc sĩ Trần Hoàn cũng chưa từng gặp chị.
Mong muốn mang tới bạn đọc câu trả lời, một lần, tôi tìm gặp Thiếu tá Ngô Thị Oanh, nguyên là y tá của Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Khi đó, chị đã nghỉ hưu và tiếp tục làm y tá cho một bệnh viện tư nhân ở gần nhà tôi. Dẫu lên chức bà nội, Thiếu tá Ngô Thị Oanh vẫn mặn mòi, duyên dáng. Với nụ cười trên môi, chị kể cho tôi nghe về những ngày mùa thu năm 1969.
Ký ức thiêng liêng
… Cuối tháng 8/1969, nữ y tá Ngô Thị Oanh và Trần Thị Quí của Viện Quân y 108 cùng 2 bác sĩ nữa được triệu tập để nhận nhiệm vụ đặc biệt. Tổ y tế nhanh chóng chuẩn bị thuốc men, dụng cụ y tế như mọi chuyến đi ngoại viện rồi lên đường. Khi chiếc ô tô đưa Tổ y tế quân đội rẽ vào cổng Phủ Chủ tịch, chị Oanh và Quý vẫn không biết là ở đâu. Đến chiều, ông Vũ Kỳ mới đến, thông báo là các thầy thuốc vào đây để chăm sóc sức khỏe cho Hồ Chủ tịch, thì mọi người đều run lên vì bất ngờ. Đêm đó, không ai ngủ nổi…
Sáng hôm sau, ông Vũ Kỳ đưa tổ y tế vào báo cáo với Hồ Chủ tịch về việc họ đến để chăm sóc Bác, thì Bác từ chối: Bác cũng mệt nhưng chưa đến nỗi cần người chăm sóc. Để các cháu về đơn vị còn chăm sóc bộ đội. Ông Vũ Kỳ phải thuyết phục mãi, Bác Hồ mới đồng ý.
Những ngày gần Bác, các thầy thuốc đều bất ngờ khi nhìn căn phòng với đồ đạc đơn sơ của người đứng đầu đất nước. Các y tá còn ngạc nhiên hơn khi thấy Hồ Chủ tịch quá đỗi gần gũi với mọi người. Phải nằm bất động do bệnh tình, nhưng Bác vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Những lúc không phải tiếp khách, hay nghe các đồng chí trong Trung ương Đảng báo cáo công việc, Bác lại trò chuyện với các nữ y tá, thân tình như người trong gia đình. Bác hỏi han quê quán, hoàn cảnh, công việc của từng người.
Có lần, Hồ Chủ tịch hỏi chị Quí sao không thi vào đại học mà lại làm quân y, chị Quí trả lời rằng đã có giấy gọi đi đại học, nhưng vì thích vào bộ đội nên mới học quân y. Bác Hồ ân cần bảo: “Thế cũng tốt! Làm một y tá giỏi còn hơn một bác sĩ tồi”. Bác còn dặn dò: “Các cháu phải chăm sóc người bệnh như với người nhà vậy!” Những lời dặn dò của Hồ Chủ tịch theo các chị suốt cuộc đời.
Đến lượt chị Oanh thưa với Bác quê mình ở Liên Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc, Bác đùa: “À! Dân nhiều ruồi đây!” Thấy Bác hiểu cặn kẽ quê mình đến vậy, chị Oanh xúc động lắm. Chả là quê chị đất đồng bãi ven sông Hồng, chuyên trồng màu, thường bón phân tươi nên rất nhiều ruồi!
Suốt thời gian đó, Tổ y tế túc trực bên Hồ Chủ tịch 24/24 giờ, chăm sóc từng giấc ngủ, miếng ăn, hoặc ngồi xung quanh, trò chuyện với Bác. Một lần, chị Oanh và chị Quí đang ngồi bên Bác thì ông Vũ Kỳ bảo ai biết hát thì hát cho Bác nghe. Vì sợ, cũng vì xấu hổ nên 2 chị đùn đẩy nhau, cuối cùng, chị Oanh đứng lên hát bài “Quân y làm theo lời Bác” (do anh Đỗ Niệm ở Viện 108 sáng tác). Ông Vũ Kỳ lại hỏi ai biết hát dân ca thì hát cho Bác nghe, nên chị Oanh hát tiếp bài quan họ “Người ơi người ở đừng về”.
