Và, trong suốt hành trình chữa bệnh, tật bằng cái tâm của nhà Phật ấy, đã có nhiều chuyện kỳ lạ xảy đến với con người kỳ lạ này.
Duyên phận với một đại ca giang hồ Tám Sẹo, người từng làm mưa làm gió trong thế giới ngầm ở Hà Nội một thời cũng là một trong những chuyện khó tin nhưng có thật ấy.
Và, nhờ mối duyên này, đại ca giang hồ ấy đã quyết chí hoàn lương, đã cố gắng chuộc lại tất thảy tội lỗi mà mình đã từng gieo rắc…
Kỳ 1: Đại ca Tám Sẹo trong con mắt lương y Võ Hoàng Yên
Chuyện tôi biết và quen Tám Sẹo theo lương y Võ Hoàng Yên là một cái duyên. Trong thuyết nhân quả của nhà Phật, duyên là cái gạch nối giữa nhân và quả. Nhân là hạt giống, quả là cái cây. Hạt giống đựng trong túi ni lông dán kín không bao giờ mọc thành cây, phải gặp nước, gặp đất hạt giống mới mọc thành cây được. Điều kiện để hạt giống để thành cây gọi là duyên.
Không phải vô cớ mà tôi quen Tám Sẹo. Cũng không vô cớ mà Tám Sẹo biết tôi. Lương y Võ Hoàng Yên chữa bệnh ở Vân Đồn cách đây vài tháng. Tôi đã đọc trên mạng về tài bấm huyệt chữa bệnh của Võ Hoàng Yên nhiều tờ báo gọi ông là thần y nhưng tôi thì bán tín bán nghi.
Bạn tôi, anh Bùi Thành Chi - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói: "Y học hiện đại không bao giờ tin điều đó. Đã chữa bệnh là phải dùng thuốc. Nhưng ông này không chữa bệnh mà chữa tật. Bại liệt và câm điếc bẩm sinh là tật. Bệnh thì nay bị mai có thể khỏi. Còn tật thì cho tới khi nằm vào quan tài vẫn mang tật. Cậu út nhà tôi đẹp trai như tượng và cái cổ của nó cũng như cổ tượng, không cúi được, không quay sang trái sang phải được. Tôi muốn đưa cháu đi Vân Đồn một chuyến".
Tôi bảo: "Nếu ông ấy không dùng một loại thuốc nào mà chữa được tật thì thần tài. Anh cứ đưa cháu đi thử xem. Biển Vân Đồn rất đẹp. Nếu không chữa được tật cho cháu thì hai bố con nghỉ mát ở Vân Đồn vài hôm cũng không sao".
Lương y Võ Hoàng Yên bấm huyệt cho người nước ngoài |
Trong khi chữa bệnh, lương y Võ Hoàng Yên không được ngồi một phút nào. Người bệnh ngồi trên một chiếc ghế băng bằng gỗ lim rất vững chắc. Còn thầy Yên thì đứng và bấm huyệt cho bệnh nhân. Phải đứng lực bấm mới đủ mạnh. Mồ hôi thầy túa ra như tắm.
Một buổi sáng, tôi phải hơn 10 lần đi giặt chiếc khăn bông để lau mồ hôi trên gương mặt thầy. Gần trưa, thầy hỏi tôi: "Bác là nhà báo à?". "Đúng. Tôi là nhà báo. Nhưng hôm nay tôi xuống đây không phải để làm báo mà để đưa con trai đi chữa bệnh". "Con bác ở đâu?". Tôi chỉ cháu Hoàng Linh và nói: "Nó ngồi kia". "Bác bảo cháu vào đây".
Thầy Yên khám bệnh cho con tôi bằng tay và nói: "Đây là một khuyết tật bẩm sinh". "Thầy nói rất đúng. Cháu sinh ra đã như thế rồi". Thầy Yên nói với Hoàng Linh: "Linh hợp tác với thầy Yên nhé! Có đau một chút cũng đừng la to quá".
Và thầy Yên bấm huyệt cho con trai tôi. Chỉ 6 phút sau, thầy Yên nói với tôi: "Xong rồi bác ạ! Xin chúc mừng bác!".
Tôi đứng phía sau, gọi con, nó ngoái cổ lại nhìn tôi mà không phải xoay cả người như trước. Tôi mừng rỡ ôm lấy con, nước mắt trào ra. Đã 23 năm rồi, con trai tôi không cử động được cái cần cổ như thế này.
Từ đó, thầy Yên chữa bệnh ở đâu là tôi đến đó, vừa để xem, vừa để có dịp được trò chuyện vài phút với thầy. Rồi một lần thầy Yên ra Hà Nội thăm tôi. Tôi đặt cơm chay ở một nhà hàng nổi tiếng ở Hà Nội.
Đến bữa, mọi người kéo đến phòng chúng tôi rất đông. Đó là những bệnh nhân đã được thầy Yên chữa khỏi tật và các nhà báo đến để biết mặt thầy Yên. Tôi không chuẩn bị để đón nhiều thực khách như thế. Tờ hóa đơn thanh toán làm tôi hoa cả mắt. Chắc chắn tôi phải gửi chứng minh thư lại để ký nợ. Bỗng có một người ngồi ở đầu bàn rất xa gọi cô nhân viên phục vụ nhà hàng: "Cô mang tờ hóa đơn đến đây! Ông ấy mù chữ, không biết đọc đâu!".
Và người đàn ông ấy đã thanh toán toàn bộ bữa cơm chay đó. Đó là một người có bề ngoài rất lịch sự. Mặt mũi sáng sủa. Com-lê màu tím than. Cái cà vạt rất sành điệu. Tôi cám ơn và xin số máy của ông ta.
