• Zalo

Dựng rạp cưới giữa đường khác gì thỏa hiệp với thần chết

Ý kiếnThứ Năm, 24/11/2022 07:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc thông cảm, xuê xoa với nhau để tình trạng chiếm lòng đường làm rạp cưới tiếp tục tồn tại chính là thỏa hiệp với thần chết.

Nhiều năm nay, tấm bảng “nhà có việc, mời đi lối khác” đã quá quen thuộc với mọi người khi đi qua những con đường nhỏ, ngõ nhỏ trong khu dân cư nơi đang có đám cưới. Nhìn thấy nó, dù vội hay ức chế đến mấy, người ta cũng đành quay xe, vì chiếc rạp gần như chiếm trọn lòng đường, lối hẹp còn lại thành bãi gửi xe cho khách. Rất hiếm người lên tiếng phản đối, nếu ai cằn nhằn thì sẽ được nghe câu: “Đừng ích kỷ thế chứ, nhà ai chả có việc, cả đời mới cưới một hai lần, thông cảm cho nhau tí”. Cứ thế, lối đi chung ngang nhiên bị chiếm dụng làm của riêng; một nhà có việc khiến nhiều nhà khác lỡ việc.

Ở đường lớn, các rạp cưới không thể trưng biển “mời đi lối khác” nhưng cũng nằm chình ình giữa dòng người xe, có khi chiếm gần nửa lòng đường. Đang mùa cưới, tài xế đi qua các huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ cứ chạy một lát lại thấy một cái rạp như vậy, nhiều lúc hết hồn phanh gấp vì những vị khách sau bữa cỗ quên mất rằng họ bước ra khỏi rạp chính là bước ra đường.

Tài xế thót tim đã đành, người ngồi ăn cỗ trong những cái rạp cưới ấy cũng thấp thỏm không yên, chỉ sợ có bác tài vì lý do nào đó lạc mất tay lái mà lao vào, dù là xe máy hay ô tô thì cũng gây tai họa. Đây hoàn toàn không phải là sợ bóng sợ gió. Một clip được chia sẻ trên mạng xã hội mới đây khiến mọi người rùng mình khi chứng kiến cảnh chiếc xe container húc bay rạp đám cưới gần như chiếm trọn lòng đường tại cầu Mây (cầu vượt sông Kinh Môn nối huyện Kinh Môn với huyện Kim Thành, Hải Dương) đêm 9/9. Rất may, đây chỉ là chiếc rạp dựng sẵn, không có người phía trong.

Dựng rạp cưới giữa đường khác gì thỏa hiệp với thần chết - 1

Rạp được dựng chiếm gần trọn lòng đường.

Dựng rạp cưới giữa đường khác gì thỏa hiệp với thần chết - 2

Xe container húc bay cả rạp đám cưới ở Hải Dương.

Tháng 11/2015, truyền hình từng đưa tin về cái chết đau lòng của thiếu nữ 17 tuổi ở quận Thủ Đức, TP.HCM, khi chiếc xe cẩu do tránh xe máy đã đâm vào rạp cưới chiếm hết nửa đường Lê Thị Hoa. Ngoài cô gái trên, còn 5 người khác bị thương nặng. Cùng năm đó tại Quảng Bình có vụ xe tải đâm nát đầu xe khách do tránh rạp cưới.

Rõ ràng, việc dựng rạp cưới giữa đường cực kỳ nguy hiểm. Nhưng với thói tùy tiện thích gì làm nấy, coi không gian công cộng trước cửa nhà mình cũng là của riêng mình, bao nhiêu gia đình vẫn bất chấp, chiếm lòng đường dựng rạp khi nhà có việc. Còn cộng đồng, với tính duy tình, cả nể, cũng luôn tặc lưỡi bỏ qua. Hàng xóm láng giềng thông cảm cho nhau hoặc người qua đường ngại phiền toái không lên tiếng đã đành, chính quyền, các lực lượng chức năng địa phương cũng để tình trạng này tồn tại hết năm này đến năm khác Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ quy định, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, và đám cưới không nằm trong các trường hợp đặc biệt được sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác.

Đã đến lúc phải kiên quyết, triệt để dẹp bỏ nạn dựng rạp ăn cỗ giữa đường. Việc thông cảm, xuê xoa với nhau để tình trạng này tiếp tục tồn tại chính là thỏa hiệp với thần chết, bởi ngoài nguy cơ tai nạn thì việc xe cứu hỏa, cứu thương bị ngăn trở hay giảm tốc độ cũng có thể khiến tính mạng ai đó bị đe dọa.

Cuộc sống hiện đại có nhiều cách để tổ chức tiệc cưới văn minh và an toàn khi nhà riêng không đủ rộng. Nếu không muốn hoặc không có điều kiện tổ chức ở khách sạn sang trọng, các gia đình có thể mượn hay thuê địa điểm ở nhà văn hóa, sân bóng, nhà hàng…  Từ bỏ tập quán xấu ngăn đường dựng rạp khi nhà có việc cũng là cách chúng ta học cách sống theo pháp luật và tôn trọng cộng đồng, điều thiết yếu của một xã hội phát triển, văn minh.  

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ quan điểm ở box bình luận bên dưới.

Phạm Văn
Bình luận
vtcnews.vn