• Zalo

Đường được xây bằng tiền thuế, vì sao dân vẫn bị thu phí khi đi qua?

Thời sựThứ Ba, 31/05/2016 16:04:00 +07:00Google News

Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải - trả lời câu hỏi tại sao đường do nhà nước đầu tư bằng tiền thuế của dân mà lại bị thu phí khi đi qua.

Tại Chương trình tọa đàm, giao lưu trực tuyến "Chính sách, pháp luật và hiệu quả từ các dự án BOT", ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã trả lời câu hỏi của Nhà báo Trần Đăng Tuấn về việc tại sao đường do nhà nước đầu tư bằng tiền thuế của dân mà lại bị thu phí khi đi qua.

Theo ông Trường, sở dĩ có hiện tượng này vì đó là những tuyến đường được nâng cấp từ các tuyến quốc lộ hiện có.

Ông Trường lấy ví dụ tại sao tuyến quốc lộ 5 vẫn thu phí khi cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã đi vào hoạt động và thu phí.

Thứ trưởng Bộ GTVT lý giải, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được làm mới hoàn toàn, đường 5 cũ thì xuống cấp hết sức nghiêm trọng nhưng lượng xe đi rất lớn, mà ngân sách nhà nước để đầu tư cho đường này không có, làm mới cũng không có.

hong-truong-300511116-489a2

Ông Trường giải thích lý do vì sao đường 5 cũ vẫn bị thu phí khi lưu thông. Ảnh Báo ĐBND

Do đó, chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ là nâng cấp đường 5 cũng bằng hình thức BOT và đã được chính phủ và đặc biệt là 2 tỉnh Hưng Yên và Hải Phòng hết sức đồng tình.

Như vậy, 2 dự án BOT này khác nhau về mặt chủ trương. Một bên là xây dựng mới, một bên là nâng cấp.

Như vậy đối với đường cao tốc thì thu phí là do nhà đầu tư quyết định mức phí, tất nhiên mức phí do Bộ Tài chính quy định mức trần hiện nay là 2.000 đồng/km, còn thu dưới mức trần bao nhiêu là do nhà đầu tư quyết định. Thu phí đối với quốc lộ 5 là hoàn toàn do Bộ Tài chính quyết định mức phí căn cứ vào mức thu nhập bình quân của người dân tại thời điểm hiện nay.

Một lý do về việc thu phí ở tuyến đường quốc lộ cũ được ông Trường đưa ra là không có tiền để nâng cấp, mở rộng trên tuyến đường cũ. Hơn nữa trên mặt bằng cũ không thể mở rộng thì buộc lòng phải xây dựng một tuyến mới bên cạnh để thu phí.

Theo như cách nói của ông Trường có thể hiểu rằng, chi phí thu được sẽ dùng để làm đường mới và nâng cấp đường cũ. Do đó mới có việc, quốc lộ cũ vẫn thu phí như vậy.

Hãy rõ ràng, sòng phẳng với dân

Câu trả lời của ông Trường xem ra vẫn chưa thuyết phục được Nhà báo Trần Đăng Tuấn. Sau khi nghe câu trả lời, ông Tuấn lập tức đã có những phản biện.

Ông Tuấn lo ngại việc nhà nước hết vốn không có đủ ngân sách đầu tư sẽ dẫn đến tình trạng BOT hóa các tuyến đường. Khi dự án BOT này vừa hết, thì có thể đường lại xuống cấp, lại cần nâng cấp sửa chữa và viễn cảnh 1 dự án BOT vừa hết hạn thì người dân lại có thể 'cõng' ngay 1 BOT khác.

“Vì vậy, viễn cảnh hết BOT là một viễn cảnh xa. Tôi nghĩ rằng, BOT ở nước ngoài, người ta cung cấp một dịch vụ cao hơn, nhưng dường như BOT ở nước ta đang cáng đáng cả hai chức năng, một chức năng là cung cấp dịch vụ cao hơn; nhưng đồng thời lại cáng đáng việc nhà nước không có tiền để làm nghĩa vụ thông thường của nhà nước là bảo đảm có những con đường bình thường để cho dân đi.

Rất nhiều người dân thắc mắc dường như đang có sự lẫn lộn giữa bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì nâng cấp và câu chuyện làm một giá trị mới để người dân được hưởng.

Có người dân nói với tôi là đi từ Quảng Trị ra Hà Nội mất chi phí là 1,2 triệu đồng, cao hơn trước rất nhiều, kể cả cầu, kể cả đường. Như vậy, bây giờ mức độ trả đã bằng hoặc cao hơn xăng, đấy là tôi nói là xe thông thường chúng ta đi xe ô tô con, mà xăng đã là một bộ phận cấu thành trong phí giao thông rất nhiều, mà bây giờ thêm một cái loại như thế thì chúng ta không thể nói rằng phí đó không phải gánh nặng nữa, nó là gánh nặng thực sự” – ông Tuấn nói.

Về các dự án BOT, ông Tuấn đánh giá cách làm hiện nay chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân: “Nếu như xuất phát từ chỗ cái bí của nhà nước không có tiền, thì đây không chỉ là vấn đề của Bộ Giao thông đâu, đây là vấn đề của Chính phủ, của nhà nước.

Hãy nói rõ ràng, sòng phẳng với dân là nhà nước chỉ có bằng này tiền, phải ưu tiên làm an sinh xã hội, làm an ninh quốc phòng, Nhà nước lẽ ra phải bảo đảm như thế này, nhưng chỉ có chừng này tiền để chi cho giao thông trong giai đoạn này. Và cái số tiền đấy để mà bảo trì cái gì, bảo trì quốc lộ này, quốc lộ kia. Còn một số công trình, kể cả quốc lộ 1, nhà nước không thể làm được, nhà nước xin phép nhân dân, cái đó nhân dân phải đóng góp thêm. Rõ ràng, sự minh bạch này phải bắt đầu ở tầm cao hơn, tầm quốc gia, khi đó mới tạo ra đồng thuận.”

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn