Giới công nghệ không khỏi xôn xao khi thông tin chính thức cho biết, ô tô điện VinFast sẽ sử dụng 2 dòng chip Nvidia Drive là Xavier và Orin.
Khoảnh khắc sống còn chỉ trong 1/1.000 giây
Trong khi Xavier là vũ khí nổi tiếng của Nvidia giúp ông lớn này đánh sâu vào mảng chip cho ô tô trong suốt 3 năm qua thì Orin lại là cái tên đang nhận được nhiều chờ mong. Đích thân Chủ tịch kiêm CEO Jensen Huang của Nvidia cách đây ít lâu đã tiết lộ về thế hệ chip có tên "Orin" được thiết kế với khả năng xử lí tới hơn 200.000 tỉ phép tính mỗi giây, một trong những dòng chip khủng nhất hiện tại cho robot hoặc hệ thống tự hành.
Cái tên "Nvidia Drive Orin" xuất hiện trong cú bắt tay với VinFast khiến giới công nghệ tin chắc, đây chính là "siêu phẩm" đã được lãnh đạo Nvidia bật mí cho thế giới trước đó. Chính xác, con chip khủng Orin sử dụng trên xe VinFast trong tương lai sẽ có khả năng xử lý lên tới 254.000 tỉ phép tính trên giây (254 TOPS - 1 TOPS tương đương 1.000 tỉ phép tính/giây). Cần phải biết, một chiếc Xbox Series X đời mới cũng chỉ đạt mức 12 TOPS. Con chip Qualcomm Snapdragon 888 trên những mẫu điện thoại làm khuynh đảo thị trường những tháng đầu năm nay cũng chỉ có hiệu suất khoảng 26 TOPS.
Với chuyên gia công nghệ Ngô Đức Hải (Đồng sáng lập Công ty Funzilla Việt Nam), con số đáng kinh ngạc 254 TOPS, gấp cả chục lần những con chip hiện tại, cho thấy, VinFast đang tính toán để làm nên những chiếc xe có tốc độ xử lí thông tin khủng nhất trên thị trường.
Điều này được cho chính là để nhắm tới các sản phẩm xe điện cao cấp có khả năng tự hành cấp độ 3 trở lên, như những thông tin mà VinFast đã công bố trước đó.
Để làm được, theo ông Hải, điều đầu tiên là bộ não của chiếc xe chắc chắn phải có "chỉ số thông minh" gấp nhiều lần hiện tại. Ông đơn cử như với ô tô điện VinFast, theo công bố từ nhà sản xuất, ngoài 14 camera xung quanh xe, ô tô còn trang bị cảm biến LiDAR cùng hệ thống cảm biến 360 độ. Riêng 14 camera, mỗi chiếc theo ông sẽ truyền khoảng 5-6 megabytes dữ liệu về trung tâm mỗi giây. Cộng thêm một loạt những cảm biến khác, liên tiếp truyền về trong suốt quá trình di chuyển, lượng hình ảnh có thể là hàng trăm megabytes hoặc hơn.
Điều khó theo ông là khả năng tính toán tất cả các kịch bản phát sinh khi xe di chuyển tốc độ cao. Ông lấy ví dụ, tính năng hỗ trợ lái trên đường cao tốc (highway pilot) ở cấp độ tự hành 3, người lái có thể bỏ tay ra khỏi vô lăng. Với tốc độ di chuyển có thể lên tới 100km/h, hệ thống xử lí phải tính toán mọi trường hợp, nguy cơ va chạm trong từng giây di chuyển trên đường.
Nếu xe phía trước phanh gấp, bộ não trong xe phải tính được thời gian va chạm, đo lực phanh, quãng đường dừng xe dự kiến, khoảng cách trái phải, để đưa ra quyết định phanh gấp hay ra lệnh đánh lái sang trái hoặc phải với độ rủi ro ít nhất. Tức là trong một hành trình, bộ não trên xe sẽ liên tục phải giải hàng nghìn bài toán, một cách chính xác, không sai sót.
