Những chiếc tàu cá của Trung Quốc hạ neo trong đầm phá ở bãi cạn Scarborough, đánh bắt hải sản trái phép. Khi phát hiện ra và cử lực lượng tới với ý định tịch thu "tang chứng" xâm phạm vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền, Philippines ngay lập tức nhận một đòn giáng lớn từ phía Trung Quốc.
Chuyện gì xảy ra ở Scarborough?
Ngày 8/4/2012, máy bay của Philippines nhìn thấy tàu ngư dân Trung Quốc neo đậu ở bãi cạn Scarborough. Nhiều bên tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn này, trong đó có Philippines và Trung Quốc. Nhưng vào thời điểm đó, Manila đang là bên kiểm soát.
Vì vậy, Philippines điều động tàu khu trục BRP Gregorio del Pilar đến bãi cạn, kiểm tra các tàu Trung Quốc. Ngay lập tức, những người trên tàu Trung Quốc gọi khẩn cấp đến các nhà chức trách ở tỉnh Hải Nam. Hai tàu giám sát biển (CMS) Trung Quốc tuần tra gần đó nhanh chóng có mặt. Trận thế giằng co giữa hai bên bắt đầu. Điều đáng nói, tàu Trung Quốc chặn lối ra khỏi đầm phá của lực lượng Philippines, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Thậm chí, Manila còn không thể tiếp tế cho người của mình ở trong đầm.
Các nhà lãnh đạo Philippines ban đầu tìm kiếm một "giải pháp ngoại giao” nhưng không thành công. Vào ngày 17/4, Philippines thay đổi chiến lược và tuyên bố sẽ tìm đến trọng tài quốc tế hoặc bên thứ ba.
Các diễn biến giằng co tiếp tục. Đến ngày 21/5, 5 tàu hải cảnh và hơn 10 tàu đánh cá Trung Quốc đã đối đầu với 2 tàu của Philippines trên biển, đẩy căng thẳng lên đỉnh điểm.
Sau hơn hai tháng nỗ lực ngoại giao, Philippines kéo 2 tàu của mình ra khỏi bãi cạn Scarborough vào ngày 15/6. Manila ban đầu nói đi tránh bão, nhưng chỉ vài ngày sau, họ phẫn nộ lên tiếng rằng đáng nhẽ ra Bắc Kinh cũng đã phải rời đi như một phần của "thỏa thuận" giữa hai bên. Quan chức Trung Quốc trong khi đó không xác nhận thỏa thuận.
Đến năm 2013, vụ việc thông tin không rõ ràng về bãi cọc gồm 7 cọc đá do Trung Quốc xây dựng tại đây được Philippines thổi bùng trên truyền thông thế giới. Nhưng chỉ ít lâu sau, chính phía Manila lại im lặng.
Trung Quốc từ đó tìm cách hạn chế các phương tiện tiếp cận khu vực. Philippines nhiều lần tố tàu Trung Quốc cố tình đâm tàu của ngư dân nước này.
Một cuộc chiến pháp lý được Philippines khởi động từ năm 2012 và giành được chiến thắng ban đầu vào năm 2016 - khi Toà trọng tài Liên hợp quốc xác nhận những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông là không tuân thủ luật pháp quốc tế.
"Tam chủng chiến pháp"
Trung Quốc tuyên bố yêu sách đối với một khu vực rộng lớn trên Biển Đông và ngày càng quyết liệt trong các chiến thuật hiện thực hóa tham vọng. Vụ việc ở đá Ba Đầu mới đây chính xác là một vụ "bãi cạn Scarborough" thứ hai mà Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông.
Ngày 7/3, Philippines cho biết phát hiện hơn 200 “tàu cá” ở đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Manila nhanh chóng đặt ra câu hỏi về những tàu cá này và gửi công hàm phản đối Trung Quốc, trong khi đó Bắc Kinh ngang nhiên khẳng định đây là khu vực của mình và các tàu chỉ đang trú tạm vì biển động.
Đối với diễn biến mới tại đá Ba Đầu, tuy các nhà quan sát cho rằng chưa thể dự đoán tiếp theo điều gì sẽ xảy ra, song việc số lượng tàu lớn, “lảng vảng” trong thời gian dài, ít nhất là từ tháng 12/2020 (theo báo cáo của một công ty Mỹ), cho thấy Bắc Kinh quyết tâm khẳng định sự hiện diện.
Rõ ràng, cường quốc châu Á đang cùng một lúc thực hiện "tam chủng chiến pháp" - ba chiến thuật "gây sự" không dùng đến vũ lực để hòng đạt được ý đồ bá quyền trên Biển Đông của mình.
Trước hết, nước này đang tái diễn “chiến thuật vùng xám”. Chiến thuật này cho phép không tiến tới chiến tranh nhưng bằng mọi cách khiến đối phương mệt mỏi để đạt được mục đích.
Khi thông tin về các tàu ở đá Ba Đầu xuất hiện, một trong những lo ngại được đặt ra là đang có một cuộc xúc tiến bí mật của lực lượng dân quân hàng hải Bắc Kinh tại đây, nhằm dẫn đến việc xây dựng thêm một “pháo đài” đảo nhân tạo khác. Đặc biệt khi xem xét tình trạng của các “tàu cá không đánh bắt cá” xếp hàng ngay ngắn, chưa được sử dụng nhiều.
Trung Quốc một mực phủ nhận.
Trả lời phỏng vấn hôm 28/3, thượng nghị sĩ Philippines Risa Hontiveros cho rằng: “Trung Quốc đang cố lừa dối chúng tôi. Họ làm như thể chúng tôi đang bị ảo giác. Chúng tôi cảm thấy mệt mỏi với những nỗ lực của họ để bóp méo sự thật vì mục đích tư lợi”.
“Việc cải tạo các rạn san hô và chuyển đổi thành các đảo nhân tạo luôn được đi trước bằng các nỗ lực đánh bắt có sức tàn phá lớn, như thể để lấy bất cứ thứ gì có giá trị ra khỏi khu vực trước khi đổ cát lát bê tông xuống”, Giám đốc Viện Hàng hải Philippines, Tiến sĩ Jay Batongbacal cảnh báo.
Một số chuyên gia khác thì cho rằng các tàu cá này, được thiết kế và trang bị mạnh mẽ hơn tàu cá thông thường, có thể bị “vũ khí hóa” trong trường hợp cần thiết rồi sau đó lại quay trở về “vỏ bọc” tàu cá.
Đứng trước các chỉ trích quốc tế về hành động của mình, Trung Quốc thúc đẩy chính sách “ngoại giao chiến lang” - một chiến thuật khác trên mặt trận đối ngoại của nước này. Biểu hiện của nó chính là những lời đe doạ, cảnh báo với tư thế nước lớn tới tất cả các quốc gia “không phải là một bên trong vấn đề Biển Đông”, chỉ trích các nước là “can thiệp”, “gây bất ổn”.
"Việc đốt lửa và kích động đối đầu trong khu vực sẽ chỉ phục vụ lợi ích ích kỷ của từng quốc gia và phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực", một tweet của Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố.
Bao gồm các đặc điểm quyết liệt, chủ động và gây sự chú ý, chiến thuật ngoại giao chiến lang không chỉ thể hiện trong các phát ngôn gay gắt của nhà ngoại giao Trung Quốc mà còn thể hiện ở các hành động hung hăng như đâm va tàu cá trên biển, trừng phạt hay trả đũa Mỹ và các nước phương Tây.
Chính sách này được cho là có thể giúp Trung Quốc “khẳng định sức mạnh”, kể câu chuyện "theo cách của Trung Quốc", song dường như lại đang không tránh khỏi “tác dụng phụ” khi hình ảnh toàn cầu của nước này trở nên xấu đi.
Không những về ngoại giao và thực địa, Trung Quốc còn hành động về pháp lý. Bất chấp phản đối của quốc tế, Bắc Kinh ban hành "Luật Hải cảnh" - chiến thuật pháp lý, cho phép sử dụng vũ khí với các tàu nước ngoài.
Theo văn bản dự luật được công bố trước đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng "mọi phương tiện cần thiết" để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài, được phép phá hủy các công trình do những nước khác xây dựng trên các bãi đá ngầm mà Bắc Kinh có yêu sách chủ quyền cũng như lên tàu nước ngoài kiểm tra.
