World Cup 2023 sẽ mở rộng số đội tham dự lên 32. Ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc là bộ tứ "chị đại", chưa kể Triều Tiên từng rất mạnh ở bóng đá nữ trước khi bị cấm thi đấu trong vài năm. Ngoài các đội mạnh ra, tuyển nữ Việt Nam cùng Thái Lan, Jordan, Myanmar hay Uzbekistan luôn nằm ở nhóm tranh chấp. Tuyển nữ Việt Nam từng ở rất gần giấc mơ World Cup khi thua Thái Lan ở trận play-off cho giải đấu năm 2015.
Giấc mơ ấy vẫn âm ỉ cháy và rất có thể trở thành hiện thực, nhưng để Quốc ca Việt Nam lần đầu được cất lên ở đấu trường World Cup nữ, bóng đá nữ rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Đó cũng là mong muốn của trưởng đoàn bóng đá nữ Dương Vũ Lâm trong cuộc trao đổi với VTC News.
Video: Thái Lan 0-1 Việt Nam
"Bóng đá nữ ngày xưa khó khăn thế nào thì bây giờ vẫn khó khăn thế ấy, các cầu thủ nữ phải động viên nhau vượt qua thôi, phận nữ nhi khổ đủ thứ. Song nói về tinh thần, phụ nữ Việt Nam luôn bất khuất, quật cường, có thế nào cũng chịu đựng được, điều này đúng với nhiều ngành nghề chứ không chỉ riêng bóng đá.
Để bóng đá phát triển, tất cả phải chung tay chung sức, chứ một vài người thì rất khó. Cần có cả xã hội và tất cả mọi người cùng chung tay, phải xã hội hoá bóng đá nữ.
Đây là quan điểm của xã hội, không chỉ Việt Nam đâu, mà thế giới người ta cũng thế. Đội trưởng tuyển Mỹ còn khiếu nại lên Liên đoàn bóng đá Mỹ vì không được đối xử công bằng. Trình độ cao như họ mà còn có những góc nhìn như vậy. Bóng đá nữ luôn không bằng bóng đá nam. Bóng đá là môn thể thao khoẻ khoắn, sức mạnh được dành cho nam giới, thế giới người ta cũng nghĩ vậy", ông Lâm chia sẻ.
Nhiều năm gắn bó với bóng đá nữ với tư cách trưởng đoàn, ông Lâm cho rằng bóng đá nữ, cũng giống bóng đá nam, cần được xã hội hoá và nhận sự đầu tư từ doanh nghiệp, thay vì làm "cục bộ" kiểu nhà nước và phó mặc nhiệm vụ cho một vài cá nhân hay tổ chức.
"Khi được đi ra nước ngoài tập huấn cùng đội tuyển, tôi cùng anh Chung (HLV Mai Đức Chung - PV) được tiếp cận với các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Jordan, Uzbekistan hay Hàn Quốc. Họ quan tâm và xây dựng đến bóng đá nữ nhiều hơn trước và ở mức độ cao.
Chúng ta phải tạo ra thế hệ mới, có nền tảng của sự phát triển, phải quay lại xem giải VĐQG, xem lại công tác đào tạo trẻ.
Tới đây, FIFA cho nhiều suất đá World Cup hơn. Việt Nam là nước có quyền mơ đến giấc mơ World Cup, nhưng rõ ràng, đến năm 2023 còn 4 năm nữa. Quãng thời gian không ngắn, không dài. Chúng ta phải tạo ra thế hệ mới, có nền tảng của sự phát triển, phải quay lại xem giải VĐQG, xem lại công tác đào tạo trẻ. Về đào tạo, trước giờ chúng ta chỉ "nuôi gà nòi" thôi.
