• Zalo

Dừng 5 tuyến xe buýt ở Hà Nội: Tài xế nói gì?

Đời sốngThứ Bảy, 02/07/2022 16:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều tài xế đã gắn bó cả chục năm với Công ty Bắc Hà tỏ ra buồn rầu, tiếc nuối khi nghe tin công ty sẽ dừng hoạt động 5 tuyến xe buýt vì thua lỗ.

Hơn 10 năm gắn bó với công việc lái xe buýt, anh D. (tài xế tuyến buýt số 42, Trần Khánh Dư đi Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội) thuộc nằm lòng từng cung đường, điểm trả khách.

Sáng 2/7, vẫn như mọi ngày, anh D. cần mẫn với công việc của mình và nghĩ tháng lương sắp tới sẽ mua quần áo, sách vở cho con bước vào năm học mới. Bỗng anh nhận được thông báo từ Công ty TNHH Bắc Hà về việc anh và nhiều đồng nghiệp khác sắp phải kết thúc hợp đồng lao động vì công ty thua lỗ.

“Sáng nay, tôi nhận được thông báo công ty gửi lên nhóm Zalo chung. Tôi rất buồn vì mình gắn bó hơn 10 năm với công việc này. Dù thế nào tôi vẫn sẽ làm việc, hoàn thành nhiệm vụ cho tới ngày công ty kết thúc hợp đồng lao động với mình”, anh D. buồn bã kể lại.

Dừng 5 tuyến xe buýt ở Hà Nội: Tài xế nói gì? - 1

Công ty Bắc Hà thông báo sẽ dừng hoạt động toàn bộ 5 tuyến buýt có trợ giá của TP Hà Nội từ 15/8.

Cũng giống như anh D., sáng nay, anh Đ.V.Q. tất bật đi làm. Rồi sau đó, anh Q. cùng nhiều nhân viên nhận được thông báo của công ty về việc dừng hoạt động và chấm dứt hợp đồng với người lao động kể từ ngày 15/8 tới đây.

Theo anh Q., anh cũng như nhiều tài xế, phụ xe khác trên 5 tuyến xe buýt mang số hiệu 41, 42, 43, 44, 45, đang rất hụt hẫng xen lẫn nhiều nỗi lo lắng, buồn rầu.

“Tôi đã gắn bó công việc lái xe buýt trên cung đường Nghi Tàm - BX Giáp Bát và ngược lại đến nay đã 17 năm kể từ khi tuyến buýt được thành lập. Với lái, phụ xe như chúng tôi có rất nhiều cảm xúc đan xen trong những ngày làm việc. Sáng nay, dù biết tin nhưng tôi chỉ biết đi làm bình thường, chấp hành đầy đủ quy định đã đề ra và chờ đợi xem công ty thế nào. Tôi chỉ muốn ai đang gắn bó công việc với tuyến xe này sẽ tiếp tục được làm việc”, anh Q. chia sẻ.

Nam tài xế cho biết, thời gian qua anh cũng biết chuyện công ty gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, xăng dầu tăng giá trong khi giá xe buýt gần như không thay đổi.

“Chúng tôi hiểu được khó khăn mà công ty đang trải qua. Đợt dịch COVID-19 anh em nghỉ việc không lương và nhận được một phần trợ cấp. Ban giám đốc cũng trao đổi về những khó khăn trước mắt và nhân viên hoàn toàn thấu hiểu. Nếu tuyến xe này mà dừng hẳn chúng tôi sẽ rất tiếc”, anh Q. chia sẻ thêm.

Cầm vô lăng tuyến buýt số 41 và nhận lương từ Công ty TNHH Bắc Hà đến nay đã 6 năm, khi nghe tin công ty dừng xin dừng khai thác 5 tuyến xe buýt ở Hà Nội, tài xế N.Q.T (45 tuổi) cảm thấy hơi sốc.

“Nhiều anh em trong đó có cả tôi gắn bó với công việc này nhiều năm qua. Nhờ đó anh em có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình. Tối qua, tôi nghe úp mở về việc này. Sáng nay khi nhận được thông báo từ công ty tôi thấy hơi sốc, không nghĩ đến mức độ này”, anh T. chia sẻ.

Theo anh T. trước mắt anh và mọi người động viên nhau tận tâm với công việc. Công ty cho nghỉ lúc nào anh sẽ nghỉ việc lúc đó.

“Nếu không làm ở đây thì chúng tôi cũng sẽ phải tìm công việc ở nơi khác. Tôi chỉ tiếc nuối một điều bao năm qua đã đồng hành với nhiều hành khách trên tuyến buýt này. Hy vọng tuyến buýt sẽ tiếp tục được hoạt động”, anh T. nói thêm.

Dừng 5 tuyến xe buýt ở Hà Nội: Tài xế nói gì? - 2

Một tài xế trước nỗi lo mất việc khi tuyến xe buýt ngừng hoạt động

Trước đó, Công ty TNHH Bắc Hà gửi thông báo đến Sở Giao thông vận tải Hà Nội. Trong thông báo, ông Nguyễn Kim Cương, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Hà, cho biết, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại số 2 đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang từ năm 1993. Bắc Hà là đơn vị tư nhân đầu tiên thực hiện xã hội hóa dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo chủ trương của HĐND và UBND TP Hà Nội từ năm 2005 đến nay.

Sau gần 17 năm hoạt động, Công ty Bắc Hà đã quản lý vận hành 5 tuyến xe buýt số hiệu 41, 42, 43, 44, 45. Tuy nhiên, theo đơn vị này, trải qua 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, lĩnh vực vận tải bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong đợt bùng dịch lần thứ 4 ở Việt Nam (27/4/2021), tâm dịch ban đầu chính là ở Bắc Giang, nơi Công ty Bắc Hà đặt trụ sở chính nên hoạt động kinh doanh dừng hẳn trong thời gian dài. Do không có doanh thu nhưng công ty vẫn phải duy trì hoạt động làm cạn kiệt vốn lưu động, hạn mức vay sử dụng hết dẫn đến việc mất khả năng thanh toán các chi phí thiết yếu như lương, nhiên liệu, sửa chữa, bến bãi cũng như các khoản nợ đến hạn của ngân hàng.

Toàn bộ 57 ô tô phục vụ 5 tuyến buýt số 41 đến 45 đều được Công ty Bắc Hà thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh Bắc Ninh để vay vốn kinh doanh.

Ngày 24/6/2022, Công ty Bắc Hà nhận được thông báo đã nợ quá hạn 55 ngày đối với số tiền gốc hơn 56,511 tỷ đồng. Ngân hàng yêu cầu thực hiện kịp thời, đầy đủ nghĩa vụ trả nợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của ngân hàng. Nếu trong vòng 15 ngày không trả được nợ, ngân hàng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý bao gồm cả việc xử lý tài sản thế chấp là phương tiện vận tải.

Giám đốc Công ty Bắc Hà cho biết, dựa vào tình hình tài chính hiện có và nguồn thu thực tế, công ty không có khả năng thanh toán được khoản nợ đến hạn của ngân hàng và chắc chắn sẽ dẫn tới việc thu giữ tài sản thế chấp là 57 chiếc ô tô đang sử dụng cho 5 tuyến xe buýt, làm ảnh hưởng đến vận tải hành khách theo các hợp đồng đã ký với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội.

Vì vậy, Công ty TNHH Bắc Hà đề nghị Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan chấp thuận cho ngừng khai thác 5 tuyến xe buýt mang số hiệu 41, 42, 43, 44, 45 kể từ ngày 15/8 vì điều kiện bất khả kháng.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn