‘Đừng lo nợ công, nên đầu tư sân bay Long Thành càng sớm càng tốt'

Thời sựThứ Ba, 28/10/2014 07:20:00 +07:00

(VTC News) – Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Văn Quý cho rằng không nên lo lắng quá về nợ công và cần đầu tư sân bay Long Thành càng sớm càng tốt.

(VTC News) – Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Văn Quý cho rằng không nên lo lắng quá về nợ công và cần đầu tư sân bay Long Thành càng sớm càng tốt.

Sáng mai (29/10), Bộ trưởng Giao thông Vận tải  Đinh La Thăng sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Mặc dù đây vẫn còn là một dự án ‘tiền khả thi’ nhưng ý kiến nhiều ĐBQH đã bày tỏ lo ngại về sự ‘vung tay quá trán’ trong đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh nợ công đang ở mức đáng báo động hiện nay.

“Vẫn biết đây là dự án cần thiết nhưng đầu tư vào thời điểm này là không phù hợp. Chúng ta đang bội chi ngân sách, nợ công tăng cao, tiền không đủ để tăng lương đúng lộ trình thì không nên mạnh tay đầu tư sân bay Long Thành vào thời điểm này. Tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc trước khi quyết định thông qua”, ĐBQH Huỳnh Nghĩa phát biểu trong phiên họp tổ ngày 21/10.

Ý kiến của đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng là ý kiến của nhiều đại biểu khác tại phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.
Phối cảnh sân bay Long Thành 

Tuy nhiên, dưới góc nhìn khác, ĐBQH Phan Văn Quý - Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội lại cho rằng, nếu chỉ vì lo ngại nợ công, vì tính toán quá chi tiết mà Quốc hội không thông qua dự án này thì sẽ quá trễ, sẽ lỡ mất cơ hội.

Trò chuyện với PV phóng viên VTC News bên lề phiên họp Quốc hội sáng nay, đại biểu Phan Văn Quý nhấn mạnh:

ĐBQH Phan Văn Quý (Ảnh HL)
Tôi nghĩ làm một dự án, đặc biệt là dự án lớn như sân bay Long thành thì rất cần thời gian. Cho nên thời điểm này Quốc hội nên đưa ra chủ trương. Sau đó để Chính phủ dựa vào thu nhập GDP,  vào tình hình nợ công để cân đối trên một bình diện tổng thể rồi đưa ra lộ trình triển khai cụ thể.


Kỳ họp này Quốc hội nên thông qua dự án sân bay Long Thành bởi vì nó rất cần thiết. Nếu chúng ta làm chậm thì nó sẽ mất cơ hội, sau này giá đền bù tăng lên, giá làm hạ tầng tăng thêm, đầu tư cũng sẽ tăng hơn.

Nếu bây giờ Quốc hội đi quá chi tiết, đặc biệt là liên quan đến nợ công mà ngại quyết định cái này thì mất cơ hội.

Riêng về vấn đề nợ công, khi phân tích phải thấy rằng, chủ yếu chúng ta nợ ODA với thời hạn hai ba chục năm, lãi suất chưa đầy 2%. Hiện chúng ta chưa phải trả. Còn một số nợ phát hành trái phiếu Chính phủ thì nằm trong tầm tay.

Nợ công của nước ta hiện chiếm khoảng 65% GDP. Nhiều nước còn hơn 100%, thậm chí hơn 200% như Nhật Bản. Chúng ta còn cân đối nguồn trả nợ được thì chưa có gì đáng lo.

Một đất nước đang phát triển như chúng ta không thể không đầu tư. Muốn phát triển phải có đầu tư nhưng để Chính phủ cân đối. Không thể đòi hỏi hài hòa tất cả các mục tiêu

- Bàn về vấn đề nợ công, nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề đáng lo ngại của nước ta hiện nay. Tại sao ông lại cho rằng nợ công không đáng ngại?


