Những thất bại liên tiếp của bắn cung và marathon nữ trong 2 ngày trước đó khiến “cơn khát vàng” của thể thao Việt Nam lên cao hơn bao giờ hết. Trên bảng tổng sắp sau ngày 19/8, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chưa có HCV nào. Ở phía trên, Malaysia đã có 7 HCV, con số tương tự của Singapore và Thái Lan là 3 HCV.
Kỳ vọng và cả áp lực, vì thế, dồn hết lên vai cô gái vàng wushu Dương Thúy Vi. Bản thân Thúy Vi là người mang về HCV đầu tiên cho Việt Nam ở nội dung thương thuật tại SEA Games 2013. Tới ASIAD 2014, cô tiếp tục “mở hàng” với HCV nội dung biểu diễn thương thuật và kiếm thuật. Đó cũng là tấm HCV duy nhất của thể thao Việt Nam ở Incheon năm ấy.
Trở lại với nội dung kiếm thuật sáng nay, Thúy Vi thi đấu ở vị trí số 8 trong khi VĐV chủ nhà Eyin Phoon (Malaysia) thi đấu ở vị trí số 5. Sau lượt đấu của mình, Phoon giành được 9,63 điểm. Mức điểm ấy thực sự rất cao trong bối cảnh wushu là môn biểu diễn, mang nặng cảm tính của trọng tài còn Eyin Phoon là VĐV chủ nhà.
Nhưng vượt qua tất cả những khó khăn, Thúy Vi đã bước vào phần thi của mình với sự tự tin cao độ. Những động tác bật nhảy và xoay vòng trên không của cô được thực hiện ở đẳng cấp cao. Dù có muốn thiên vị chủ nhà, các trọng tài cũng không thể làm gì khác. Thúy Vi giành tấm HCV xứng đáng với 9,67 điểm.
Theo đánh giá của ban huấn luyện, mức chênh lệch 0,04 điểm là “không hề đơn giản” khi đối thủ trực tiếp của Thúy Vi là VĐV nước chủ nhà đang rất khát khao vô địch.
Sau 5 năm, Thúy Vi đã có 3 lần “mở hàng” cho thể thao Việt Nam trên bục cao nhất của những giải đấu tầm khu vực và châu lục. Chiến thắng của Thúy Vi đã được ban huấn luyện dự báo từ trước khi cô gái vàng của wushu Việt Nam đã luôn áp đảo các đối thủ ở nhiều giải đấu trong quá khứ. Ở phạm vi châu Á, Thúy Vi chỉ ngại các VĐV Trung Quốc.
Ít người biết rằng những chiến tích của Thúy Vi được thực hiện khi cô vẫn mang trên mình nhiều chấn thương trong suốt những năm qua. Võ sĩ sinh năm 1993 vốn không có thể chất tốt từ nhỏ. Cô sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ học với bố là võ sư Thiếu Lâm Dương Văn Thắng, mẹ Nguyễn Thị Hoa theo tập Vịnh Xuân Quyền. Là con nhà võ từ trong trứng, Thúy Vi được cho học võ một phần nhằm nâng cao sức khỏe.
Video: Màn biểu diễn xuất sắc của Thúy Vi
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Thúy Vi có lẽ là năm 2008. Trong một lần biểu diễn, cô bị trật cổ chân nhưng vẫn cố hoàn thành bài thi. Sau khi hết bài, cô không đi được nữa mà phải nhờ đồng đội bế ra.
Thành quả ngọt ngào hôm nay của Thúy Vi là kết quả sau một quá trình khổ luyện không ngừng. Sáng 20/8, các khán giả khó tính nhất của nước chủ nhà cũng đã phải dành cho Thúy Vi những tràng vỗ tay.
Bình luận