• Zalo

Dùng nước rửa tay sát khuẩn không đảm bảo chất lượng dễ nhiễm Covid-19

Bệnh và thuốcThứ Tư, 12/02/2020 17:26:40 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo chuyên gia, sử dụng nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn không đảm bảo chất lượng sẽ dễ bị viêm da, kích ứng, dị ứng, thậm chí làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 (nCoV).

Covid-19 (nCoV) khiến nhu cầu nhu cầu sử dụng các sản phẩm vệ sinh như nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn… của người dân tăng cao. Nhiều cơ sở sản xuất làm giả, nhái lại các sản phẩm trên nhằm kiếm lời.

Theo các chuyên gia, đây là việc làm tiềm ẩn nhiều rủi ro với sức khỏe, đặc biệt là khiến người dùng dễ mắc các bệnh về da liễu, thậm chí là cả tăng nguy cơ nhiễm Covid-19.

Dùng nước rửa tay sát khuẩn không đảm bảo chất lượng dễ nhiễm Covid-19 - 1

Sử dụng nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn giả có thể làm tăng nguy cơ nhiễm virus Covid-19.

BSCK II. Bùi Quang Hào – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thành phần chính của dung dịch sát khuẩn hay nước rửa tay sát khuẩn gồm các chất có tính khử khuẩn cao như: ethanol, isopropanol, chlorhexidine…

Với những sản phẩm nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn đạt chất lượng, nồng độ cồn được xử lý chính xác và phù hợp, tránh làm đông vón lớp protein trên bề mặt vi khuẩn, virus mất tác dụng diệt khuẩn.

“Dung dịch đạt chuẩn sẽ diệt được phần lớn các vi sinh vật bám trên bề mặt da, không gây kích ứng da, giúp làm mềm da. Ngay cả có vô tình bị rơi, bắn vào mắt, những dung dịch này đều không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, với những sản phẩm hàng nhái, không đảm bảo chất lượng thì ngược lại”, BS Hào nói.

Theo BS Hào, khi sử dụng những dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay giả, do không có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn nên người dân sẽ dễ bị tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh, thậm chí là dễ nhiễm virus Covid-19 hơn.

Nếu dùng quá nhiều những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, người dùng dễ gặp những vấn đề về sức khỏe trực tiếp trên da như gây dị ứng, viêm da kích ứng hoặc tăng nguy cơ bị nhiễm độc khi vô tình dị dung dịch bắn vào mắt, mũi, miệng…

Vị chuyên gia về Kiểm soát chống nhiễm khuẩn cũng khẳng định, các dung dịch sát khuẩn đảm bảo chất lượng nói chung đều có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, virus (bao gồm cả Covid-19).

Do vậy, khi chọn lựa sử dụng, người dân nên chọn lựa những sản phẩm của những hãng có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định và cấp phép của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).

Bên cạnh rửa tay, đeo khẩu trang, mọi người cũng nên thường xuyên lau chùi vệ sinh các bề mặt nhà cửa như cầu thang, tay nắm cửa, mặt bàn, điện thoại, máy tính… bằng dung dịch sát khuẩn để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Ngoài ra, người dân không nên quá lạm dụng dung dịch sát khuẩn, mà chỉ nên chà tay bằng dung dịch này khi không nhìn thấy vết bẩn bằng mắt thường. Còn với trường hợp vết bẩn có thể nhìn thấy, chỉ cần rửa tay bằng dung dịch rửa tay hoặc xà phòng diệt khuẩn là được.

Để phòng chống Covid-19 (nCoV), PGS.TS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh viện chỉ đạo các nhân viên y tế bệnh viện; các khoa, phòng tăng cường theo dõi, giám sát, phòng chống dịch, đặc biệt chú ý những bệnh nhân đến khám có biểu hiện ho, sốt cần được bố trí phòng cách ly kịp thời, chuẩn bị sẵn phương tiện vận chuyển bệnh nhân theo hướng dẫn của đường dây nóng của Bộ Y tế.

Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn: đeo khẩu trang, tăng cường vệ sinh tay cho cả nhân viên và bệnh nhân đến khám bệnh.

Bệnh viện cũng lập Đội phản ứng nhanh nội viện ứng phó với bệnh viêm phổi cấp gồm 24 người có nhiệm vụ triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, xử lý ban đầu các ca bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; báo cáo ca bệnh viêm phổi cấp phát hiện tại bệnh viện.

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam (Bộ Y tế), tính đến 16h ngày 12/2, thế giới ghi nhận 45.171 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid - 19 (nCoV) gây ra.

Trong đó 1.115 người chết (1.113 người Trung Quốc, 1 người chết tại Phillippines, 1 người ở Hong Kong). Riêng Trung Quốc có 44.653 trường hợp nhiễm bệnh tại 30/31 tỉnh, thành phố.

Ngoài quốc gia này, thế giới cũng ghi nhận 466 trường hợp nhiễm virus corona tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Nhật Bản (203), Singapore (47), Hong Kong (429), Thái Lan (33), Hàn Quốc (28), Đài Loan (18), Malaysia (18), Đức (16), Australia (15), Việt Nam (15), Mỹ (13), Pháp (11), Macau (10), Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (8), Canada (7), Anh (8), Ấn Độ (3), Philippines (3), Italy (3), Nga (2), Tây Ban Nha (2), Nepal (1), Sri Lanka (1), Phần Lan (1), Campuchia (1), Thụy Điển (1), Bỉ (1).

Việt Nam có 15 người dương tính với nCoV, gồm: 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện); 6 người Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (4 người đã khỏi); 5 người Việt Nam có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV (1 người đã khỏi và xuất viện)

Bên cạnh đó còn 1 người Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc và bé gái 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc phát hiện hôm qua 11/2.

 

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn