• Zalo

Dụng binh thời VFF

Thể thaoThứ Tư, 14/09/2011 04:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nếu chiểu theo binh pháp Tôn Tử thì đúng là VFF nên “bao vây” và “dằn mặt” báo chí thật.

(VTC News) - Nếu chiểu theo binh pháp Tôn Tử thì đúng là VFF nên “bao vây” và “dằn mặt” báo chí thật.

1. Xã hội hiện tại phức tạp thật. Người ta sẵn sàng cãi nhau, thậm chí "động thủ" chỉ vì những cái tưởng chừng rất nhỏ nhặt. Người yếu thì lúc nào cũng nơm nớp thủ thế và sẵn sàng chơi bài chuồn khi cần. Còn kẻ mạnh thì cứ “luật rừng” mà chiến, nóng mắt là “bắn liền”.

Chẳng thế mà vụ Lê Văn Luyện qua chưa lâu, một gã chưa đầy 16 tuổi cũng “học đòi” theo nghiệp “đao kiếm” chỉ vì một cái mũ bảo hiểm. Hay như ở địa phương nọ, mới cách đây vài ngày, một thiếu úy cảnh sát sau một hồi lời qua tiếng lại, cũng xắn tay “lăn xả” vào người dân.

Hãy khoan bình luận xem ai đúng ai sai, bởi đến một đứa trẻ con cũng có thể phán: “Không có lửa thì làm sao có khói”. Cái mà dư luận quan tâm bây giờ là cách đối xử giữa con người với nhau. Phải chăng sự cảm thông và chia sẻ đã trở thành một thứ quá xa xỉ đối với chúng ta?

Cũng có thể, bởi xã hội ngày càng phát triển thì sự phân hóa giữa người với người càng diễn ra mạnh mẽ. Chân lý phần nhiều sẽ thuộc về kẻ mạnh, còn thấp cổ bé họng thì cứ thế ngậm bồ hòn làm ngọt mà sống tiếp.

VFF dụng binh tài như ... Tôn Tử 

2. Tôn Tử đã từng nói thế này: “Theo phép dụng binh, khi gấp mười lần địch thì bao vây, gấp năm lần địch thì tấn công, gấp đôi thì chia ra mà đánh, bằng địch thì phải đánh khéo, kém địch thì rút, tránh giao tranh với địch”.

Nếu chiểu theo ý vị quân sư nổi danh Trung Quốc này thì đúng là VFF nên “bao vây” và “dằn mặt” báo chí thật.
Luận về “vũ khí”, báo chí chẳng có gì ngoài ngòi bút và những trang báo. Trong khi VFF lại có cả một mớ những công văn và điều luật đi kèm, lơ mơ là họ “chém” liền.

Luận về “đạn dược”, báo chí cũng chỉ có mỗi dư luận và độc giả làm chỗ dựa. Chừng đó là quá ít nếu đem so với tiềm lực tài chính cũng như sự hậu thuẫn đằng sau VFF.

Thế nên mới có chuyện, dù báo chí và dư luận đã cùng nhau đứng một chiến tuyến, khui ra những thứ không thể “ngửi được” của VFF mà cuối cùng đâu vẫn đóng đấy. Những “người không đạt yêu cầu” vẫn tại vị. Những người cần vào thì chẳng thấy ai giới thiệu cả.

Dám “sống thử” cả với “làn sóng dư luận” thì chuyện “VFF kiến nghị các cơ quan quản lý báo chí, chỉ đạo tuyên truyền chính xác sự kiện để định hướng dư luận” cũng đâu có gì là lạ.

Nhưng họ chưa làm được gì nhiều cho bóng đá Việt Nam 

3. Cái làm mọi người ngạc nhiên lúc này chỉ là “sự khác người” của VFF mà thôi.Họ đang cố làm cho mình trở nên đặc biệt như thế.

VFF bất chấp tất cả để giữ lại một cơ chế, mà như bầu Kiên mô tả là “bao cấp còn hơn cả thời bao cấp”. Họ sẵn sàng “đàn áp” một tờ báo chỉ vì những người đó dám thẳng thắn phơi bày “thực trạng thối nát” của bóng đá Việt Nam.


11 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, VFF đã đánh đổi những mớ tiền bạc tỷ bằng niềm tin và sự yêu mến của khán giả.

11 năm đưa bóng đá Việt Nam lên sánh vai cùng bạn bè thế giới, cái mà VFF nhận được chỉ là sự e dè của các câu lạc bộ mỗi khi phải mang trên mình gánh nặng “đem chuông đi đánh xứ người”.

Albert Einstein đến giờ vẫn còn sống mãi, bởi niềm tin của ông dựa trên một cơ sở vững chắc.

Còn cứ như cách làm của VFF hiện tại, với những “xấu xa” không bao giờ bị loại bỏ, thì nó chẳng khác nào những con quạ, lại bay về đậu trên chính tổ của mình.

Quân Hào

Bình luận
vtcnews.vn