• Zalo

Dùng tiêm kích ép máy bay dân sự hạ cánh: Vì sao phương Tây giờ mới lên tiếng?

Tư liệuThứ Ba, 25/05/2021 14:50:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Những vụ tương tự như việc Belarus "ép" hạ cánh chuyến bay thương mại của nước khác để bắt người xảy ra không chỉ một lần.

Một số nước châu Âu và Mỹ lên án gay gắt Belarus vì đã "ép" hạ cánh chuyến bay của hãng Ryanair để bắt nhà báo đối lập Roman Protasevich, khẳng định đây là việc làm “chưa có tiền lệ”, “coi thường luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, những vụ việc tương tự đã từng xảy ra trên thế giới, mà các nước phương Tây không phản ứng như thế này. 

Dùng tiêm kích ép máy bay dân sự hạ cánh: Vì sao phương Tây giờ mới lên tiếng? - 1

Roman Protasevich. (Ảnh: AP)

4h30 sáng 10/10/2012, một máy bay chở khách Airbus A320 của hãng Syrian Air (Syria) trên đường bay từ Matxcơva (Nga) tới Damascus (Syria), đã bị máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ ép hạ cánh xuống sân bay Ankara. Thời điểm đó, máy bay đang bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Đen.

Máy bay Syria chở theo 35 hành khách (trong đó có 17 công dân Nga) và 2 thành viên phi hành đoàn. Lý do được phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là họ nghi ngờ Syria dùng máy bay này chở vũ khí từ Nga về Syria.

Sau khi máy bay hạ cánh, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ còng tay phi hành đoàn, khám xét và thu một số thùng hàng. Thổ Nhĩ Kỳ không cho biết cụ thể trong các thùng hàng có gì, tuy nhiên Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là Ahmet Davotoglu khẳng định: “Những thứ trong các thùng hàng này… chở trên 1 chuyến bay dân sự là không hợp pháp”.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ thì cho rằng các thùng hàng này chứa thiết bị liên lạc đa dụng, có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự, ngoài ra còn có cả phụ tùng tên lửa.

Syria khẳng định hàng bị thu giữ của họ chỉ là bộ đàm dân sự.

Dùng tiêm kích ép máy bay dân sự hạ cánh: Vì sao phương Tây giờ mới lên tiếng? - 2

Một máy bay chở khách của Syria phải hạ cánh xuống sân bay ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Anadolu Agency)

Sau khi bắt giữ người và thu giữ hàng, Thổ Nhĩ Kỳ để máy bay Syria tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, việc này làm Nga và Syria nổi giận.

Phía Nga cho biết hành động của Thổ Nhĩ Kỳ gây mất an toàn cho chuyến bay cũng như tính mạng các công dân của họ. Trong khi Nga đề xuất phải sử dụng cụm từ “cướp bóc hàng không” – “air pirates” để miêu tả hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, các nước châu Âu và Mỹ không nước nào đưa ra ý kiến phản đối.

Vụ việc khác xảy ra ngày 21/10/2016. An ninh chính quyền Ukraine khi đó buộc một máy bay chở khách của hãng hàng không quốc gia Belavia (Belarus) phải quay trở lại sân bay Kiev, khi đang bay từ Kiev tới Minsk.

Trong thông báo, Belavia cho biết: "Một máy bay Boeing 737-800, số đuôi EW-456PA, chuyến bay B2-840 từ Zhuliany (Kiev) tới Minsk đã bị buộc phải quay trở lại sân bay khởi hành. Có 136 hành khách trên máy bay".

Máy bay rời sân bay quốc tế Zhuliany lúc 15h25. Đến 15h36, "cách biên giới không phận Belarus 50 km, phi công máy bay nhận được lệnh của kiểm soát không lưu Kiev, một đơn vị của kiểm soát không lưu Ukraine, yêu cầu máy bay ngay lập tức quay lại Kiev. Không có lời giải thích nào được đưa ra. Họ còn đe dọa nếu không tuân lệnh thì sẽ điều máy bay chiến đấu".

Dùng tiêm kích ép máy bay dân sự hạ cánh: Vì sao phương Tây giờ mới lên tiếng? - 3

(Ảnh minh họa)

Sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Zhuliany lúc 15h55, các sĩ quan Ukraine bắt giữ 1 hành khách, là công dân Armenia, khỏi máy bay. Sau khi bơm nhiên liệu, máy bay rời đi lúc 16h37 và hạ cánh tại sân bay quốc tế Minsk lúc 17h33.

Theo cơ quan thông tấn Ukraine, máy bay của Belavia đã bị buộc phải quay lại Kiev vì một nhà hoạt động "chống Maidan" là Armen Martirosyan có mặt trên máy bay. Tuy nhiên, sau khi bắt giữ và thẩm vấn, ông Armen Martirosyan đã được phóng thích để trở về Minsk trên một chuyến bay khác vào đêm cùng ngày.

Ông Oleksandr Tkachuk, tham mưu trưởng lực lượng an ninh Ukraine trả lời phỏng vấn ngày 22/10/2016, cho biết họ đã ép máy bay của Belarus hạ cánh để đảm bảo "xác định bất kỳ mối đe dọa nào tới lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia của Ukraine". Ông Tkachuk cũng nhấn mạnh: Kiểm soát không lưu đã hành động đúng theo quyền hạn của họ và tuân thủ theo luật pháp hàng không dân dụng quốc tế.

Giống như vụ việc trước đó tại Thổ Nhĩ Kỳ, không một nước châu Âu nào hay Mỹ lên tiếng phản đối Ukraine vì hành động trên. Việc các nước buộc hạ cánh máy bay dân sự của quốc gia khác trong không phận của mình là đã có tiền lệ.

Tuy nhiên, chỉ có vụ việc lần này, phương Tây mới quan tâm và lên án gay gắt. Thậm chí ngay lập tức đưa ra lệnh trừng phạt đối với Belarus. Điều này đặt ra câu hỏi, vì sao châu Âu lại có sự quan tâm khác nhau đối với một vấn đề không mới như vậy?

Nhân vật bị Belarus bắt giữ theo cách đặc biệt nói trên - nhà báo Roman Protasevich được truyền thông phương Tây gọi là “nhà hoạt động đối lập”. Tuy nhiên, theo pháp luật Belarus, nhân vật này bị xếp vào danh sách khủng bố với những cáo buộc như tổ chức bạo loạn, công khai kêu gọi ám sát tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko cùng gia đình hay công khai địa chỉ nhà, số điện thoại của các cảnh sát chống bạo động Belarus để kêu gọi lực lượng bạo loạn trả thù.

Năm 2014, Roman Protasevich từng có mặt tại miền Đông Ukraine trong cuộc đụng độ giữa lực lượng quân chính phủ Ukraine trong chiến dịch “chống khủng bố” ATO và quân nổi dậy miền Đông (cộng hòa Donetsk và Lugansk). 

Tông Hùng
Bình luận
vtcnews.vn