Người phát ngôn Sở Giao thông Vận tải Hawaii (HDT) Tim Sakahara xác nhận không còn ai sống sót sau tai nạn thảm khốc.
Chiếc máy bay gặp nạn khi đang chở nhóm hành khách thực hiện một chuyến nhảy dù. Theo My Suncoast, trong số 9 người thiệt mạng, 3 người là khách hàng, 6 người còn lại là thành viên của công ty nhảy dù. Tất cả đều thiệt mạng ngay tại hiện trường.
Theo lời kể của nhân chứng, có thể thân nhân các nạn nhân đã có mặt ở dưới đất để chứng kiến cảnh người thân thực hiện cú nhảy dù nhưng không may tai nạn xảy ra. Họ có thể đã phải chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc này.
Khi lính cứu hỏa tới sân bay Dillingham, chiếc máy bay đang bị nhấn chìm trong biển lửa. Hình ảnh được các nhân chứng cung cấp cho thấy khói từ đám cháy có thể quan sát từ cách đó rất xa. Sân bay Dillingham và 2 tuyến cao tốc trước sân bay này đã phải đóng cửa sau vụ tai nạn.
"Trong 40 năm làm lính cứu hỏa ở Hawaii, đây là sự cố máy bay thảm khốc nhất mà tôi từng chứng kiến", ông Manuel Neves, một quan chức cứu hỏa của Hawaii chia sẻ.
Trên Twitter tối 21/6, Thị trưởng Kirk Caldwell cho biết ông vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến vụ việc, đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình và bạn bè các nạn nhân.
Vụ tai nạn là một trong những tai nạn nghiêm trọng nhất với máy bay dân sự trong lịch sử hiện đại của Hawaii.
Tháng 12/1981, 11 người nhảy dù thiệt mạng sau khi chiếc Beechcraft hai động cơ chở họ gặp nạn gần Trân Châu Cảng. Nhóm người nhảy dù định lên kế hoạch nhảy dù xuống sân vận động Aloha.
Năm 1992, 2 người chết sau khi một chiếc máy bay du lịch cất cánh từ sân bay Hilo đâm vào khu vực đồi núi ở Haleakala.
Năm 1987, 8 người thiệt mạng sau khi một chiếc taxi không khí rơi xuống nước.
Mới nhất, năm 2016, một chiếc Cessna 182H bị rơi tại sân bay Port Allen trên đảo Kauai. Cùng năm đó, 2 máy bay trực thăng quân sự rơi xuống Haleiwa khiến 12 lính thủy đánh bộ thiệt mạng.
Bình luận