Chiều tối 26/8, trời hết mưa to rồi nắng, hết nắng lại mưa lâm râm rồi tầm tã ngay đúng giờ chuyến bay của thầy trò HLV Hữu Thắng đáp xuống Tân Sơn Nhất. Quang cảnh thật phù hợp để chào đón U22 Việt Nam trở về từ SEA Games.
Như nhiều lần, khi xe chở cầu thủ đã lăn bánh, HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng là người rời sân bay cuối cùng trên xe riêng cùng lãnh đội. Nhưng dù yêu, ghét hay giữ một trạng thái trung lập nhất, bất cứ ai cũng cảm nhận được ông Thắng đang rất nhiều suy tư, và dường như đang muốn níu lại cái khoảnh khắc cuối cùng trên cương vị HLV trưởng U23 Việt Nam và Đội tuyển Quốc gia Việt Nam.
Bởi, chỉ tích tắc sau khi ông bước lên xe và đóng cánh cửa xe lại, toàn bộ hành trình của cá nhân ông với bóng đá Việt Nam, sẽ chính thức khép lại.
Một hành trình mà bản thân ông luôn phải chịu sự nghịch lý, từ vị trí của "một người giải cứu" cho thứ bóng đá thực dụng mà người tiền nhiệm để lại, cho tới là "một HLV chỉ biết tung quân HAGL là hết" để mong lối chơi đẹp mắt, hoa mỹ.
"Bóng đá mà, kết quả ra sao thì cuộc sống vẫn tiếp diễn", ông Thắng đã nói như thế trong câu trả lời phỏng vấn cuối cùng trên cương vị HLV trưởng.
Đúng vậy, dù Việt Nam có thua Thái Lan bao nhiêu trận đi nữa, đó cũng chỉ là bóng đá, cũng chỉ là một bộ môn ở SEA Games. Chẳng phải điền kinh mùa SEA Games 29 này, Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn Thái Lan đó sao.
Đừng lấy bóng đá ra để phán xét điều gì cả, nhất là về cá nhân. Thắng hay thua trong thể thao, là chuyện bình thường. Cái cúp vô địch chỉ có một, người mong muốn giành được nó lại rất nhiều. Bởi thế nên cứ sau khi kết thúc bất kỳ giải đấu, đội thua, người buồn nhiều hơn là đội thắng, người hân hoan.
Nhưng đây lại là chất kích thích để mọi người say mê, cuồng nhiệt với bóng đá hơn. Vì đó là động lực để chúng ta vẫn phải tiếp tục mong mỏi giành thứ quý giá nhất, để có được những cảm xúc lớn lao nhất.
Bóng đá sống được là nhờ cảm xúc, và bóng đá sẽ không phát triển nếu chúng ta bận dành cho nhau nhiều lời phán xử công - tội. Cũng giống như khi U20 Việt Nam làm nên kỳ tích dự World Cup U20, thay vì cổ vũ cho tương lai, họ lại bị chê bai "không ghi được bàn nào, đá toàn thua".
Cũng trong buổi tối U22 Việt Nam về nước, đằng sau sự náo nhiệt của dòng người, là hình ảnh Xuân Trường lặng lẽ đẩy chiếc xe lăn cho người đồng đội Duy Mạnh. "Trời ơi, Duy Mạnh kìa!", một câu cảm thán thốt lên từ một CĐV khi phát hiện thấy dáng cầu thủ quen thuộc trên chiếc xe lăn, lọt thỏm phía đằng sau đám đông.
Ai bảo cái nghề cầu thủ là sung sướng, suốt ngày được ngợi ca? Một Duy Mạnh không-huy-chương, nhận lấy những sự thờ ơ vì còn bận phán xét, khác xa so với hình ảnh có-huy-chương của huyền thoại Hồng Sơn - cũng chống nạng về nước sau khi giành HCĐ Tiger Cup 1996.
Và chắc cũng ít ai biết được rằng, với vấn đề ở sụn chêm, gân kheo gặp phải trong thời gian và từng di chuyển liên tục giữa Hà Nội - TP.HCM để chữa trị, Duy Mạnh về sau gần như sẽ giống với những vị tiền bối khác, cứ trái gió trở trời là những cơn đau lại quay về. Cơn đau này ai thấu cho?
SEA Games 29 năm 2017 tại Malaysia, chỉ là điểm kết thúc của một nhiệm kỳ HLV trưởng, giải đấu độ tuổi U22 cuối cùng của một lứa cầu thủ tài năng. SEA Games vẫn còn đó, 2 năm 1 lần, bóng đá Việt Nam vẫn còn một lứa cầu thủ (và cả HLV của lứa đó), rất đáng để chờ đợi.
Bình luận