• Zalo

Dùng chiêu bẩn triệt hạ đối thủ cạnh tranh

Kinh tếThứ Năm, 01/12/2011 09:52:00 +07:00Google News

Chê bai sản phẩm trước mặt khách, dùng số điện thoại của lãnh đạo thuộc doanh nghiệp khác đăng quảng cáo khoan cắt bê tông, bể phốt...

Chê bai sản phẩm trước mặt khách, dùng số điện thoại của lãnh đạo thuộc doanh nghiệp khác đăng quảng cáo khoan cắt bê tông, bể phốt..., một số cá nhân, doanh nghiệp sử dụng nhiều chiêu bẩn để triệt hạ đối thủ cạnh tranh.

Cách đây gần một tháng, cửa hiệu Spa của chị Dung trên phố Kim Mã xảy ra chuyện ầm ĩ. Chuyện là chiều cuối tuần, trong tiệm đang có hơn chục người massage thì một vị khách quen bước vào, lớn tiếng quát tháo nhân viên làm ăn vô trách nhiệm. Thậm chí người này còn cho rằng tiệm massage lừa đảo, dùng sản phẩm dởm cho khách.

 
Biết đó là khách quen nên chị Dung cho là nhân viên của mình đã làm gì đó không phải. Nhưng dù chị Dung đã hết sức khuyên can, xin lỗi, vị khách vẫn không bình tĩnh. "Chuyện lùm xùm, rối ren gần hai giờ đồng hồ, bao nhiêu người mới đến đều quay đầu bỏ về, không ít khách đang làm mặt dở cũng tự đứng dậy ra ngoài", chị kể.

Họp toàn thể nhân viên, chị Dung thì được biết vị khách này đã đến chừng 5 lần. Lần nào đến cũng có những biểu hiện rất lạ như cầm các lọ sản phẩm xem xét kỹ lưỡng, thi thoảng còn lôi kéo, rủ các vị khách tại đó qua Spa khác thử. Sau sự việc trên, lượng khách đến cửa hàng của chị giảm 30%. Điều tra kỹ, chị Dung được biết đó là nhân viên của một hiệu Spa khác.

Không ít sản phẩm nước uống, mì ăn liền, nước mắm, sữa... gần đây cũng bị tai tiếng nghi là có chứa chất độc hại, vi khuẩn. Dù chỉ là tin đồn song một bộ phận người tiêu dùng chỉ nghe đến vậy cũng thấy sợ và không muốn sử dụng sản phẩm nữa.

Cô Ly, chủ một cửa hàng tạp hóa trên phố Thái Hà cho biết, không biết thực hư ra sao nhưng mỗi khi dư luận xôn xao về một mặt hàng nào thì sản phẩm đó ngay lập tức ế. "Như loại nước mắm này, kể cả khi có cơ quan chức năng khẳng định là không có độc hại thì sức bán vẫn rất chậm, nhiều người không quay lại ăn nữa", chỉ tay vào một chai nước mắm, cô Ly nói.

Chị Thành, chủ cửa hàng đồ điện tử trên phố Kim Ngưu cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi vị khách lạ mua một chiếc nồi cơm điện, mang về sử dụng hai ngày thì ra quát mắng là đồ dởm, thổi cơm không ngon. Chị Thành ngỏ ý đổi lại nhưng người khách không chịu, chỉ một mực mắng nhiếc, khiến rất nhiều người qua đường tò mò vào xem.

Tưởng chuyện chỉ có thế song chị Thành không ngờ sau lần đó, cứ mỗi khi có khách định dựng xe vào mua, chủ hiệu bên cạnh lại ra rỉ tai nói là cửa hàng chị vừa xảy ra vụ tranh cãi về hàng giả, kém chất lượng. Nếu không tin có thể hỏi bà bán nước gần đó. Chị Thành cho biết khách cũ vẫn đến mua đều nhưng khách mới thì gần như cả tháng sau không có.

"Tôi nghĩ cạnh tranh bằng cách đó rất tệ. Cứ cho là nồi cơm điện đó không tốt thì cũng chỉ 'con sâu làm rầu nồi canh', mà chưa biết chừng đó lại là chiêu hạ uy tín của cửa hàng tôi, vì tôi đồng ý đổi nhưng vị khách nhất mực không chịu", chị than vãn.

Mới đây, anh Sơn, giám đốc một doanh nghiệp có trụ sở tại Thái Hà, Hà Nội cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Số điện thoại của anh cũng kiêm luôn đường dây nóng của công ty để xử lý các thắc mắc của khách hàng bỗng bị in trong tờ rơi giới thiệu sản phẩm và phát ở nhiều khu vực của Hà Nội. Anh Sơn chỉ biết tin số điện thoại của mình trở thành thuê bao rác đi quảng cáo kiểu "khoan cắt bê tông" khi nhận được giấy triệu tập của Sở Văn hóa Thông tin thành phố. Sở yêu cầu anh lên nộp phạt, đồng thời phải sơn lại toàn bộ những chỗ in tờ rơi và viết số điện thoại lên tường.

"Việc nộp phạt tôi không ngại, cái chính là liên lạc di động bị cắt, số điện thoại bị thu hồi. Tôi đã phải bỏ sim di động đã dùng 15 năm chỉ vì chuyện rất vớ vẩn", anh Sơn kể. Sau đó tìm hiểu, anh được biết, sự việc kể trên có liên quan đến một doanh nghiệp đối thủ.

Lâu nay, người ta không còn mấy xa lạ với hình ảnh hai hàng nằm cạnh nhau cùng bày bán một chủng loại sản phẩm. Chẳng may, khách hàng dựng xe ở quán này mà vào nhầm hàng kia, kiểu gì cũng bị người bán càu nhàu hoặc ném lại một cái nguýt dài.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ thực phẩm ở Hà Nội chia sẻ điều bà sợ nhất hiện nay là việc đối thủ chơi xấu, bôi nhọ hình ảnh doanh nghiệp khác trên mạng.

Theo bà, cùng với sự bùng nổ của viễn thông, công nghệ thông tin, nhiều doanh nghiệp khi thấy sự cố của đối thủ đã huy động nhân viên lập diễn đàn, mở topic chia sẻ quan điểm. Và bao giờ cũng vậy, họ đưa sự cố lên của đối thủ lên, kèm theo câu bình luận định hướng. "Các thành viên diễn đàn hùa vào comment, khen thì ít, chê thì nhiều. Sự cố của doanh nghiệp bị đẩy từ nhẹ lên mức khủng hoảng", bà tâm sự.

Hồng Anh - Xuân Ngọc/VnExpress

Bình luận
vtcnews.vn