Mấy ngày nay, trên các trang mạng xã hội về đường sắt, người lao động “hóng” từng tin tức thay đổi kế hoạch, lịch trình chạy tàu, nhất là tàu khách tuyến Bắc - Nam. Nguyên do cả tuần nay, mưa lũ khu vực miền Trung làm ngập nặng nhiều đoạn đường sắt khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, nhiều vị trí bị sạt lở, trôi đá nền đường, không thể chạy tàu.
Vì biểu đồ, hành trình các tàu bị xô lệch nên tất cả nghe ngóng từng giờ, từng phút xem liệu nước có rút không, đường có khắc phục được không, đã thông đường chưa, tàu có qua được không?
Các nhà ga trông ngóng khi nào tàu về để thông báo cho khách đang vạ vật chờ tàu tại ga vì đã chậm nhiều giờ. Nhân viên gác chắn ngóng khi nào tàu qua vì thời gian thay đổi so với kế hoạch thường lệ, chỉ một chút lơ là sẽ dẫn đến nguy cơ tai nạn.
Nhưng nóng ruột hơn cả là những nhân viên phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga. Tàu đang đi lo gặp ách tắc vì mưa ngập, phải nằm chờ khu gian hoặc các ga dọc đường, khi đó sẽ phải đợi nước rút, thông đường hoặc đợi lệnh chuyển tải.
Tàu chưa đi thì lo ngành quyết định dừng chạy tàu, trả vé hành khách, nghĩa là lại không có việc, lại giảm thu nhập. Đó là chưa kể tàu dừng dọc đường, phải chuyển tải, nhân viên trên tàu, dưới ga rất vất vả, ngành sẽ tốn kém nhiều chi phí phát sinh, nào thực phẩm phát miễn phí cho khách trong khi chờ đường, nào tiền thuê ô tô chuyển tải…
Đường sắt vừa trải qua hai đợt “bão” Covid-19, sản lượng vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng. Vận tải khách tuyến Bắc - Nam vừa khôi phục khoảng một tháng nay nhưng cũng chưa khôi phục hoàn toàn thì lại “dính” mưa lũ.
Rất nhiều người bày tỏ lo lắng: “Hết dịch lại gặp mưa lũ, đường sắt phải làm sao đây?”, “Đường sắt ngập cầu, ngập đường ray, không đi được nhưng đường bộ vẫn đi được bình thường thì đường sắt lại khổ rồi, khách bỏ hết”...
Dẫu vậy, các thành viên vẫn chia sẻ những hình ảnh nhân viên đường sắt không quản mưa gió, đêm hôm, hỗ trợ hành khách chuyển tải từ tàu lên ô tô, rồi lại từ ô tô lên tàu để tiếp tục hành trình một cách nhanh chóng, an toàn. Người giúp mang vác hành lý lỉnh kỉnh, người giúp bế con nhỏ, nâng đỡ người già...
Tất cả như động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn, phục vụ hành khách chu đáo để hành khách thông cảm, để hy vọng thiên tai qua nhanh, khách sẽ lại yên tâm chọn tàu hỏa cho những hành trình tiếp theo.
Bình luận