• Zalo

Ê hề nhà trọ sau Tết

Kinh tếThứ Tư, 01/02/2012 01:01:00 +07:00Google News

(VTC News) – Mùng 9 Tết, hầu hết các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội đều treo biển ‘có nhà trọ cho thuê’, ‘tìm người ở ghép’, ‘cho thuê trọ’…

(VTC News) – Mùng 9 Tết, hầu hết các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội đều treo biển ‘có nhà trọ cho thuê’, ‘tìm người ở ghép’, ‘cho thuê trọ’….

Nếu như vào những năm trước, sau Tết là thời điểm sinh viên, người lao động, học sinh đi ôn thi đại học ùn ùn đổ về thủ đô khiến việc tìm nhà trọ trở nên vô cùng gian nan thì năm nay xu hướng ấy có vẻ như không còn nữa. Thậm chí, theo khảo sát hiện nay đang có rất nhiều nhà trọ… ế ẩm.

Tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội như phố Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), đường Minh Khai - đặc biệt là trong ngõ Gốc đề, phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), đường Thái Hà, Chùa Bộc (quận Đống Đa), khu vực gần chợ Phùng Khoang (quận Thanh Xuân) và thậm chí ở cả những nơi đông dân cư hơn như khu vực quận Cầu Giấy, Mỹ Đình …, rất dễ dàng tìm thấy các biển “cho thuê trọ”, “có nhà trọ cho thuê”, “tìm người ở ghép”…

Chia sẻ về nguyên nhân khiến nhiều nhà trọ bỗng dưng ế ẩm hơn sau Tết, chị Nhàn – chủ của dãy trọ hơn 10 phòng (Cầu Giấy, HN) cho biết: “Một số sinh viên ra Tết bắt đầu đi thực tập mấy tháng liền nên nghỉ thuê trọ cho đỡ tốn kém, số khác phải bỏ trọ, tìm nhà khác rẻ hơn khi giá phòng leo thang”.

Một biển cho thuê phòng trọ bị viết sai lỗi chính tả ở Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, HN) - Ảnh: K.V 

Thuấn – sinh viên Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: “Không chỉ giá phòng tăng cao mà ngay cả giá điện, giá nước sinh hoạt, phí vệ sinh cũng tăng vùn vụt thì với "đồng lương" còm cõi từ việc gia sư và khoản tiền ít ỏi gia đình gửi lên, bọn em khó có thể xoay được”.

“Giải pháp chung là hoặc tìm thêm người ở ghép để giảm bớt gánh nặng tài chính hoặc tìm nhà trọ khác rẻ hơn thôi. Nhiều người trả phòng thì chuyện cả xóm trọ vắng tanh, chủ nhà phải treo biển cho thuê trọ là điều dễ hiểu”, Thuấn cho biết thêm.

Ông Tuấn, chủ một dãy trọ ở Triều Khúc (Thanh Xuân) cho hay, trong những tháng đầu năm này, do ế ẩm nên hầu hết các chủ nhà trọ thường giảm giá phòng để "câu khách".

“Đợi một thời gian, khi tình hình ổn định trở lại, cuộc sống của người thuê trọ bắt đầu đi vào quỹ đạo, việc tìm kiếm nhà trọ mới trở nên khó khăn hơn, người ta mới bắt đầu tăng giá phòng, dồn người thuê vào thế bí chứ bây giờ mà đã vội tăng giá thì ai thuê?”, ông Tuấn nói.

Nhiều phòng trọ ở Sài Đồng (Long Biên, HN) vẫn đóng cửa im lìm chờ chủ nhân mới (Ảnh: K.V) 

Theo tìm hiểu của PVVTC News, nhiều người lao động tự do sau Tết quyết định không ra Hà Nội làm nữa mà chuyển tới làm việc ở các tỉnh, thành phố khác trên cả nước hoặc tại chính quê hương mình khiến lượng phòng cho thuê bị thừa thãi khá nhiều.

Bên cạnh đó, lượng học sinh đi ôn thi đại học đổ về Thủ đô chưa nhiều trong khi hầu hết các sinh viên nghèo đều chọn thuê trọ ở những nơi hơi xa trường một chút như trên đường K3 (Từ Liêm, HN) hay khu vực gần Học viện Cảnh sát, Đông Ngạc (Từ Liêm) hoặc tìm thêm người ở ghép … để đối phó với tình trạng "chặt chém", hét giá phòng của nhiều chủ trọ.

Chiên, một sinh viên đang đi tìm nhà trọ than thở, giờ tìm phòng thì dễ, nhưng tìm được phòng như ý thì rất khó bởi phòng đẹp, giá cả phải chăng người ta chọn hết rồi. Đại đa số những phòng bị trả lại là những phòng …có vấn đề. Hoặc chất lượng phòng tỉ lệ nghịch với giá, hoặc giá cho thuê cao quá, hoặc chủ nhà chẳng ra gì.

“Theo tôi, sở dĩ trước đó có người thuê là vì họ tính ở tạm cho qua cái giai đoạn khó khăn "cháy nhà trọ" đã rồi những lúc dễ dàng như bây giờ đi tìm phòng mới. May mắn lắm mới chọn được phòng mà chủ nhân cũ của nó buộc phải rời đi vì lý do chính đáng”, Chiên nhấn mạnh.

M.Q

Bình luận
vtcnews.vn