Các đội bóng thuộc nhà nước giống thời bao cấp của bóng đá nam ngày xưa, điều này cản trở sự giao lưu và xã hội hoá. Một đội bóng phụ thuộc nhà nước do Sở TDTT quản lý. Thành tích đội bóng ảnh hưởng đến cái ghế của người lãnh đạo, quan tâm chỉ ở mức đó thôi. Lương bổng cầu thủ cũng giống cán bộ nhà nước thôi, ngoài Than Khoáng sản Việt Nam thuộc doanh nghiệp thì đỡ hơn, còn lại lương cầu thủ nữ thấp lắm", ông Lâm chia sẻ.
Giải VĐQG nữ có sự thay đổi về mặt số lượng đội tham dự trong thời gian qua, nhưng nhìn chung, chất lượng cầu thủ cũng như đội bóng chưa có sự đột phá. Bóng đá nữ cũng mới chứng kiến một trường hợp xuất ngoại của Trần Thị Hồng Nhung (sang Thái Lan thi đấu), như vậy là quá ít nếu muốn cầu thủ nữ Việt Nam có sự đột phá về khả năng.
"Phải xem là tiềm năng cầu thủ Việt Nam có đủ ra nước ngoài không. Chương Thị Kiều, Huỳnh Như, Tuyết Dung hay Hồng Nhung có thể ra nước ngoài thi đấu, nhưng cơ chế các CLB hiện nay đều thuộc nhà nước nên khó cho đi. Như ở các nước khác, CLB có cơ chế cho cầu thủ xuất ngoại, phải vậy thì cầu thủ mới có hướng phấn đấu.
Có ba nước bây giờ có khả năng tranh chấp với Việt Nam là Thái Lan, Uzbekistan và Jordan. Họ rất có thể vượt qua mình bởi họ làm bóng đá nữ tốt, sân bãi, ăn ở tốt, chỉ cần tổ chức lại giải nữ là ổn. Uzbekistan yêu cầu 14 đội CLB nam dự giải VĐQG phải có đội nữ, không có là phạt, giống như BTC V-League phạt các CLB không có đội trẻ.
Ở Nhật Bản, các đội J-League cũng có đội nữ. Không quá nhiều đội nữ, song thay đổi này tạo nguồn lực và cơ chế sẽ nhẹ hơn, không bị nhà nước hoá, có tính cạnh tranh. Tôi có hỏi thì họ nói là nuôi một đội nữ cũng giống nuôi đội U21 của mình thôi", ông Lâm phân tích. Sự vùng lên của các nước Trung và Tây Á sẽ khiến cuộc cạnh tranh bóng đá nữ châu Á khắc nghiệt hơn nhiều. Tuyển nữ Việt Nam sẽ tụt lại nếu đứng yên và tự hài lòng với hiện tại.
Thay đổi cơ chế sẽ tốt cho bóng đá hơn, hoặc có thể mời cầu thủ nước ngoài hoặc cầu thủ Việt kiều về. Nhưng họ về rồi họ có đá cho mình không. Chúng ta có đủ điều kiện để các em về và cống hiến không? Như tuyển Thái Lan có 2 cầu thủ Thái kiều ở giải nữ vừa rồi. Cầu thủ họ vừa to lớn, mạnh mẽ.
Cầu thủ mình nhỏ con, thông minh, có tinh thần thi đấu rất tốt, nhưng phải nâng lên trình độ cao hơn nữa thì phải có bệ phóng để các cầu thủ phát triển. Cũng phải xem lứa U19 này tốt không còn đôn lên.
Cầu thủ phải được hưởng chế độ dinh dưỡng, hệ thống y tế tốt, chứ như bây giờ các em đá để kêu gọi tinh thần là chính, lại rất dễ chấn thương", ông Lâm khẳng định.
World Cup 2023 không phải giấc mơ, mà đó là mục tiêu cần được tính đến, nhưng như HLV Mai Đức Chung chia sẻ thì "chỉ nghĩ trong đầu thôi là không đủ". Bóng đá nữ cần biến mục tiêu thành hành động, và để đạt được điều đó, các cô gái vàng cần sự chung tay của xã hội, cần được đầu tư nhiều hơn, có trọng điểm hơn. Các tuyển thủ nữ không thể cô độc bước đi trên hành trình mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Bình luận