Chị kể, vì kính nể Hồ Chủ tịch mà chị hát chứ chưa bao giờ dám hát một mình đâu, nên chị run lắm. Nhưng nghe chị hát xong, Hồ Chủ tịch vỗ tay hoan hô và bảo lấy cho Bác bông hoa đang cắm trong bình nơi đầu giường rồi tặng chị! Bông hồng trắng ấy, chị ép vào cuốn sổ và lưu giữ như một báu vật.
Chị Oanh còn nhớ, những ngày sau cuối, Hồ Chủ tịch mệt nặng hơn, nhưng Người vẫn tỉnh táo. Sáng 2/9/1969, khi các đồng chí trong Trung ương Đảng vào thăm, Bác còn hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem lễ mít tinh kỷ niệm ngày 2/9 ở Quảng trường Ba Đình chuẩn bị như thế nào?
Khi mọi người ra khỏi, 9h sáng là giờ ăn của Hồ Chủ tịch, nên chị Oanh vào hỏi: “Bác ăn súp nhé?” và Bác gật đầu đồng ý. Nhưng chị vừa quay ra bảo người phục vụ mang súp cho Bác, lúc quay vào thấy mọi người đang tập trung cấp cứu Người…
47 phút trôi qua mà nỗi đau vẫn cứ đến. Những tiếng nấc nghẹn ngào không kìm nổi, những giọt nước mắt ướt đầm trên tất cả các gương mặt đứng xung quanh. Bầu trời như thấp xuống, gió như ngưng thổi …
Do yêu cầu bí mật về ngày mất của Bác khi đó, nên dù thi hài Bác đã được đưa đi, Tổ y tế vẫn phải ở lại Phủ Chủ tịch đến chiều 3/9/1969 mới trở về đơn vị. Chị Oanh nhớ lại: “Suốt từ phút Hồ Chủ tịch về cõi vĩnh hằng, cả khu nhà vắng lặng. Không ai nói với ai lời nào, bởi cùng chìm trong nỗi mất mát…”
Kỷ niệm đi vào âm nhạc
Suốt nhiều năm sau, chị Oanh vẫn không nguôi quên những ngày tháng được phục vụ Hồ Chủ tịch, được trò chuyện cùng Bác và nhất là được hát cho Bác nghe. Chị mang theo về những đồ vật làm kỷ niệm: chiếc móng tay của Bác do chị cắt, chiếc khăn Bác rửa mặt, cả chiếc hộp xốp đựng socola mà Bác được biếu… Chị đã nâng niu, cất giữ nhiều năm liền trước khi đưa chúng vào nhà truyền thống, khi đơn vị yêu cầu. Tiếc là về sau, máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, nhà truyền thống bị trúng bom nên những kỷ vật ấy không còn nữa.
Cũng do yêu cầu bí mật quốc gia, những điều mà chị được chứng kiến, được biết về thời khắc cuối cùng của Hồ Chủ tịch vẫn được chị giữ kín.
Là y tá ở Khoa chăm sóc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo cao cấp, về sau, chị Oanh còn là người phục vụ những giây phút cuối cùng của nhiều vị lãnh đạo: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Quốc Việt vv…
Rồi có một ngày, ca khúc nổi tiếng đánh thức kỷ niệm của chị vốn không mấy ai biết đến. Lúc đầu được nghe bài “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, chị rất thích nhưng không mảy may nghĩ rằng, nhân vật được nhắc đến trong ca khúc lại chính là mình.
Mãi sau, chị mời ngờ ngợ có thể “em gái nhỏ” ấy là mình, vì khi đó, chỉ có chị hát cho Bác nghe bài dân ca quan họ “Người ơi, người ở đừng về”! Nhưng phải vài năm sau, cô y tá hát cho Bác nghe trong ca khúc mới được khẳng định chính là chị, Thiếu tá Ngô Thị Oanh.
Bình luận