"Mỗi giây di chuyển sẽ là bài toán tổ hợp chập của vài chục kịch bản, được giải trong thời gian cực ngắn, quyết định cần có trong 1 phần nghìn giây để tiết kiệm tối đa thời gian cho hệ thống cơ khí thực hiện tác vụ phanh hoặc đánh lái. Trong giao thông, đó là khoảnh khắc sống còn. Nếu là một con chip yếu, tình trạng nghẽn và 'đứng hình' thậm chí có thể xuất hiện, người dùng sẽ gặp rủi ro lớn", ông Hải nói.
Xây "móng" cho cấp độ tự hành khủng
Với "vũ khí hạng nặng" của Nvidia, theo giới chuyên gia, VinFast có vẻ không chỉ hướng tới khả năng tự hành cấp độ 3 cơ bản mà có thể là Full Self Driving, cấp độ cao nhất trong mức 3 với những tác vụ đầy đủ như: Hệ thống giám sát người lái, Trợ lái khi ùn tắc (Traffic Jam Pilot), Ra vào đường cao tốc...
Ông Bùi Trọng Hiếu, một chuyên gia công nghệ, từng nhiều năm làm việc ở Silicon Valley (Mỹ) lấy ví dụ về tính năng "Trợ lái khi ùn tắc". Các hoạt động chỉ bao gồm liên tục phanh, dừng lại, di chuyển, tăng tốc rồi lại phanh. Tuy nhiên thực tế, một chiếc xe tự lái của hãng lớn trên thế giới đã phải "đầu hàng" trên đường phố Việt Nam bởi cùng lúc xuất hiện "mưa" phương tiện từ nhiều phía vượt lên.
Theo ông, đó là lý do vì sao, một ông lớn khác là Audi từng ra mắt tính năng tương tự nhưng vấp phải quy trình công nhận ở nhiều nơi vì sự phức tạp trong giao thông từng khu vực. Riêng với VinFast, ông kì vọng tính năng này sẽ trở nên hoàn hảo hơn với hệ thống chip khủng như hiện tại.
Mặt khác, theo ông, hệ thống chip trên ô tô rất khác so với đồ dùng cá nhân khác. Lượng kiến thức mà hệ thống này phải học vô cùng lớn. Ví dụ, với bản đồ, trên mọi quãng đường di chuyển, chính hệ thống xử lí phải so sánh (từ hệ thống biển báo, tốc độ tối đa, thông báo lối rẽ, trạm thu phí...) với phiên bản được lưu trữ để cập nhật, tính toán hỗ trợ người dùng.
Ngoài ra, với xe điện, khi nhà sản xuất hoàn thiện hệ thống phần mềm, cập nhật các tính năng mới, một chiếc xe thậm chí có thể từ tính năng tự hành cấp độ 2 có thể vọt lên cấp độ 3 hoặc 4. "Dư địa" để một chiếc xe điện trở nên thông minh hơn là vô cùng lớn. Tuy nhiên, điều kiện đầu tiên là hệ thống xử lí phải đủ không gian để tính toán những phép tính phức tạp. Bởi thế, theo ông Hiếu, việc trang bị một con chip 254.000 tỉ phép tính như VinFast sẽ đảm bảo để những chiếc ô tô điện có nhiều không gian để trưởng thành.
Ông dự đoán, với sức mạnh công nghệ chip hiện tại trên Orin của Nvidia, những chiếc xe điện của VinFast sẽ có lớp nền vững để có những sản phẩm đầu tay có khả năng tự hành cấp độ 3 và thậm chí là mở rộng lên 4 sau đó. Đây là khả năng tự hành cấp cao - không cần người lái phải điều khiển xe trong rất nhiều điều kiện.
"Điều này cũng giống như xây dựng một ngôi nhà, cần nền móng lớn, bền chắc mới đủ sức làm nên một tòa nhà cao tầng. VinFast đang xây một lớp nền cực kì vững chãi", ông Bùi Trọng Hiếu nói.
Bình luận