Vì phải nhìn xung quanh, hơn nữa phải đặt trong điều kiện đất nước mình, một đất nước đang phát triển mà không vay nợ thì lấy đâu ra đầu tư? Không có đầu tư thì làm sao có phát triển.

Cho nên đầu tư thì thực sự cần thiết, phải đi trước một bước. Đầu tư cho kinh tế phát triển đi trước một bước, sau đó có lợi nhuận ấy mới tạo ra lợi ích cho xã hội, mới có điều kiện để đầu tư cho vùng sâu vùng xa.

- Nhưng xây dựng sân bay Long Thành cần nguồn vốn rất lớn song thời điểm này chúng ta vẫn khá mơ hồ về các nguồn đầu tư. Theo ông, nếu đầu tư dự án này thì nên ưu tiên sử dụng nguồn vốn nào?


Tôi cho rằng nên đa dạng hóa nguồn vốn, có một phần cần thiết nhất của nhà nước vay vốn ODA để mà làm, nhưng có phần cho BOT. Anh nào làm được BOT thì nên giao hết, vì hình thức BOT rất hay, là để doanh nghiệp tự bỏ vốn, tự kinh doanh, tự chịu. Nhà nước chỉ cần quản lý tổng thể thôi.
 

Kỳ họp này Quốc hội nên thông qua dự án sân bay Long Thành bởi vì nó rất cần thiết. Nếu chúng ta làm chậm thì nó sẽ mất cơ hội, sau này giá đền bù tăng lên, giá làm hạ tầng tăng thêm, đầu tư cũng sẽ tăng hơn.
 


Gần đây các dự án của  Bộ GTVT phần lớn đều đầu tư theo hình thức BOT. Tôi thấy thích điều đó. Tôi thích vì vừa rồi Bộ GTVT đưa ra nhiều hướng phát triển.

Lâu nay chúng ta cứ kêu đường bộ chúng ta chóng xuống cấp, rồi hỏng nhiều, đầu tư lớn. Nhưng không ai đưa ra giải pháp.

Gần đây Bộ GTVT đưa ra giải pháp là phát triển đường thủy, phát triển đường sắt, dù hơi chậm một chút nhưng tôi thấy cần thiết.  Đường  sắt và đường thủy đều có cước phí rẻ nhất. Nếu phát triển đường thủy, đường sắt thì tự nhiên đường bộ giảm tải đi.

- Hình như ông đặt niềm tin khá lớn vào cách làm của Bộ GTVT hiện nay?

Tôi nói rồi, tôi rất thích cách làm của Bộ GTVT. Cách đây khoảng 2 tháng tôi có báo cáo với Bộ trưởng  GTVT Đinh La Tăng để đầu tư một cảng ở Bình Thuận với vốn đầu tư khoảng 2000 tỷ. Sau có 3 ngày thôi, tôi có văn bản ngay. 

Tôi rất thích sự đột phá của Bộ GTVT trong việc cải cách thủ tục hành chính. Tôi thấy  mình đâu cần bàn đâu xa, ở mỗi con người, mình phải cố gắng, mỗi doanh nghiệp phải cố gắng .

Thú thật, tôi rất sợ cái bệnh tâm lý. Trước đây chúng ta kinh doanh rất dễ, cứ có tiền là có lời. Nhưng giờ khác rồi. Mà xu thế của thế giới cũng thế. Nó phải kết hợp, liên kết, hợp tác, đủ các loại mới ra được lợi nhuận.

Lợi nhuận cũng không nhiều đâu, chỉ 15% là may lắm rồi. Chứ  như mình trước đây, một giai đoạn đầu tư ồ ạt vào chứng khoán, bất động sản, cứ bỏ vốn ra, thì thu lãi cả 50%, 100% mỗi năm. Bong bóng hết nên hậu quả nền kinh tế mới khó khăn thế này.

Lan Uyên
Bình luận
vtcnews.vn