Luật Hải cảnh mới còn cho phép Bắc Kinh tạo ra các vùng cấm tạm thời trên biển "khi cần thiết" để ngăn chặn tàu bè và công dân nước khác đi vào các khu vực đó.
"Mục tiêu của luật này là tăng cường quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp", ông Gregory Poling - chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS-Mỹ) nói với VTC News hồi tháng 2.
Tiến sĩ Hosoda Takashi, chuyên gia an ninh châu Á tại Đại học Charles (CH Séc) và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đối ngoại Tokyo (Nhật Bản), cho rằng, luật Hải cảnh cho phép Trung Quốc có thể dừng, di chuyển hoặc kéo các tàu hải quân Mỹ nếu các tàu này đi vào cái gọi là “đường 9 đoạn” Trung Quốc tự vẽ ra mà không được quốc gia nào thừa nhận.
Bên cạnh đó, Trung Quốc tự cho phép mình phá dỡ những công trình do các quốc gia khác xây dựng trên các đảo, đá mà nước này tuyên bố chủ quyền. Đây đều là các kịch bản xấu có thể làm leo thang nghiêm trọng căng thẳng trong khu vực.
Ngay từ lúc còn là dự thảo cho đến khi chính thức có hiệu lực, Luật Hải cảnh của Trung Quốc đã vấp phải nhiều tiếng nói phản đối. Thượng nghị sỹ Francis Tolentino – Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện Philippines ngày 31/1 cho rằng, theo luật pháp quốc tế, như UNCLOS 1982, việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp bị cấm, nên “có rất nhiều luật lệ đang bị vi phạm ở đây”.
Nhà phân tích Ryan Martinson của Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc viết: “Khi cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực chết người để duy trì các yêu sách hàng hải của mình, Bắc Kinh đã vượt qua giới hạn”. Như vậy bất kỳ tàu đánh cá, khảo sát hoặc nghiên cứu nước ngoài nào hoạt động trong Biển Đông đều có thể bị cưỡng chế bắt giữ.
Các động thái của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và an toàn hàng hải, đi ngược lại những gì Bắc Kinh tuyên bố.
Phản ứng quốc tế
Bắt đầu từ việc lên tiếng, các nước có phản ứng mạnh mẽ hơn trước các hành động hung hăng, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông.
Năm 2020, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia, gửi công hàm, công thư lên Liên hợp quốc, thể hiện quan điểm về vấn đề Biển Đông, phản đối các lập luận sai trái của Trung Quốc. Các công hàm hầu hết nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Mỹ công bố lệnh trừng phạt Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) vì giúp Bắc Kinh đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông, cấm vận 24 công ty nhà nước của Trung Quốc liên quan các hoạt động xây dựng trái phép hạ tầng ở một số thực thể trên Biển Đông. CNOOC là đơn vị sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 từng xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Cuối năm 2020, đầu năm 2021, song song với việc Trung Quốc liên tục triển khai các cuộc tập trận trên Biển Đông, các nước cũng tiến hành tập trận tại khu vực. Điển hình là các cuộc tập trận chung của Mỹ, Nhật, Australia; của "Bộ tứ kim cương" Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia; Mỹ, Pháp hay gần đây nhất là Nhật, Pháp, Mỹ dự kiến tập trận chung vào tháng 5.
Mỹ và một số nước như Anh, Pháp, Đức đã hoặc có kế hoạch tăng cường điều tàu chiến tới Biển Đông - tuyến hàng hải quan trọng mang lại khoảng 10% giá trị thương mại cho các nước châu Âu này. Động thái được cho là mở ra phương thức mới cho các nước trong việc ứng phó với Trung Quốc.
Biển Đông đã không còn là câu chuyện riêng của một số bên, khi an ninh và ổn định trên Biển Đông đóng vai trò lớn trong sự ổn định và phát triển của khu vực và quốc tế. Cần phải có giải pháp trước khi tình căng thẳng leo thang, trở thành mối lo ngại lớn hơn với hòa bình và trật tự dựa trên luật lệ.
Bình luận