Còn nhớ cách đây 4 năm, vào năm 2013, sau rất nhiều tranh luận, chị em hoan hỉ đón nhận cái tin Luật Lao động được sửa đổi, cho phép lao động nữ nghỉ thai sản 6 tháng. Trước đó, theo luật cũ, những người mẹ chỉ được nghỉ 4 tháng mà thôi. Tôi nhớ rất rõ bởi 2013 cũng là năm tôi sinh bé đầu tiên. Lúc đó nghe được tin này mừng như bắt được vàng. Với mỗi người mẹ, không có bất cứ điều gì quan trọng hơn con. Mỗi giây, mỗi phút được ở bên con đều là niềm hạnh phúc.
Ấy thế mà vẫn có những bà mẹ, dù được nghỉ 6 tháng, nhưng chấp nhận đi làm sớm 2 tháng chỉ để kiếm thêm 2 tháng lương. Tôi không hiểu tiền quan trọng hơn hay con quan trọng hơn. Vẫn biết rằng có thực mới vực được đạo, tôi biết tiền lúc nào cũng là cần thiết, không có tiền việc nuôi con sẽ là trăm ngàn nỗi vất vả.
Nhưng các mẹ ơi, chúng ta có thời gian nửa cuộc đời để kiếm tiền, nhưng chỉ chỉ có 6 tháng ngắn ngủi được ở bên con hoàn toàn mà thôi. Đó cũng là 6 tháng quan trọng nhất trong chặng đường phát triển của con, là 6 tháng tiền đề để sau này con có thể lớn lên khỏe mạnh và thông minh.
Đó cũng là 6 tháng vun đắp tình cảm, vun đắp sợi dây liên kết giữa mẹ và con. Khoảng thời gian đó cũng là lúc trẻ yếu đuối nhất, thường xuyên ốm nhất và cần có sự chở che, những cái ôm và cả bầu sữa mẹ.
Đáng ra con sẽ được bú mẹ hoàn toàn trong suốt 6 tháng, nhưng chỉ vì 2 tháng lương, mẹ bỏ con ở nhà để đi làm. Rồi cơ thể suy nhược, mệt mỏi, mẹ buồn vì mất sữa, con khóc vì đói sữa. Tôi có cô bạn, cũng chỉ vì tham 2 tháng lương nên đi làm lại từ khi con mới được 4 tháng.
Cô bạn ấy nói với tôi rằng: "Ở nhà cũng chỉ quanh quẩn cho con bú, rồi thay tã. Giờ có bà nội trông giúp rồi, đi làm sớm kiếm thêm được ít nào hay ít nấy. Sữa thì tranh thủ trưa về cho bú 1 cữ, tối về lại bú tiếp, con vẫn ổn". Ấy thế nhưng vì đi làm sớm, cơ thể mẹ chưa hồi phục đủ, lại thêm áp lực công việc, lại chạy đi chạy về liên tục nên chẳng mấy chốc người mẹ ấy cũng kiệt sức và suy nhược.
Đi làm được 3 tuần tôi thấy cô ấy đăng lên facebook kêu than về việc mất sữa và khóc lóc vì từ nay con chẳng còn được bú mẹ. Lúc ấy thương thì có thương nhưng tôi thấy đáng trách nhiều hơn. Nếu đã thương con thế sao lại nỡ để con ở nhà chỉ để kiếm thêm 2 tháng lương? Tiền lương 2 tháng cũng là một khoản kha khá, nhưng chẳng thể nào sánh được 2 tháng của cuộc đời con.
Buồn cười nhất là nhiều mẹ, nhà nước cho nghỉ 6 tháng, nhưng cứ nhất quyết đi làm từ sớm rồi lại than thở mệt mỏi, than mất sữa rồi thương con, nhớ con. Rõ là được nghỉ nhưng lại thích mua việc vào người, sao phải tự làm khổ mình, làm khổ con như vậy để rồi lại kêu? Đâu có ai bắt ép mẹ phải đi làm?
6 tháng đầu đời, thể trạng con còn rất yếu, trái nắng trở trời có thể đổ bệnh ngay. Mà trẻ nhỏ diễn tiến bệnh rất nhanh, hôm trước mới hắt hơi, sổ mũi, ho hắng một chút thì ngay hôm sau đã có thể thành viêm phế quản, viêm phổi rồi. Những lúc như vậy điều con cần nhất là có mẹ ở bên.
Bởi không ai hiểu rõ thể trạng của con hơn mẹ. Giao con cho người khác, cho dù có là bà nội, bà ngoại đi nữa thì cũng không thể bằng tự tay mình chăm con. Nhất lại là những tháng đầu đời quan trọng như vậy. Chưa kể giao con cho giúp việc hay bảo mẫu sao có thể chắc chắn được họ đối xử với con mình như thế nào.
Đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thôi kinh hãi sau khi xem đoạn clip ghi lại cảnh người giúp việc quăng quật, hành hạ em bé sơ sinh mới chỉ 2 tháng tuổi. Tôi không dám tưởng tượng nếu đó là con mình thì tôi sẽ thế nào nữa.
Video: Khi 'bố nhà người ta' chăm con
Tin tôi đi, không có 2 tháng lương đó, bạn sẽ khó khăn hơn một chút, ăn bớt ngon đi một chút, con dùng loại bỉm kém hơn một chút nhưng chắc chắn con vẫn sẽ hạnh phúc hơn, bởi con có mẹ ở bên, kề cận trong những bước đường phát triển quan trọng nhất. Có thêm 2 tháng lương con được dùng loại bỉm tốt hơn, mặc quần áo đẹp hơn hay uống loại sữa công thức đắt tiền hơn, nhưng chắc chắn những điều đó chẳng thể bù đắp được những tháng ngày thiếu vắng hơi ấm của mẹ.
Tiền quan trọng nhưng đừng bao giờ đánh đổi bằng những ngày tháng bên con. Bởi sau này dù bạn có hối hận, có muốn làm lại thì cũng không còn cơ hội nữa rồi.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
Bình luận