Chiều 10/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nêu một số lý do cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ này, trong đó có sự thay đổi về nhu cầu sử dụng đất sau khi Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách về tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, các chính sách cũng đẩy mạnh việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, trong đó nhiều dự án nằm ngoài danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Các dự án có thể kể đến như: Vành đai 4 Thủ đô, Vành đai 3 TP.HCM, một số dự án đường cao tốc, quốc lộ trong phạm vi cả nước.
"Trung ương Đảng cũng đã cho chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với quy mô sử dụng đất khoảng 10.827 ha (dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) dẫn đến làm tăng nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia", ông Lê Minh Ngân nói.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, nhiều địa phương đề xuất nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 có sự tăng, giảm khá lớn so với chỉ tiêu đã được phân bổ, cho thấy sự cần thiết phải điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đối với một số loại đất và phân bổ cho các địa phương.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban cho rằng, vừa qua, việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố kinh tế và xã hội như diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, xung đột quân sự ở một số khu vực trên thế giới, sự biến động của nền kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh.
Cơ quan thẩm tra nhận định, đây là những nguyên nhân khách quan tác động đến kết quả thực hiện Nghị quyết số 39 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025. Bên cạnh đó vẫn có một số nguyên nhân chủ quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Do đó, đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá toàn diện, làm rõ hơn nữa nguyên nhân, đề xuất giải pháp để cải thiện hiệu quả thực hiện quy hoạch này.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ, trường hợp Quốc hội quyết định điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì có bao nhiêu quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia hoặc các quy hoạch khác liên quan phải thực hiện điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ và tác động của việc điều chỉnh. Đồng thời tiếp tục rà soát, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất nhằm bảo đảm sát với nhu cầu thực tiễn.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, chỉ cần Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam thì chỉ tiêu đất giao thông sẽ tăng lên nhiều, chắc chắn không thể lấy đất nào khác ngoài 3,5 triệu ha đất nông nghệp và 15,6 triệu ha đất lâm nghiệp.
"Đã đến lúc cần điều chỉnh chỉ tiêu đất nông nghiệp, nhưng phải nghiên cứu rất kỹ nên giữ bao nhiêu, ở đâu cần giữ, phân bổ thế nào để đảm bảo an ninh lương thực", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Bình luận