Hà Nội 21h đêm, những hồi còi tàu xe inh ỏi vẫn chưa chịu dứt. Ánh đèn vàng vọt kéo bóng dáng hai người phụ nữ đổ dài, chênh vênh trên con đường lớn. Trời bắt đầu nổi gió cuốn bụi và lá cây mù mịt, những chiếc ô tô lao qua vun vút càng khiến cho không khí xung quanh trở nên hỗn loạn hơn.
Một người phụ nữ trung tuổi, tay khệ nệ bê túi hoa quả, ngay đằng sau đó, một người khác với đôi vai đang kĩu kịt quang gánh hối hả đi về phía cuối chợ Long Biên.
"Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ", bản nhạc "Bông hồng cài áo" tôi đã nghe đi, nghe lại khoảng 2 tiếng đồng hồ từ khi ngồi trên tầng 2 của một quán quán cafe không quen.
Ly cafe thơm, ngon chỉ 30 ngàn đồng, cái giá mà phải đến hai buổi chợ quê mẹ mới kiếm được vào những năm tháng tôi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Không gian, bài hát,.. rồi nhìn xuống lòng đường, hình ảnh hối hả của người phụ nữ kia sao bỗng nhiên lại quen thuộc đến thế?
Nhớ những năm học cấp 2, mẹ cũng thường dậy từ 4 giờ sáng để ra đồng hái rau đi chợ. Vài bó rau muống, dăm quả mướp và một buồng chuối xanh mà mẹ đạp xe kì cạch mấy chục cây số đi chợ xa ngồi bán.
Nhiều lúc chờ mẹ đi chợ về muộn, tôi tỏ ra khó chịu làu bàu: "Chợ gần mẹ không ngồi, sao lại cứ thích đi chợ xa thế?" Mẹ không giận mà nhẹ nhàng trách mắng: "Đi chợ xa trên thị trấn bán rau được đắt hơn. Thêm được đồng nào hay đồng đó. Tiền điện tháng này vẫn thiếu vài chục ngàn..."
Nhà tôi gần biển nên mùa hè nào bão cũng đi qua. Bão đến, chuối và rau màu trong vườn nhà nát tươm. Cả vườn chuối mẹ bao công chăm bón sau một đêm bỗng chốc tan hoang. Mẹ tiếc chuối vừa dọn vườn vừa khóc, tôi tiếp tục làu bàu: "Cả vườn chuối có bán được bao tiền đâu mà mẹ phải khóc?" Mẹ lại bảo: "Nhà còn thiếu nhiều tiền cho mày đi thi đại học".
Tôi bước chân đi học xa nhà bằng những đồng tiền dành dụm từ vườn chuối bão gió của mẹ, từ những phiên chợ mẹ đạp mấy chục cây số đi xa. Tiền ăn, tiền học, thậm chí đến tiền sinh nhật bạn bè cũng được mẹ tích góp gửi đều đặn mấy năm sinh viên.
Ba, bốn năm sinh viên với tôi cùng đám bạn trôi qua nhanh như một giấc mơ, thế nhưng, đối với mẹ nó như dài cả thế kỷ. Đầu tháng, cả lũ sinh viên mặt đứa nào đứa đấy hớn hở vì vừa nhận được tiền bố mẹ gửi lên. Thế mà, chẳng bao giờ đứa nào gọi điện về hỏi thăm xem là tiền đó bố mẹ kiếm như thế nào. Đương nhiên, tôi cũng nằm trong số những đứa con vô tâm đó.
Miền Bắc, một năm chỉ có hai vụ lúa, 6 tháng lam lũ mới thu hoạch được hạt thóc, hạt gạo. Quần áo, sách
vở, bút mực và cả mái tóc dài cứ ngắn dần dần và ngả màu vàng oạch của tôi cũng từ đó mà ra.
Những hôm nóng bức, ngồi trong lớp học, lỡ chẳng may mất điện, quạt không quay được cả lũ sinh viên lại nhao nhao la ó. Lúc ấy, cũng chẳng hề nhớ ở quê cha mẹ đang phơi lưng gặt lúa ngoài đồng.
Đã ra trường đi làm được gần 4 năm, những lần về quê thăm mẹ cũng thưa dần và chóng vánh. Trải qua những chuyến công tác xa nhà, những đêm thức khuya làm việc để kiếm từng đồng lương mới hiểu vì sao khi ấy mẹ cố gắng đạp xe đi chợ xa, vì sao mẹ phải khóc sau mỗi lần mưa bão...
Đam mê của tôi giờ đây được đánh đổi bằng sức khỏe của mẹ. Nghề nghiệp tôi có được đánh đổi bằng tuổi thanh xuân của bậc sinh thành. Vậy mà suốt những năm tháng qua, không ít lần tôi để thời gian đó trôi đi lãng phí. Tôi cũng không nhớ mái tóc đen óng của mẹ chuyển hoa râm từ khi nào, những nếp nhăn hằn trên trán mẹ xuất hiện đã bao lâu?
Đôi khi chúng ta chỉ chờ đến ngày Vu Lan mới có dịp cài một bông hồng lên áo, nhưng các đấng sinh thành đã mất cả đời để hy sinh, chăm sóc, lo lắng cho mình. Muốn nhấc điện thoại nói lời cảm ơn tới mẹ nhưng sao cổ họng nghẹn lại. Ly đen đá gọi từ hai tiếng trước, tôi đã cố ý bỏ thêm nhiều đường nhưng sao lúc này uống lại càng thấy đắng hơn?
Video: Cha bất chấp nguy hiểm lái, mẹ mệt mỏi ngủ gục trên xe chở hàng
Bình luận