Trên đường về, ngồi trên ô tô, thầy Yên nói với tôi: "Bác Khánh à! Cái người đàn ông lúc nãy thanh toán tiền ăn cho chúng ta, trước là dân giang hồ đấy. Đã vào tù ra tội. Và nếu kiếp trước không tốt thì ông ta đã chết rồi".
Tôi hay nghe các nhà sư giảng kinh và khi có điều kiện thì đàm đạo với họ. Vì thế, tôi không hề ngạc nhiên về những điều thầy Yên vừa nói về một con người mà cả tôi và thầy mới gặp lần đầu. Các nhà sư biết rất nhiều, nhưng họ ít nói.
Một lần ăn cơm chay với nhà sư ở chùa Tứ Liên cùng với một nhà báo mà tên tuổi nhiều người biết tới. Nhà báo đó hỏi sư thầy: "Thầy có biết được tương lai của tôi không?". Sư thầy nói: "Mùa thu năm nay anh có đại tang. Mùa thu năm sau, anh có nhà mới. Và mùa thu năm sau nữa, anh thay đổi hoàn toàn về thân phận".
Và quả đúng như vậy. Mùa thu năm đó mẹ của nhà báo này mất. Mùa thu năm sau, anh xây được ngôi nhà mới khá đẹp. Rồi mùa thu năm sau nữa, anh bị bắt và phải ngồi tù.
Tối hôm đó khi về khách sạn, Võ Hoàng Yên nói với tôi: "Cái ông bạn vốn là dân giang hồ ta gặp hôm nay đang muốn hoàn lương. Và chúng ta cần phải giúp đỡ ông ấy. Bác không phải tìm kiếm ông ta đâu. Nhất định ông ấy sẽ gọi lại cho bác vào ngày mai”.
Gần tối ngày hôm sau, tôi vẫn chưa thấy người đàn ông kia gọi lại. Nhưng khi bữa cơm cuối ngày của tôi vừa dọn ra thì điện thoại của tôi rung chuông: "Em là Tám, người vừa gặp bác tối hôm qua đây. Nếu bác không bận thì đến nhà hàng Thế giới bia uống với em".
Nhớ lời Võ Hoàng Yên, tôi đến ngay. Chúng tôi chạm cốc và trò chuyện thoải mái. Ông Tám nói: "Bây giờ bác mới biết em, còn em thì biết bác từ ngày 21- 7 cơ. Hôm ấy, em cũng có mặt ở Vân Đồn. Em thấy bác liên tục lau mồ hôi cho thầy Yên. Bệnh nhân nhờ thầy rất nhiều nhưng không ai biết làm như bác cả.
Cũng không nên trách họ. Người ta lo phục vụ cho người nhà của họ đã hết cả hơi rồi. Bệnh nhân của thầy Yên toàn loại đặc biệt, không đi được, không ngồi được, không nghe nói được. Còn con trai bác thì nhẹ hơn và thầy Yên chữa khỏi rất nhanh.
Tôi cũng đã đưa một đứa cháu gọi tôi bằng bác ruột xuống Vân Đồn nhờ thầy Yên chữa. Thầy đặt 1 ngón tay trỏ vào tai cháu và nói ngay: "Vĩnh viễn cháu không nghe, không nói được, đừng chạy chữa nữa mà tốn tiền, vì vách tai giữa của cháu không đầy đủ".
"Cháu tôi không được chữa khỏi mà tôi vẫn khâm phục thầy Yên. Chỉ khám bằng một ngón tay thôi mà nói rất chính xác, vì về Hà Nội tôi đã đưa cháu đi chụp cộng hưởng từ và quả là vách tai giữa của cháu không đầy đủ. Từ đấy tôi hay đi xem thầy Yên chữa bệnh. Chỉ đi xem thôi, không nhờ thầy chữa cho ai cả. Tôi biết thầy rất nhiều. Nhưng có lẽ thầy không biết tôi".
Tôi nói ngay với ông Tám rằng thầy Yên nói ông vốn là dân giang hồ, vào tù ra tội, nếu kiếp trước không tốt thì đã chết từ lâu rồi". Ông Tám tròn xoe mắt kinh ngạc. "Bác không nói dối tôi đấy chứ? Đúng tôi là dân giang hồ, đã ngồi tù 72 tháng và sau đó đã nhận án tử hình nhưng rồi lại được trắng án. Nếu đúng thế thì thầy Yên không chỉ có tài chữa bệnh mà còn có con mắt nhìn xuyên suốt thời gian".
Tôi nói với ông Tám về quá khứ của Võ Hoàng Yên, về tuổi thơ của thầy Yên, về quá trình khổ tu, khổ luyện của thầy. Tám nói với tôi: "Bác nhiều tuổi hơn em, xin đừng gọi em bằng ông. Bác cứ coi em là một thằng em trai của bác, có được không? Còn với Võ Hoàng Yên, khi gặp lại, xin bác nói với thầy Yên rằng: "Em muốn kết bạn với thầy Yên - một người bạn trong tim. Các cụ ngày xưa gọi là tâm bạn".
Tôi cho Tám số máy của Võ Hoàng Yên. Và trước mặt tôi, hai người đã liên lạc với nhau. Khi Tám bấm máy gọi Võ Hoàng Yên thì tôi nghe rất rõ cái giọng Bình Thuận của thầy Yên: "Xin chào bạn! Tôi là Võ Hoàng Yên đây!". Tám mở một chai bia nữa và chạm cốc với tôi: "Tuyệt vời! Hôm nay anh phải uống để mừng cho em".
Còn tiếp…
TheoHoàng Khánh(Báo Gia đình và Cuộc sống)
Bình luận