Cuộc sống bận rộn và tẻ nhạt thường ngày sẽ trở nên nhiều màu sắc hơn, lãng mạn hơn khi chúng ta trao và nhận những bó hoa, những món quà. Khi đó, ta cảm nhận mình được yêu thương, trân trọng. Nhưng nếu ngoại trừ sinh nhật, 8/3 là ngày duy nhất trong năm chị em được nhận hoa, được đối xử như một nữ hoàng thì đó chỉ là thủ tục, là hình thức chứ không thực sự xuất phát từ trái tim. Tôi sẽ không hạnh phúc nếu chỉ nhận được có thế, sẽ không mãn nguyện, tự hào chụp ảnh khoe Facebook với ngầm ý rằng mình là người phụ nữ được chồng yêu thương.
Tôi biết rất nhiều người đàn ông quanh năm “bắt nạt” vợ bằng việc khoán hết mọi việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, báo hiếu cha mẹ, đối nội đối ngoại cho cô ấy với lý do đó là thiên chức của phụ nữ, “gái có chồng phải vậy”. Đến ngày 8/3, họ mua cho vợ bó hoa thật lớn, hoặc một món quà đắt tiền, và tự hào vì mình là người chồng tốt, rộng rãi, biết ghi nhận công lao của vợ. Ngày hôm đó, họ đưa vợ đi nhà hàng, hoặc tự vào bếp nấu ăn rồi sau đó rửa bát.
Nhưng hết 8/3, người vợ lại “trở về với thân phận osin của mình. Những thứ họ nhận được vào 8/3 hóa ra chỉ là phần thưởng cho sự ngoan ngoãn, “giữ đúng bổn phận” chứ đâu phải tôn vinh! Hãy từ chối những phần thưởng được ban theo cách đó, nếu bạn thực sự có tinh thần 8/3, ngày của quyền phụ nữ.
Ở những nước phát triển nơi phụ nữ thực sự được đối xử bình đẳng với nam giới, đàn ông không có lệ tặng hoa cho chị em vào 8/3 và chúc mừng rằng đây là ngày của họ. Một anh bạn tôi kể, hồi mới sang Mỹ tu nghiệp, anh từng tặng hoa 8/3 cho một cô bạn và bị từ chối. Cô ấy giải thích rằng cô không thiệt thòi hay thua kém đàn ông và không cần một ngày để tôn vinh; theo cô việc tặng hoa theo cách đó thể hiện sự bất bình đẳng.
Người bạn khác của tôi hiện định cư tại Đức cho biết, hồi ở Việt Nam và sống với chồng cũ, cô rất cảm động khi anh ấy làm thay cho vợ toàn bộ việc nhà trong ngày 8/3. Còn người chồng Đức hiện nay không làm thay vợ, mà coi chuyện nấu nướng, đi siêu thị, dọn dẹp, giặt giũ, trông con… cũng là phần việc của mình, ngày nào cũng vậy chứ chẳng riêng ngày nào. “Người Tây nói vui rằng nếu xếp theo địa vị thì số 1 là trẻ em, tiếp đến là phụ nữ, sau là chó rồi mới đến đàn ông, thế nên phụ nữ ở đây không cần một ngày nào để tôn vinh họ cả”, cô bạn tôi nói.
Tôi không phản đối chuyện “nịnh đầm” – làm phụ nữ vui lòng bằng những hành vi lãng mạn trong dịp đặc biệt nào đó. Nhưng nếu các quý ông tặng hoa cho người phụ nữ của mình ngày 8/3, xin đừng nghĩ rằng chỉ cần thế là “xong nhiệm vụ”, còn những ngày khác lại đẩy vợ xuống “chiếu dưới”, xem thường cô ấy, coi chuyện phụ nữ phải chịu thiệt thòi là đương nhiên. Như vậy thì ngày 8/3 có khác gì lớp đường mỏng bọc bên ngoài viên thuốc đắng đâu.
Tôi biết nhiều người đàn ông Việt chẳng bao giờ tặng vợ hoa hay món quà bọc giấy màu thắt nơ, cũng chẳng nói một lời chúc mừng 8/3. Tuy nhiên, các anh ấy luôn để ý cái xe máy của vợ đã đến lúc cần thay dầu, biết sự cáu bẳn của vợ hôm nay là do đến tháng nên vẫn cười hề hề nếu bị mắng oan và lấy cho cô ấy cái túi chườm nóng. Khi vợ bận nấu cơm, các anh ấy kèm con học, chơi với chúng hoặc lau nhà, gập quần áo… Cứ 365 ngày như vậy, chẳng nghi thức 8/3 hào nhoáng nào so sánh được đâu.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
Bình luận