Mấy hôm nay, mạng xã hội như điên cuồng với trào lưu “ra biển tìm kho báu” liên quan đến số tiền hơn 673 nghìn tỷ đồng mà bà Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn theo quyết định của tòa. Để thể hiện mình không lạc hậu với xu thế, cư dân mạng đua nhau đăng bài với những hình ảnh, dòng trạng thái liên quan đến cụm từ khóa này.
Rất nhiều người ngơ ngác vì mặc dù theo dõi phiên tòa, họ không hiểu tại sao số tiền đó lại được gọi là kho báu và nó liên quan gì đến biển. Hóa ra nguồn gốc của trào lưu này cực kỳ “trời ơi đất hỡi”, bắt đầu từ một clip chế đăng trên Facebook, trong đó hình ảnh bị cáo Trương Mỹ Lan được lồng với lời thoại hư cấu liên quan đến chuyện "giấu tiền ngoài biển".
Trò ăn theo này càng trở thành cao trào khi một tài khoản trên ứng dụng Threads đăng status với các tình tiết được phóng tác từ bộ truyện tranh nổi tiếng One Piece, trong đó tên hải tặc khét tiếng trước khi bị xử tử đã tiết lộ về kho báu vĩ đại nhất thế giới, khiến nhiều người kéo nhau ra biển để tìm. Bài đăng này khơi mào cho hàng loạt video chế khác về chủ đề “ra biển tìm kho báu 673 nghìn tỷ đồng”.
Mấy năm gần đây, mọi người đã quá quen với việc cư dân mạng bỗng nhiên “phát rồ” đua nhau đăng bài, ảnh, video ăn theo một từ khóa nào đó, tạo thành một trend ngắn ngày (thường chỉ diễn ra trong dăm ba ngày), nội dung vô cùng nhạt nhẽo, thậm chí xàm xí nhưng lại có hiệu ứng lan truyền cực mạnh do không ai muốn mình đứng ngoài trào lưu.
Tuy nhiên, khi con số 673 nghìn tỷ đồng liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan biến thành trend “ra biển đi tìm kho báu” mà nhà nhà, người người đua theo, tôi thấy kiểu đùa giỡn như vậy chẳng những nhảm nhí, vô bổ mà còn thực sự có vấn đề.
Ăn theo trào lưu một cách mù quáng, mọi người dễ mất đi sự tỉnh táo, có thể biến mình thành kẻ vi phạm pháp luật, tạo ra và lan truyền những thông tin sai sự thật. Những clip dùng công nghệ AI nhại tiếng bị cáo Trương Mỹ Lan để lồng lời thoại hư cấu với hình ảnh thật dễ gây nhầm tưởng đó là diễn biến thật tại phiên tòa. Rất nhiều người tưởng bị cáo này có tuyên bố trước tòa rằng đã giấu 673 nghìn tỷ đồng ngoài biển, rằng “thực tế” đó là tiền đề sinh ra trào lưu “ra biển tìm kho báu”. Nếu hậu quả của sự hiểu lầm đủ lớn, tác giả những clip chế này có nguy cơ bị phạt vì hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng.
Chưa kể, mải mê “đu trend”, người dùng mạng có thể click vào những game, những đường link giải trí liên quan đến cụm từ khóa đang “hot” do kẻ xấu lập nên nhằm “bẫy” những người thiếu tỉnh táo. Một khi bạn click vào hoặc đăng nhập để tham gia trò chơi, tội phạm mạng sẽ xâm nhập thiết bị điện tử của bạn và đánh cắp các thông tin cá nhân quan trọng. Ngoài chuyện mất hết tiền trong tài khoản, nạn nhân còn có thể bị kẻ xấu mạo danh thực hiện các hành vi phạm pháp.
Đừng quá tùy tiện hưởng ứng những trào lưu đùa giỡn trên mạng, chút cảm giác vui vẻ nhạt nhẽo, nông cạn và thoáng qua chẳng đủ bù cho những rắc rối, phiền toái có thể ập đến.
Đó là chưa kể trò đùa kiểu “ra khơi tìm kho báu” có hay ho gì đâu! Một tội phạm bị tuyên án tử hình vì gây thiệt hại quá lớn, 673 nghìn tỷ đồng là số tiền bà ta thiếu nợ xã hội, còn chưa thu hồi được, sao lại gọi là kho báu chứ. Cứ cười đùa một cách dễ dãi như vậy, trắng đen dễ đảo lộn, thị phi khó phân, nhìn chung chỉ có hại mà thôi.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
Bình luận